BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban VH – XH HĐND tỉnh kiến nghị: Cần bổ sung vốn đầy đủ và kịp thời để dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên

Cập nhật ngày: 22/08/2009 - 04:53

Một lớp dạy nghề cho thanh niên tại Hoà Thành.

Trong tháng 7.2009, Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Các đơn vị được giám sát báo cáo cho biết, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 261/2006/QĐ-UBND ngày 27.11.2006 về Chương trình thực hiện chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010, trong những năm 2006-2009 Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức được 220 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 6.518 học viên, trong đó có 1.284 thanh niên nông thôn. Các lớp dạy nghề khai thác mủ cao su, trồng nấm, trồng rau sạch, nuôi cá nước ngọt thu hút nhiều học viên. Tổ chức Đoàn các cấp đã giới thiệu việc làm cho 11.077 đoàn viên thanh niên và tư vấn giới thiệu việc làm cho 15.053 lượt đoàn viên thanh niên. Kể cả dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, tư vấn hướng nghiệp cho chiến sĩ trước khi xuất ngũ, hướng dẫn bộ đội xuất ngũ đăng ký học nghề tại trường trung cấp nghề Quân khu 7 và dạy nghề hàn, sửa chữa máy nổ, may công nghiệp cho 93 thanh niên sau cai nghiện ma tuý.

Về giải quyết việc làm, mặc dù tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển sản xuất, tạo ra nhiều việc làm mới góp phần đáng kể cải thiện nâng cao đời sống người lao động và tất nhiên có cả lực lượng thanh niên được đào tạo nghề. Do đó việc triển khai thực hiện chương trình chiến lược phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh mang lại kết quả bước đầu rất thiết thực. Tuy nhiên do các dự án cho vay vốn chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân, mục đích vay để chăn nuôi, trồng trọt với quy mô nhỏ, trong khi đó các cơ sở sản xuất với quy mô lớn lại ít vay vốn. Cụ thể trong 2 năm 2007-2008 chỉ có 3 cơ sở được vay 800 triệu đồng. Từ đó dẫn đến hạn chế thu hút lao động và tạo việc làm bền vững cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng. Mặt khác, vấn đề đáng quan tâm là nguồn vốn phân bổ của Trung ương và địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của các hộ gia đình. Trong khi đó nguồn vốn cho vay tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu dựa vào nguồn vốn thu hồi, vốn ngân sách cấp bổ sung hằng năm rất ít.

Mặt khác, qua giám sát Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh có nhận xét chung là hằng năm việc phân bổ kinh phí từ ngân sách Nhà nước còn chậm, do đó các cơ sở dạy nghề chưa chủ động thực hiện kế hoạch, thường tập trung vào những tháng cuối năm. Cơ cấu ngành nghề đào tạo theo trình độ của học viên chưa phù hợp, chưa kịp thời bổ sung các ngành nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động. Thiết bị, giáo trình dạy nghề chưa theo kịp sự phát triển của xã hội… Ngân sách địa phương đầu tư cho hoạt động dạy nghề còn thấp so với nhu cầu thực tế nên việc đầu tư công nghệ mới còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng dạy, học nghề chưa cao.

Từ thực tế đó, Ban Văn hoá - Xã hội đề xuất HĐND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng nguồn vốn cho vay các dự án nhằm tạo ra nhiều việc làm, thu hút lao động, đồng thời kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm ban hành chương trình khung của các nghề có trong danh mục, tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề của Nhà nước mở rộng ngành nghề đào tạo và xã hội hoá công tác đào tạo nghề, kịp thời đáp ứng nhu cầu học nghề cho thanh niên nông thôn.

Vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong các giải pháp chủ yếu thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, vì vậy trong năm 2009 đòi hỏi các ngành tiếp tục đề ra các chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể và giải pháp khả thi để thực hiện chương trình quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 2006-2010 theo hướng tạo, mở nhiều việc làm mới, từ đó khai thác tốt hơn tiềm năng thế mạnh của địa phương về đất đai, lao động, nguồn vốn, trình độ khoa học kỹ thuật để thúc đẩy kinh tế phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

TM