BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện cuối tuần

Bàn về “Dạy đạo đức, dạy làm người” 

Cập nhật ngày: 09/08/2019 - 13:15

BTN - Năm học mới sắp bắt đầu, là bậc... tổ phụ (1) của học sinh, ông lo lắng điều gì nhất?

- Tựu trường sớm trước ngày khai giảng chính thức những hơn hai, ba tuần lễ, rất bị động cho việc đón con em của phụ huynh học sinh. Thực tế, trên phạm vi cả nước, đã từng xảy ra nhiều trường hợp học sinh, cha mẹ bận công việc đi đón trễ, các em bị rủ rê, lôi kéo vào các trò chơi xấu (games bạo lực, cờ bạc, video clip khiêu dâm, tập hút thuốc, “thử” các chất gây nghiện...). Có những em cùng lớp rủ nhau đi tắm hồ ao, sông rạch, biển bị đuối nước… Nói chung là đủ thứ nơi nguy hiểm, cạm bẫy tệ nạn luôn rình rập, lôi kéo trẻ em trong thời gian tựu trường mà chưa thực học này.

- Vậy ông kiến nghị gì?

- Nếu chưa thực sự cần thiết thì nên để các cháu tiếp tục nghỉ hè hoặc sinh hoạt hè, có người trong gia đình trông nom hoặc tổ chức xã hội chịu trách nhiệm quản lý, còn hơn là để học sinh đến trường, chỉ để biết cái lịch làm lao động vệ sinh trường lớp hoặc chỉ để làm quen với giáo viên chủ nhiệm, hay chỉ để chép thời khoá biểu rồi cho tự do hoặc cho về. Chỉ nên tựu trường khi đi vào thực dạy, thực học ông ạ.

- Còn vấn đề “bạo lực học đường” và “đạo đức, lối sống” của học sinh sinh viên (HSSV) hiện nay, ông thấy thế nào?

- “Báo động đỏ”!

- Tại sao ông nói thế?

- Vì các biểu hiện sống gấp, biếng nhác học hành - lao động, yêu đương buông thả, ham hưởng thụ vật chất, thích chơi bời quậy phá, coi thường nội quy nhà trường, luật pháp nhà nước, bất kính với ông bà cha mẹ, thầy cô và người lớn ngoài xã hội... không còn là “hiện tượng cá biệt” nữa. HSSV hư hỏng thời nay sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn là có tiền để ăn chơi: từ nói dối để xin tiền người thân đến hành động trộm cắp, cướp của, giết người, thậm chí giết cả ông, bà, cha, mẹ, bà con ruột thịt mình cũng đã từng xảy ra...

- Theo ông, nguyên nhân có phải do tình trạng bất cân xứng giữa việc “dạy chữ” và “dạy người” trong nhà trường không?

- Chỉ đúng một phần. Hằng ngày, ngoài thời gian học ở trường, phần lớn thời gian còn lại HSSV sống cùng gia đình và sinh hoạt xã hội. Cho nên, giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội (gia đình, nhà trường và xã hội) mà nhà trường đóng vai trò trung tâm. Ðây là quan điểm giáo dục kế thừa từ tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Ðúng vậy, lời Bác căn dặn cán bộ Ðảng ngành Giáo dục 62 năm trước vẫn nguyên giá trị: “Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.(2)

THIÊN HẠ

------------------------- 

(1): Ông nội hoặc ông ngoại

(2): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXBCTQG, H.2011, tr.591