Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mảnh đất Thanh Hóa được bồi đắp bởi phù sa sông Mã, nền nông nghiệp đã có những thành tựu rực rỡ từ thời Văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2000 năm nên cư dân đã sáng tạo ra nhiều món ngon từ lúa gạo. Bánh cuốn chính là món ăn gói gọn tinh túy đất trời và sự khéo léo của bàn tay con người vùng châu thổ sông Mã.
Nguyên liệu chính của bánh cuốn là gạo tẻ. Gạo được tuyển chọn từ vùng trồng lúa nổi tiếng của xứ Thanh như Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa và Hoằng Hóa, cho hạt thóc mọng tròn, đều tăm tắp, thơm ngon lạ.
Gạo đem ngâm từ 5-8 tiếng cho ngậm đủ nước rồi cho vào cối đá, qua từng vòng quay nhẫn nại, ứa thành những dòng bột nước trắng mịn. Bột nước này được ủ qua đêm, đạt đến độ chua thích hợp rồi đem tráng.
Từng muôi bột trắng ngần được tráng nhanh trên lớp vải mỏng đặt trên nồi nước sôi, bánh được chín bằng hơi nước từ nồi hấp bốc lên. Cái khéo léo của người làm bánh là trăm chiếc như một, lá bánh trong suốt, nhìn mỏng tang mà dai dẻo không ngờ.
Lớp bột dàn mỏng, mướt bóng được nhanh chóng cuốn và vớt lên bằng ống tre, rải lên mâm làm vỏ bánh, quệt nhân rồi cuốn lại.
Nhân bánh gồm có tôm nõn, thịt ba chỉ băm nhỏ cộng với hành phi phủ phía ngoài bánh. Đặc biệt, nhân bánh cuốn xứ Thanh được làm từ tôm sông Mã, cho vị ngọt lừ, đậm đà. Bánh bày ra đĩa, nhẹ nhàng rắc phía trên những vẩy hành phi vàng ruộm, loáng thoáng ánh xanh mướt của cọng mùi ta.
Đủ mọi sắc màu và hương vị hòa quyện trong một món ăn, như mảnh đất xứ Thanh hội tụ nhiều tài nguyên và văn hóa.
Bánh cuốn Thanh Hóa thường ăn nóng nên nước chấm có thể được làm nguội. Nước mắm cốt nổi tiếng được ủ chượp từ cá vùng biển xứ Thanh pha lên, dậy mùi chanh, tiêu, ớt, sóng sánh sắc nâu sáng và vị đậm đà. Người thưởng thức có thể dùng kèm dăm miếng thịt băm nướng vàng thơm, hay miếng giò lụa gói nhỏ, đậm hương lá chuối.
Thế là bánh cuốn xứ Thanh ghi danh với phong vị riêng trong danh sách những thức cuốn nổi tiếng của trăm miền.
Theo BAVN