BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bánh tráng xuất khẩu Trảng Bàng: Cần hình thành mô hình liên kết

Cập nhật ngày: 25/05/2013 - 04:18
HTML clipboard

Cơ sở sản xuất bánh tráng xuất khẩu Nguyễn Thị Chung ở Đôn Thuận

(BTN) - Không biết từ bao giờ, địa danh Trảng Bàng gắn liền với sản phẩm bánh tráng phơi sương, bánh tráng cuốn và nhiều loại bánh tráng khác được làm từ bột mì hay bột gạo.

Gần như ở xã nào của huyện Trảng Bàng cũng có lò làm bánh tráng, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các xã Đôn Thuận, Gia Lộc, Lộc Hưng, Hưng Thuận với trên 150 hộ chuyên làm nghề bánh tráng mà từ lâu đã được gọi là Làng nghề làm bánh tráng của huyện Trảng Bàng.

Trước kia, với cách tráng bánh bằng lò thủ công chỉ với vài dụng cụ đơn giản như vỉ phơi bánh, trả tráng bánh và giá tráng bánh… những hộ làm bánh tráng phải thức khuya dậy sớm cho một mẻ bánh mới để kịp phơi nắng và có bánh giao cho khách hàng. Còn hơn mười năm nay, ở Trảng Bàng đã xuất hiện nhiều hộ làm bánh tráng bằng cơ giới. Khác với chiếc bánh tròn truyền thống, những chiếc bánh tráng này có hình vuông, hình ôvan dùng để xuất khẩu sang các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Người có công lắp ráp dây chuyền sản xuất bánh tráng bằng máy đầu tiên ở vùng đất này chính là ông Nguyễn Văn Sý– chủ một cơ sở bánh tráng ở ấp Thuận lợi, xã Đôn Thuận. Từ năm 2002, sau một thời gian tự mày mò và nghiên cứu cách vận hành máy của một ít hộ ở huyện Củ Chi, ông Sý đã mạnh dạn bỏ ra gần 100 triệu đồng để đầu tư chiếc máy này. Tuy nhỏ gọn và không có kết cấu phức tạp, chỉ gồm các bộ phận nồi hơi, bộ phận xay- pha bột và băng tải vải… nhưng với công suất 260kg bánh tráng/ngày, chiếc máy của ông Sý đã đạt sản lượng bằng hai đến ba lò bánh tráng làm theo lối thủ công.

Công đoạn tạo hình bánh tráng xuất khẩu

Khi đến thăm lò bánh tráng xuất khẩu của gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở xã Đôn Thuận, chúng tôi được biết, để có được kiểu dáng độc đáo, sản phẩm bánh tráng vuông phải qua các công đoạn phơi và cắt xén, vào bao bì với sự phụ giúp của 20 công lao động. Qua nhận xét của một số ban, ngành ở huyện thì bánh tráng làm từ máy không chỉ đẹp, hợp vệ sinh mà còn có ưu điểm là tiết kiệm đến 10% nguyên liệu sản xuất- 1kg thành phẩm chỉ tiêu hao 1,3kg nguyên liệu bột mì và gạo. Ngoài ra, khi phơi bánh rất mau khô và dễ vận chuyển vào bao bì xuất khẩu. Từ khi đưa dây chuyền này vào sản xuất, cơ sở của chị đã hoạt động hết công suất- bình quân 1 tấn/ngày nhưng cũng không đủ bánh để giao cho các đầu mối xuất khẩu ở thành phố Hồ chí Minh và tỉnh Long An.

Cũng theo ghi nhận từ một số lò bánh của các chủ cơ sở như Út Hiến, Năm Góp… trên địa bàn xã Đôn Thuận, được biết sở dĩ có nhiều hộ dân chuyển từ chuyên canh nông nghiệp sang làm bánh tráng xuất khẩu là vì dễ có thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất giản đơn vì chủ yếu là gạo và bột mì, đồng thời thiết kế và điều hành các máy sản xuất bánh tráng cũng không phức tạp, không đòi hỏi kỹ thuật cao.

Riêng về vốn vay Tam nông, đến thời điểm này có 88 hộ làm bánh tráng được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng cho vay với dư nợ là trên 2 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu để bà con trang trải chi phí mua máy móc và thiết bị, vật tư và nguyên liệu làm bánh. Thực tế thì nhu cầu vay vốn vẫn còn, như cơ sở chị Nguyễn Thị Chung ở xã Đôn Thuận mong ước được vay thêm 300 triệu đồng nữa để đầu tư cho sân phơi bánh, mua thêm liếp nhựa để phơi bánh, và duy tu bảo dưỡng thiết bị đã sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên, ông Phạm Phú Yên- Giám đốc Chi nhánh thừa nhận, hầu hết đều phải vay thế chấp, chứ còn nguồn vay tín chấp thì rất ít và số tiền được vay cũng không cao.

Tuy đã có điều kiện phát triển, nhưng nghề bánh tráng xuất khẩu ở Trảng Bàng vẫn còn những cái khó nhất định. Đó là việc nguyên liệu sản xuất gần đây tăng giá từ 280.000 đồng/bao bột mì lên 320.000 đồng/bao, nhưng giá thành sản phẩm vẫn ở mức là 25.000 đồng/kg bánh tráng thành phẩm. Một thực trạng nữa là việc ra đời nhiều lò làm bánh tráng bằng máy, cũng dẫn đến việc cạnh tranh giá cả không lành mạnh. Một chủ cơ sở sản xuất bánh tráng tại xã Lộc Hưng đã tâm sự: “Phải chi có HTX hay tổ liên kết sản xuất những người làm bánh tráng ở Trảng Bàng để cùng nhau liên kết sản xuất, tìm thị trường, hoặc vay vốn ưu đãi cho việc đầu tư thêm thiết bị, máy móc… thì thuận lợi biết mấy”.

Để ước mơ của những hộ dân biết mạnh dạn làm ăn, dám nghĩ dám làm ấy trở thành hiện thực, thiết nghĩ những kênh vốn cho vay ở Tây Ninh hiện nay tiếp tục có hướng tháo gỡ về thủ tục cho vay, điều kiện thế chấp để tạo cơ hội cho các hộ sản xuất bánh tráng xuất khẩu ở Trảng Bàng tiếp cận. Hay nói như ông Huỳnh Tấn Sanh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bàng, thì việc quy hoạch sản xuất hiện nay của địa phương nên sớm có cơ chế thích hợp, để tập hợp các phương thức sản xuất mới đi vào cơ chế tự nguyện hợp tác, nhằm quy tụ được nguồn lực, vốn và nhân công ở các làng nghề.

HUỲNH MINH ĐỨC