Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Bảng ghi chưa đúng
Thứ năm: 05:00 ngày 15/05/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTN) - Nhân mùa lễ cúng Kỳ yên đình Hiệp Ninh, nhìn lại các di tích văn hoá lịch sử ở phường 2 (thành phố Tây Ninh) thấy thật đáng mừng! Hôm 23.4.2014 (tức 24.3 năm Giáp Ngọ) có lễ cúng miếu Bà Thiên Hậu, rất đông bà con cả người Hoa lẫn người Kinh đến dự.

Trước đó ít lâu còn có lễ cúng đền Quan Thánh Đế Quân (còn gọi chùa Ông) cũng rất nhộn nhịp, đông vui. Nhang trầm bát ngát, chuông mõ ngân nga, người người đến dự lễ đều trang nghiêm, thành kính.

Ở tất cả các điểm di tích vừa kể, phần vật thể là toà kiến trúc đều đã được tu bổ và chăm sóc thường xuyên nên trông rất khang trang. Đình Hiệp Ninh sau hơn ba năm trùng tu tôn tạo lớn và đưa vào sử dụng, đến nay vẫn rực rỡ vàng son trên từng chi tiết kiến trúc, điêu khắc.

Đấy là các đôi liễn đối, bao lam, tủ thờ, trang thờ… được phục hồi theo đúng cách làm truyền thống nên phần “sơn son, thếp vàng” vẫn sáng đẹp và nguyên vẹn. Những hàng cột dù được thay bằng cây gỗ mới hay đắp sửa trên cây cột cũ thì tất cả vẫn tròn vo, bóng loáng màu nâu đen gỗ quý.

Thật thú vị làm sao, sau 114 năm (kể từ 1900- Giáp Tý) những bao lam chạm thủng bộ tứ linh (long, ly, quy, phụng) cùng những vân mây, hoa lá đến nay vẫn sắc sảo lạ thường. Cả trên các lớp mái ngói âm dương, thoạt trông có cảm giác rời rạc, mong manh dễ giạt xô, thế mà sau hơn ngàn ngày mưa nắng vẫn gần như nguyên vẹn.

Một thú vị nhỏ nữa là ở chiếc sân vuông nằm giữa nhà hậu đình với ngôi chánh điện. Các vị trong ban quý tế đã tự mày mò gắn lại những phần đá, vữa xi măng bể ra để phục hồi gần như cũ. Hồ nước trong veo thả cá với lục bình.

Đúng vào lễ cúng Kỳ yên, rất nhiều bông tím rung rinh soi bóng nước. Nói đến hoa, cũng nên nhắc lại sự kiện di tích khám đường trên đường Trần Quốc Toản cũng thuộc phường 2 vừa hoàn thành công cuộc trùng tu từ đầu năm 2014.

Di tích này còn chưa kịp cũ đi để phù hợp hơn với một di tích gắn liền những đau thương mất mát suốt cả trăm năm, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng của người Tây Ninh qua hai cuộc kháng chiến. Tháng Tư này, hàng cây bằng lăng trước di tích khám đường như nở hoa dày hơn và tươi thắm hơn xưa.

Có thể khẳng định công tác bảo tồn di tích ở phường 2 là tốt. Thế còn vế sau của cụm từ “bảo tồn và phát huy”? Cũng có thể yên tâm về việc phát huy giá trị các di tích cổ thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian như đình Hiệp Ninh, miếu Quan Đế và Thiên Hậu miếu.

Lễ hội vẫn diễn ra theo truyền thống cả trăm năm, dù có nơi như đình Hiệp Ninh đã thay đổi ít nhiều nhưng cái chính ở đây là giữ được một mạch nguồn truyền thống, thờ phụng nhớ ơn những lớp người đi trước từng có công “khai khẩn, khai cơ”.

