Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày đó, bất kỳ ai bước chân về quê tôi đều nghe tiếng xình xịch của chiếc máy nổ, loại máy dùng làm bánh ống. Một thứ bánh mà trẻ con miền quê chúng tôi rất yêu thích.
Thời đó, quê tôi không có nhiều loại bánh trái như bây giờ. Bọn trẻ chỉ được ăn các loại khoai trồng ngoài ruộng và những loại trái cây dân dã xung quanh nhà. Nhiều lắm là cả tháng mới được vài viên kẹo dừa mà mẹ chắt chiu mua được sau những buổi chợ bán mớ rau ngoài vườn hoặc mớ cá mà ba câu được.
Bỗng một ngày, tôi đi học về đến đầu xóm, nghe tiếng xình xịch của chiếc máy nổ. Tôi ngơ ngác, không biết điều gì đang xảy ra. Tò mò, tôi tiến lại gần xem thử. Trên chiếc xe chở chiếc máy ấy là một người đàn ông trung niên cầm cái que, khuấy khuấy vào cái miệng phễu gắn trên chiếc máy.
Tôi cố nhìn thật kỹ, thì ra trong đó là gạo. Bên cạnh là một người phụ nữ, tay phải cầm chiếc kéo, cắt lia lịa cái ống màu trắng nhỏ bằng ngón tay chạy ra từ chiếc máy kia. Kế bên là đám trẻ con trong làng tôi, đứa cầm bịch nylon mở sẵn miệng, đứa đưa tay đón lấy những cái ống trắng kia từ người phụ nữ và cho vào bịch thoăn thoắt, miệng cười khoái chí.
Tôi rón rén, lại gần chú và hỏi chú đang làm gì. Chú bảo đang làm bánh ống. Chú vừa nói, vừa lấy một ống đưa cho tôi, nháy mắt: ăn thử đi! Ngon lắm đấy! Mới đi học về nên tôi đói lắm, như kẻ buồn ngủ mà gặp chiếu manh. Tôi nhai ngấu nghiến, bánh thơm lừng, giòn rụm, ngòn ngọt, ngon ơi là ngon! Tôi định xin thêm một ống nữa. Như hiểu ý, chú đưa cho tôi luôn cả nắm.
Tôi mừng rơn, cảm ơn chú rối rít. Sau một hồi tìm hiểu vật liệu để làm bánh, tôi định chạy về nhà xin mẹ gạo, đậu xanh và đường để quay lại làm. Nhưng cũng vừa lúc tiếng máy nhỏ dần và tắt. Tôi giương mắt nhìn chăm chăm chiếc máy.
Chú cười, chú nói không còn ai làm nữa nên phải nghỉ thôi. Tôi vừa đi về vừa tiếc ngẩn tiếc ngơ. Bọn trẻ xóm tôi thi nhau ôm từng bịch bánh ống về. Vừa đi, vừa ăn, vừa hát vang cả xóm. Còn tôi tiu nghỉu đi bên cạnh. Buồn không thể tưởng.
Hai hôm sau, đó là ngày cuối tuần, tôi được nghỉ nên tôi còn ngủ nướng. Bỗng, nghe xôn xao tiếng bước chân và tiếng cười của bọn trẻ con trong xóm. Nhổm dậy, cũng vừa nghe tiếng xình xịch vang lên.
Ồ, làm bánh ống! Tôi tỉnh ngủ hẳn. Chạy xuống nhà dưới, vừa chạy vừa gọi bà vang nhà. Bà tôi đang nhổ cỏ ngoài vườn. Bà thấy tôi hớt hải thì giật cả mình. Sau khi nghe tôi nói, bà xoa đầu, mắng yêu: cha mày! Từ từ thôi, vấp ngã bây giờ! Hai tai tôi giờ không còn nghe thấy bà nói gì nữa.
Hai chân cứ ríu lại, chạy vào nhà xúc thật nhanh mớ gạo, hấp tấp bỏ vô thêm vài muỗng đường. Không có đậu xanh cũng không sao. Chạy như tên bắn về chiếc máy nổ, sợ không kịp như lần trước.
May thay, tôi là người cuối cùng được chú làm bánh cho. Chú còn hào phóng tặng tôi vài muỗng đậu xanh để bánh được thơm ngon hơn. Ngồi xếp bánh vô bịch mà lòng rộn lên niềm vui khôn tả. Từ ngày đó, tuần nào cũng vậy, mỗi tuần hai lượt, cô chú lại đến làm bánh cho bọn trẻ chúng tôi.
Chúng tôi thích lắm. Mong chờ từng ngày. Có hôm, chú bệnh, không đến được là bọn trẻ xóm tôi ra ngẩn vào ngơ, đứng ngồi không yên. Mong ngóng cả ngày. Bù lại, chú sẽ làm bánh nhiều gấp đôi vào lần kế tiếp, để bọn tôi được ăn thoả thích. Chú rất tốt bụng và yêu thương chúng tôi. Chúng tôi cũng quý chú, hay biếu chú những củ khoai, những bông lúa mà chúng tôi mót được trên những cánh đồng xa sau giờ học.
Ðược một thời gian, theo quy luật phát triển của cuộc sống, xóm tôi bắt đầu mọc lên những hàng quán và các loại bánh trái cũng trở nên phong phú hơn. Những loại bánh quy, bánh quế đóng hộp... ngày càng nhiều.
Thạch dừa, rau câu đủ loại. Ai ai cũng thích, chỉ bọn trẻ chúng tôi vẫn còn thích bánh ống. Nhưng cái nghề làm bánh ống dạo của chú không còn thịnh nữa. Trước khi về quê nghỉ, chú làm cho bọn trẻ chúng tôi lần cuối, chú nói làm thật nhiều để chúng tôi ăn dần.
Chúng tôi cũng gom hết những thứ cây nhà lá vườn nhà chúng tôi mót được để biếu cho chú dùng dần trên đường về quê. Bọn trẻ quấn quýt chú không rời, còn dặn chú mai mốt quay lại làm bánh nữa. Chú cười đượm buồn như có ý rằng không biết bao giờ chú mới quay lại. Chú vội vàng quay xe. Trước mắt tôi, bóng chú đi xa dần rồi mất hút. Bọn trẻ đứng ngẩn ngơ, buồn thiu.
Mới đó đã hơn ba mươi năm, bỗng bắt gặp những bọc bánh ống bày bán ngoài chợ, thật bất ngờ và vui sướng, ký ức tuổi thơ chợt ùa về. Bên tai như nghe văng vẳng tiếng xình xịch của chiếc máy nổ, tiếng bước chân, tiếng cười nói của bọn trẻ trong xóm, cả nụ cười của chú cũng thật tươi... Thì ra, cho dù cuộc sống có phát triển và thay đổi như thế nào thì cũng không thể thiếu được hương vị dân dã của miền quê.
TÍN CHI