Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn 20 năm, cầm lại trên tay dĩa bánh tằm bì se tay, nỗi nhớ cứ quắt quay trong lòng. Như một dòng sông ngầm, bao kỷ niệm cứ tràn về, để rồi nhớ để rồi thương một thời tuổi nhỏ.
Bánh tằm se tay với những đặc trưng không hề lẫn vào đâu. Từng cọng bánh trắng tinh, dài ngắn, lớn nhỏ không đều, quấn quýt nhau trong dĩa như những phận đời. Và có lẽ, điều đó đã thổi vào hồn của người thưởng thức nên cọng bánh có vị ngon lạ mà không một thứ bánh đều tăm tắp làm bằng khuôn nào có được.
Dĩa bánh tằm bì mang nét riêng của ẩm thực miền Nam. Trên cái nền trắng của bánh là những nõn nà của giá, xanh mát của dưa leo và xanh đậm đà rau sống. Một lớp bì vàng nâu, miếng chả giòn tan, nhúm đậu phộng rang, mớ hành tỏi phi thơm lừng, thêm mấy sợi cà rốt chua ngọt làm nét điểm duyên cho dĩa bánh.
Và một điều đặc biệt của món bánh tằm bì se tay là người chế biến có thể biến tấu cho cả người ăn mặn lẫn ăn chay đều rất ngon. Nếu ăn mặn thì có bì thịt heo, nước mắm chua ngọt đậm vị miền Nam. Nếu ăn chay thì thay bằng bì, chả giò và nem chay ăn với nước tương tỏi ớt. Nhưng dù ăn theo cách nào vẫn không thể thiếu nước cốt dừa được nấu sền sệt, béo béo, thơm thơm.
Khi ăn bánh chan muỗng nước cốt dừa và thêm muỗng nước mắm chua ngọt, trộn đều lên trong chiếc dĩa sâu lòng. Nước dùng tụ trong lòng dĩa, mùi vị lan ra ngào ngạt gọi mời. Lúc này làm sao có thể cưỡng nổi, gắp một đũa cho vào miệng, vừa ăn vừa húp chút nước, vừa hít hà, mới ngon làm sao.
Dĩa bánh tằm không chỉ ngon vì đậm đà hương vị, phong phú màu sắc mà nó còn ngon vì công người làm bánh. Để có những cọng bánh trắng trắng, tròn tròn, ngon miệng cũng lắm công phu. Đầu tiên, chọn gạo tẻ ngon, ngâm một ngày một đêm sau đó đem đi xay bột.
Khi xay nhớ bỏ thêm một chút muối tuỳ theo lượng bột ít nhiều tạo vị mặn mà và độ dai cho bánh sau này. Xay xong rồi phải dằn bột cho ráo nước. Trước khi làm bánh, lấy bột ra khuấy đều bằng nước lạnh và ủ ba mươi phút. Sau đó đặt lên bếp với lửa riu riu, dùng đũa bếp khuấy đều cho bột chín và không bị ốc trâu.
Công đoạn này là vất vả nhất nhưng cũng là công đoạn quyết định chất lượng bánh. Khuấy đến khi thành hồ, thấy nặng tay thì nhắc xuống để nguội. Khi bột nguội, phải nhào bột cho săn rồi véo từng viên bột bằng trái tắc se đều trên mặt thớt thành những cọng bánh dài ngắn khác nhau. Khi se phủ thêm lớp bột khô để bánh không dính nhau.
Tôi nhớ mẹ những ngày tôi còn nhỏ. Ngày hè, để thưởng cho những đứa con miệt mài với đèn sách suốt năm trời, mẹ hay làm bánh tằm bì se tay. Mẹ với dì Tư, dì Năm hì hụi, vất vả mấy ngày liền chỉ để đổi lấy nụ cười hạnh phúc của những đứa trẻ bọn tôi trong một ngày.
Nhìn dáng mẹ âm thầm ngồi se bánh, hết viên bột này đến viên bột khác như người thợ lành nghề, rồi ánh mắt rạng ngời khi mẻ bánh hấp đầu tiên thành công, và nụ cười hạnh phúc khi bọn tôi hí hửng thưởng thức món ngon. Thế mới biết tình yêu của mẹ là không gì đong đếm cho xuể. Món bánh tằm se tay của nhà tôi ngày ấy làm gì có bì có chả nhưng vẫn cứ ngon, vẫn cứ đậm đà. Bởi tất cả được nêm từ gia vị yêu thương.
Dọc chiều dài ký ức của chúng tôi là những kỷ niệm yêu thương ngọt ngào. Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm, làm gì có quà bánh phong phú như bây giờ. Những món ăn bao giờ cũng được làm từ đôi bàn tay chai sần của mẹ.
So với những món bánh kẹo độc lạ, “xịn sò” ngày nay, những món quà vặt ngày ấy tuy đơn sơ, mộc mạc, dân dã nhưng niềm hạnh phúc mà chúng mang lại hình như không có món quà nào bây giờ có thể thay thế được. Và đó cũng là những món ngon nhất. Bởi một điều đơn giản; từ những kỷ niệm yêu thương. Vì thế có thể không ngoa để nói rằng: những món ăn thuở nhỏ là những món ngon nhất của đời người.
Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống với bao nhiêu bận rộn, máy móc cũng dần thay thế sức lao động con người. Những món quà quê từ đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ cũng ít đi. Và bánh tằm bì se tay cũng như thế. Nhiều khi tôi nhớ quay quắt, nhớ hương vị tuổi thơ, nhớ bóng dáng mẹ hiền ngồi se bánh trong những buổi trưa hè năm ấy.
ĐỖ THU TRANG