Thế nhưng, sau những niềm vui vừa lại tới những băn khoăn không thể bỏ qua sau khi thấy và biết…

Thật khó tin rằng ở cả ba di tích được xếp hạng trên địa bàn phường 2 đều đã viết sai ở bảng “Tóm tắt giới thiệu di tích lịch sử văn hoá…”.

Như Báo Tây Ninh từng có đăng bài “Sai thì nên sửa” vạch rõ những câu chữ sai trong tấm bảng ở Thiên Hậu miếu (trong đó viết ngôi miếu là do người Hoa gốc tỉnh Quảng Nam và… Bắc Kinh tạo lập, trong khi dưới triều Thanh (thời gian lập miếu) làm gì có tỉnh Quảng Nam và nếu nói Bắc Kinh thì cũng đồng nghĩa là nói tới… Trung Quốc).

Nơi cấp tấm bảng đó đã tiếp thu bằng cách đến miếu xin đem về để sửa sai (nhưng đến nay chưa gửi lại). Ở ngôi miếu Quan Thánh Đế Quân hiện vẫn treo tấm bảng trong đó có mô tả sai về kiến trúc ngôi đền như sau: “Cột gỗ tròn, mái lợp ngói âm dương và ngói mũi hài sơn màu vàng đỏ…”.

Trên thực tế, bày ra rõ ràng trước mắt mọi người là kết cấu miếu toàn những cột gỗ vuông! Ngói lợp cũng không phải là ngói âm dương (loại lợp trên đình Hiệp Ninh) mà là ngói ống, trông giống như những ống tre bổ đôi úp xuống, chạy dọc dài từ trên xuống dưới.

Đặc biệt, hoàn toàn không có ngói mũi hài (loại chỉ thấy ở những kiến trúc cổ miền Trung hay miền Bắc- do đầu viên ngói cong lên như mũi giày vua chúa thời xưa).

Giờ nói về tấm bảng mới treo trong ngôi chính điện đình Hiệp Ninh. Thoạt tiên ai nấy đến cúng nhìn qua đều mừng, vì đã có tấm bảng mới trong đó đề rằng “Đình thờ những người có công khai phá vùng đất Tây Ninh xưa” (chứ không phải viết như tấm bảng trước đó là “thờ thần hoàng bổn cảnh Trần Văn Thiện”- do có nhầm lẫn từ sách “Tây Ninh Xưa”). Một vài đoạn đúng và hay như: “Lưu giữ được đồ thờ tự quý giá, có giá trị về nghệ thuật và tư tưởng cao như hàng chục hoành phi đại tự…”. Tuy vậy, một vài cụm từ tiếp theo lại khiến người ta phải phân vân.

Ví dụ “Khảm thờ thành hoàng bổn cảnh, Trang thờ Đương kim Thiên tử, thiên vị… các vị cận vệ thần…”.

Sau khi tra xét lại các tài liệu gốc như bản dịch Hán - Việt của nhà giáo quá cố Phan Thế Phiệt, có thể khẳng định người soạn nội dung bảng hoặc người thực hiện đã nhầm.

Ở đây không có “Trang thờ đương kim thiên tử, thiên vị” nào cả mà chỉ có một chiếc tủ thờ “đương kim thiên tử thượng vị” làm năm 1902 (Nhâm Dần niên). Cũng không có chiếc “khảm thờ”, mà đúng ra phải là bàn thờ hoặc trang thờ.

Còn “cận vệ thần” lại càng không có. Chưa hết! Oan uổng cho các chức sắc và nhân dân thôn Hiệp Ninh xưa là ở câu này: “Tiền thân ngôi đình được nhân dân Thái Bình thôn xây cất trong thời kỳ thuộc huyện Tân Ninh…”. Trời đất! Cả hai thôn Hiệp Ninh và Thái Bình đều có từ thuở khai sinh huyện mới Tân Ninh thuộc phủ Tây Ninh (1836). Vậy thì hà cớ gì mà dân Hiệp Ninh lại để cho người Thái Bình thôn sang xây đình của làng mình?

TRẦN VŨ

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh