Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bản sắc du lịch Việt, sao cứ đi tìm xa xôi?
Thứ tư: 08:47 ngày 18/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thưởng thức Kpop, làm kim chi theo đúng cách Hàn Quốc hay được nghệ nhân lành nghề phố Hội chỉ bảo những bí quyết làm nên những chiếc lồng đèn sặc sỡ sắc màu… Kết hợp tham quan với trải nghiệm văn hóa địa phương đang là cách làm du lịch cuốn hút du khách.

Du lịch Kpop, học làm kim chi

Du lịch kể từ khi hình thành đã được coi là “sự mở rộng không gian văn hóa của con người”. Bởi thế nên, các quốc gia biết làm cho du lịch của họ hấp dẫn bền lâu, tạo được ấn tượng tốt với du khách đều là những nước biết lồng ghép văn hóa vào du lịch.

Như Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Ở Hàn Quốc có một cái bảo tàng khá lạ: Bảo tàng kim chi. Trong khi đi bảo tàng là một việc xa lạ với nhiều du khách Việt thì mỗi ngày, Bảo tàng kim chi này có hàng ngàn lượt khách tham quan. Họ xem gì ở đây? Những mô hình mô tả quy trình làm kim chi, kim chi có bao nhiêu loại, có bấy nhiêu mẫu được trưng bày trong bảo tàng, vô số các loại chum, vại, hũ để đựng kim chi, ớt khô, dụng cụ, nguyên liệu làm kim chi, và cả thông tin về tác dụng của món ăn này với sức khỏe…

Nhưng thứ mà du khách thích thú nhất khi đến đây là được… học làm kim chi.

Quá trình học làm kim chi, du khách sẽ được biết món ăn có truyền thống từ cả 2000-3000 năm trước của người Hàn Quốc được làm ra như thế nào, có bao nhiêu loại, sơ chế ra làm sao, cần những nguyên liệu gì. Thậm chí, đầu bếp dạy làm kim chi sẽ còn kể nhiều câu chuyện thú vị về món ăn này với du khách. Được tự tay trộn món ăn yêu thích của cả một quốc gia, được nếm thử sản phẩm của mình, khách nào cũng thích.

Không chỉ mang văn hóa truyền thống vào du lịch, Hàn Quốc thậm chí còn thức thời hơn thế nữa khi đưa Kpop và phim trường của các bộ phim nổi tiếng vào du lịch.

Đã từ lâu, Kpop tour trở thành một sản phẩm hấp dẫn du khách trẻ thế giới, đặc biệt là Việt Nam, khi đưa du khách tới tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng được chọn là bối cảnh quay của các bộ phim truyền hình nổi tiếng như tháp N Seoul, Dongdeamun Design Plaza (phim Vì Sao Đưa Anh Tới), và thưởng thức đêm nhạc Kpop: Hologran, The Show…; khám phá trung tâm sản xuất phim ảnh, ca nhạc – cái “nôi” rèn luyện đào tạo ca sỹ, nghệ sỹ hàng đầu Hàn Quốc như đài KBS, SM, JYP…

Hút khách bằng văn hóa dân gian

Ở Việt Nam, du lịch gắn với văn hóa địa phương cũng không còn xa lạ. Tại Huế, đã có nhiều đoàn sinh viên nước ngoài đến trải nghiệm làm hoa giấy với các nghệ nhân ở làng hoa giấy Thanh Tiên, Phú Vang, Huế. Ở Hội An, một số xưởng đã mở lớp dạy du khách làm đèn lồng. Đờn ca tài tử được đưa vào hầu hết các tour sông nước miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ca Huế cũng là một nét văn hóa đẹp trong nhiều tour du lịch Huế…

Thậm chí những lớp học làm đèn lồng, kết nón lá còn trở thành một trải nghiệm thú vị với những du khách 5 sao ở các khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula tại bán đảo Sơn Trà.

Một doanh nhân nước ngoài giấu tên sau khi miệt mài đan nón ở InterContinental Danang đã thích thú dành tặng người vợ trẻ của mình sản phẩm còn nhiều vụng về của ông. Họ đã mang theo chiếc nón đó trở về nước, như một dấu ấn đặc biệt nhất trong chuyến đi tới Việt Nam.

Ngược lên Tây Bắc, văn hóa bản địa cũng đã tạo nên điểm nhấn thú vị cho nhiều điểm đến, nhiều khu du lịch như Sun World Fansipan Legend (Lào Cai) chẳng hạn. Khu du lịch do Tập đoàn Sun Group đầu tư và đưa vào hoạt động cách đây mới hơn một năm nhưng đã có một cách làm du lịch hết sức tinh tế, khi gắn liền bản sắc của mình với văn hóa bản địa.

Dễ thấy, văn hóa Tây Bắc, sản phẩm Tây Bắc thấm đẫm trong mỗi hoạt động của Khu du lịch này, từ múa khèn, thổi sáo, múa dân tộc tại ga đi cáp treo cho tới việc tổ chức các lễ hội độc đáo như Lễ hội khèn hoa và không gian văn hóa Tây Bắc, Lễ hội hoa đỗ quyên, Lễ hội rượu và ẩm thực Tây Bắc, Lễ hội hoa Tam Giác Mạch…

Tại các lễ hội, văn hóa bản địa của người Tây Bắc được tôn vinh, người dân Tây Bắc có cơ hội mang văn hóa của mình tiếp cận với du khách một cách trực tiếp, thông qua việc bán những sản phẩm truyền thống do chính họ làm ra, qua việc trực tiếp biểu diễn múa khèn, nhảy sạp…

Thậm chí, tại những lễ hội như Lễ hội rượu và ẩm thực Tây Bắc, khu du lịch này còn tái hiện nguyên một lễ cưới của người Dao đỏ, và cả quy trình nấu rượu truyền thống của người vùng cao, kéo du khách tham gia vào các quy trình đó, hoặc là tự tay làm bánh dày cổ truyền theo cách của người Dao.

Người Tây Bắc ghi nhận cách làm này của Sun World Fansipan Legend. Như nghệ sỹ Sần Tráng, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi múa khèn tại Lễ hội đầu tiên mà khu du lịch này tổ chức đã từng nói: “Thông qua những cuộc thi, bà con giữ gìn bản sắc văn hóa. Còn về mặt kinh tế, Công ty Cáp treo Fansipan đã giúp bà con có thêm một nguồn thu khác ngoài nông nghiệp, tạo cho địa phương ngày càng phát triển.”

Còn du khách thì vô cùng thích thú. Ông Hoàng Văn Thái, một du khách từ tận Tp.HCM đến đây đúng dịp Lễ hội rượu và ẩm thực cười vui vẻ: “Tôi thực sự thích cách tổ chức lễ hội ở khu du lịch này. Ban đầu đến đây, cứ nghĩ chỉ lên đỉnh ngắm cảnh rồi thôi, không ngờ say tới giờ chưa đứng lên được”.

Kết hợp văn hóa trong làm du lịch, sản phẩm tạo ra sẽ có màu sắc riêng biệt, cảm xúc khác lạ, chẳng giống ai. Đó không chỉ là cách tạo “phần hồn” cho một điểm đến mà còn mang lại trải nghiệm vô cùng độc đáo, kéo du khách trở đi trở lại với điểm đến đó. Như thế cũng là cách trả lời cho sự loay hoay mãi chưa tìm ra bản sắc riêng cho du lịch Việt.

Nguồn Doanh Nhân.vn

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục