Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
Băng qua nỗi đau
10/03/2018 - 08:33

(BTN) - Bà chỉ là người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ nông thôn khác, nhưng bà có một ý chí mạnh mẽ để vượt qua bao biến cố đau thương. Bà tên là Nguyễn Thị Hành, năm nay 71 tuổi, ngụ tại ấp Thuận Ðông, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu.

Bà Hành (bên trái) kể về cuộc đời mình.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cô bé Hành lớn lên trong thời điểm chiến tranh, loạn lạc và đã sớm giác ngộ cách mạng. Thấy em trai tuổi còn nhỏ đã đi kháng chiến, năm 18 tuổi, chị Hành tham gia cách mạng. Chị vào đoàn dân công hoả tuyến, làm nhiệm vụ tải đạn, chuyển thương cho các đơn vị bộ đội.

Trong lúc làm nhiệm vụ, chị từng trải qua nhiều trận mưa bom của giặc nên sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Một thời gian sau, vì lý do riêng, đoàn dân công hoả tuyến giải tán, chị quay về cuộc sống bình thường, lo làm lụng phụ giúp gia đình.

Năm 22 tuổi, chị Hành lập gia đình với một anh bộ đội. Chỉ mới vài tháng sau ngày cưới, chồng chị đã hy sinh ở chiến trường Campuchia. Ðến năm 30 tuổi, chị tìm cho mình một bến đỗ mới- cũng là một anh bộ đội. Sau nhiều năm chung sống, hai vợ chồng vẫn không có được mặt con nào.

Chị đã hai lần sinh nở, nhưng cả hai đứa con đều chết vì bị ảnh hưởng chất độc da cam. Là phụ nữ có chồng mà không có cơ hội được làm mẹ, liệu có gì đau khổ hơn? Nhờ có sự an ủi, động viên của chồng, chị mới vượt qua được nỗi đau ấy.

Rồi vợ chồng chị quyết định không sinh con nữa, chỉ vì sợ những đứa con sau này cũng sẽ cùng chung số phận với hai đứa trước. Sau đó, anh chị nhận một đứa trẻ sơ sinh về nuôi. Có đứa con hủ hỉ, hai vợ chồng đều vui mừng và chăm sóc bé như con đẻ.

Muốn con có cuộc sống tốt hơn sau này, vợ chồng chị cật lực làm lụng để thoát cảnh nghèo khó. Chị Hành là một phụ nữ giỏi giang, chăm chỉ, vừa cần mẫn lao động sản xuất trên ruộng đồng, chị vừa chăn nuôi để tạo nguồn thu nhập, hết nuôi heo lại nuôi bò. Nhờ vậy, được cuộc sống gia đình cũng ngày càng ổn định hơn.

Ðứa trẻ sơ sinh ngày nào đã lớn lên từng ngày trong vòng tay chăm sóc của cha mẹ nuôi. Bà Hành nay cũng đã tuổi 70 và đã “lên chức” bà ngoại. Bà sống hạnh phúc cùng con, cháu trong căn nhà khang trang, rộng rãi, ngày ngày vẫn chăm chỉ làm lụng để đỡ đần công việc cho con cái.

Hội Phụ nữ địa phương có tổ chức hoạt động gì, bà Hành cũng đều nhiệt tình tham gia. Theo bà, hoạt động Hội giúp bà năng động hơn trong cuộc sống và có thêm được nhiều kiến thức bổ ích về xây dựng gia đình hạnh phúc. Bà rất thích các bài hát của dòng nhạc cách mạng.

Những lúc nhớ về thời hoạt động cách mạng năm xưa, bà lại hát lên: “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo! Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi! Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi...”. Bà cũng thường dạy con cháu mình phải ghi nhớ, biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho dân tộc, biết giữ gìn truyền thống cách mạng của gia đình.

THẾ ANH

Tin liên quan