Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hàng chục năm qua, cứ vào khoảng Rằm tháng Chạp, dì Út Trình (Phạm Thị Trình) ở phường III, TP. Tây Ninh lại í ới gọi bà con hàng xóm sang phụ gói cả ngàn đòn bánh tét, hầu hết là do các đơn vị quân đội đặt hàng.
Bánh tét dì Út Trình được đưa xuống thành phố Hồ Chí Minh vào Bộ tư lệnh Quân khu 7, rồi ra tận Hà Nội.
Không ngớt tay soạn mớ lá chuối, dì Út kể: "Hồi đó, mới mười mấy tuổi, mấy anh du kích Củ Chi biết nhà dì gói bánh tét ngon nên cứ gần Tết là nhắn ra đặt bánh. Chiến tranh ác liệt, nhưng mấy ảnh đặt bánh, cỡ nào dì cũng mang tới nơi. Sau này hoà bình, khi ông Trần Đơn về Tây Ninh làm Tỉnh đội trưởng, ăn thử thấy ngon, mới đặt nhiều. Chắc tiếng lành đồn xa nên mấy ông bộ đội đặt làm bánh dữ lắm. Tết này, ông Trần Đơn (Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đặt cả ngàn đòn, bên Tỉnh đội cũng đặt nữa".
Bánh tét là một loại bánh thường được sử dụng vào dịp Tết nguyên đán ở khu vực Nam bộ. Khác với bánh chưng ở miền Bắc gói bằng lá dong, bánh tét gói bằng lá chuối. Bánh tét có hình trụ dài nên còn được gọi là đòn bánh.
Bánh tét ngày Tết thường để lâu được vài ngày, dùng để ăn với dưa món và thịt kho, thường là bánh tét nhân mặn với thịt, mỡ và đậu xanh.
Theo Lê Tân trong bài Bánh tét Trà Vinh, dân gian lưu truyền, ngày xưa cứ tết đến người ta gói loại bánh này và gọi bằng tên “bánh tết”, lâu dần đọc trại ra thành “bánh tét”. Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng, tên gọi “bánh tét” rất có thể còn xuất xứ từ cách thức cắt bánh của người dân Nam bộ xưa, tay phải cầm đầu dây khoanh tròn đòn bánh đã lột (vỏ), “tét” từng khoanh một để lên đĩa.
Đặng Hoàng Thái