BAOTAYNINH.VN trên Google News

Báo cáo hành vi xâm hại trẻ em gọi tới số nào? 

Cập nhật ngày: 14/06/2017 - 11:06

Bên cạnh việc báo cho cơ quan hữu quan, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có thể gọi tới tổng đài Bảo vệ trẻ em.

Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã quy định Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.

Ngoài tiếp nhận, khai thác thông tin, thông báo, tố giác từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức... về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em, tổng đài này đồng thời liên hệ các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để xác minh thông tin, thông báo, tố giác.

Tuy nhiên, hiện Tổng đài này chưa được thiết lập. Tại Hội nghị tập huấn Luật Trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội tổ chức chiều ngày 12/6, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) cho biết trong thời gian tới tổng đài này sẽ được thành lập với 3 số đơn giản, dễ nhớ ví dụ như 111. 

Trong khi chờ Tổng đài này chính thức ra mắt, Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có thể gọi tới tổng đài 18001567.

Đây là Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thành lập từ năm 2004 và hoạt động từ đó tới nay.

Tổng đài hiện tư vấn cho trẻ em và gia đình về việc thực hiện quyền trẻ em, đồng thời thực hiện việc kết nối với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức khác để can thiệp và hỗ trợ trẻ em trong các trường hợp cần thiết. Hiện đường dây tư vấn này gồm có 22 nhân viên tư vấn, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần.

Nguồn XHTT