Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tai nạn xảy ra giữa lúc công tác tìm kiếm thi thể của các công nhân may mặc dưới đống đổ nát của toà nhà Rana Plaza bị sập cách đây 2 tuần vẫn còn đang tiếp diễn.

Ngành công nghiệp dệt may Bangladesh lại chịu thêm tổn thất mới khi có ít nhất 8 người thiệt mạng trong vụ cháy xí nghiệp may ở vùng Mirpur, thủ đô Dhaka từ đêm 8 đến rạng ngày 9.5. Tai nạn xảy ra giữa lúc công tác tìm kiếm thi thể của các công nhân may mặc dưới đống đổ nát của toà nhà Rana Plaza bị sập cách đây 2 tuần vẫn còn đang tiếp diễn.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Mohammad Atiqul Islam– Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và xuất khẩu dệt may Bangladesh cho biết, xí nghiệp may bị hoả hoạn thuộc về Tập đoàn Tung Hai, một nhà xuất khẩu quần áo may sẵn lớn ở Bangladesh. “Chưa rõ nguyên nhân tai nạn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu”– ông Mohammad Atiqul Islam nói. Điều may mắn là đêm đó, xí nghiệp không tổ chức tăng ca, nên hầu hết công nhân đều không có mặt tại nhà máy khi tai nạn xảy ra.
![]() |
Toà nhà xí nghiệp may– nơi xảy ra hoả hoạn. Ảnh: AP |
8 nạn nhân thiệt mạng là giám đốc điều hành xí nghiệp, một quan chức cảnh sát cao cấp cùng một số người bạn của giám đốc và nhân viên xí nghiệp. Hầu hết đều bị tử vong do ngạt khói khi họ bị kẹt lại ở một góc cầu thang tầng 1– nơi xảy ra vụ cháy.
Vụ hoả hoạn một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thiếu an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy… của ngành công nghiệp dệt may Bangladesh, vốn chiếm 80% lượng hàng dệt may xuất khẩu của khu vực Nam Á.
Cũng trong ngày 8.5, Bangladesh đóng cửa 18 xí nghiệp may vì không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, ngay sau khi phái đoàn Liên minh châu Âu đến nước này kêu gọi chính quyền Dhaka khẩn cấp cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân.
Trong khi đó, các lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm thi thể của các nạn nhân trong vụ sập toà nhà Rana Plaza, cách thủ đô Dhaka khoảng 32km về phía Tây Bắc. Hai tuần sau thảm hoạ, số người chết đã lên đến 921 người. Chính phủ Bangladesh cáo buộc các chủ đầu tư và đơn vị thi công toà nhà Rana Plaza đã rút ruột công trình, xây dựng bằng vật liệu không đạt tiêu chuẩn. Công nhân ngành dệt may đã tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình đòi treo cổ chủ toà nhà, Mohammed Sohel Rana, người bị cảnh sát bắt giữ khi đang lẩn trốn ở khu vực biên giới giáp Ấn Độ. Theo một số nguồn tin, chính Rana và chủ một số công ty hoạt động trong toà nhà đã buộc công nhân phải đi làm cho dù chính quyền địa phương trước đó cảnh báo toà nhà có nguy cơ đổ sập sau khi phát hiện vết nứt.
TRINH DƯƠNG
Theo Reuters