Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bánh chưng bị mốc - Đừng tiếc của mà rước bệnh vào thân
Thứ bảy: 16:36 ngày 17/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Do thời tiết dịp Tết Nguyên đán thường có nồm ẩm nên dễ dẫn đến tình trạng bánh chưng bị mốc, nếu ăn vào sẽ rất có hại đối với sức khỏe.

Tin tức đăng tải trên VTV, bánh chưng là món ăn truyền thống trong các gia đình vào dịp Tết. Nếu gặp những ngày thời tiết nắng nóng, trời nồm, bánh chưng thường bị thiu chua, meo mốc, nếu ăn vào rất dễ bị đau bụng, tiêu chảy, có khi bị nhiễm độc, rất có hại đối với sức khỏe. 

Bánh chưng có độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng, là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển, vì thế khi bánh chưng để lâu rất dễ mốc.

Nhiều người vẫn gọt bỏ phần ngoài của bánh chưng bị mốc rồi rán. Ảnh minh họa 

Bác sĩ Lê Thị Hải, Chuyên gia Dinh dưỡng, Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: "Nhiều bà nội trợ vì tiếc của nên cố tình sử dụng bánh chưng đã mốc. Dù đã cắt bỏ phần bị bánh bị hỏng hoặc chế biến bằng cách rán lên nhưng nấm mốc vẫn có thể xâm nhập sâu bên trong, có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa". 

Bác sĩ Hải cũng cho biết thêm, một số loại vi khuẩn, nấm mốc sau khi chết vẫn tiết ra độc tố gây ra ngộ độc cho người sử dụng, nguy hiểm hơn là ung thư. Ngoài bánh chưng, tất cả những loại thực phẩm khác như lạc, đỗ, gạo bị mốc nếu ăn vào đều nguy hiểm. 

Để bảo quản bánh chưng được lâu và hạn chế nấm mốc, chúng ta nên gói bánh chắc tay, không quá lỏng, bánh cần luộc kỹ, chín đều, gạo nếp thật dền, sau khi luộc chín, dỡ bánh chưng ra một chậu nước đã đun sôi, để nguội, rửa bánh cho hết nhớt. Bánh xếp lên sàn gỗ, có lót một lớp vải mỏng, kê tấm bìa lên và đặt vật nặng để thoát nước. Chúng ta nên bảo quản bánh chưng trong ngăn mát tủ lạnh, mỗi lần ăn làm nóng bánh chưng bằng lò vi sóng hoặc hấp lại. 

Để bảo quản được bánh chưng lâu dài, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực Phẩm, Bộ Y tế, khuyến cáo, lá dùng để gói bánh cần phải được rửa kỹ và để ráo nước. Bình thường mọi người không quen gói bằng lá dong đã được luộc, tuy nhiên, đó là cách giúp bánh có thể để được lâu hơn.

Sau khi bánh chưng đã được nấu chín, bạn nên rửa bánh lại bằng nước sạch. Như vậy, những nước nhớt khi luộc bánh sẽ không bị bám trên bề mặt vỏ, giữ cho bánh tránh được bị ôi thiu nhanh, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Ép bằng vật nặng để bánh nén chặt lại hơn. Bạn có thể dùng mâm hoặc vải nylon phủ lên trên, sau đó đặt vật nặng đè lên trên.

Treo bánh nơi mát và thoáng gió sẽ giúp khô se phần mặt, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giữ được lâu. Cần để nguyên lá gói vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt, lấy giấy nylon bao kín lại. Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng) bạn nên luộc, chiên hoặc hấp lại và tiếp tục dùng.

Nguồn vietq

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục