BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới 

Cập nhật ngày: 24/05/2023 - 13:56

BTN - Có nhiều cơ sở sản xuất chủ động nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như GMP, HACCP, BRC, IFS, GlobalGAP và ISO 22000.

Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Y tế kiểm tra quy trình sản xuất thịt bò của Công ty TNHH Pacow International.

Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo các nguồn lực, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2023 từ ngày 15.4 - 15.5.2023, với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Thực hiện công tác kiểm tra điều kiện ATTP ở các cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng hoá, cơ sở kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể... sau 1 tháng nỗ lực triển khai, công tác kiểm tra góp phần chấn chỉnh, giúp các cơ sở có thêm kiến thức về ATTP, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành các quy định về ATTP.

Chủ động bảo đảm điều kiện ATTP

Với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, tỉnh Tây Ninh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2023, do các Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Thực hiện triển khai song song công tác thanh tra, kiểm tra với tuyên truyền về ATTP, các ngành chuyên môn đã làm tốt vai trò của đơn vị chức năng trong công tác bảo đảm ATTP tại địa phương. Riêng ngành Y tế, tính từ đầu năm 2023 đã thực hiện lồng ghép 12 cuộc tuyên truyền về ATTP với 336 lượt người tham dự; sản xuất và cấp phát 152 băng-rôn, 981 lượt phát thanh, triển khai 9 lượt xe loa tuyên truyền cơ động tại 94 xã, phường, thị trấn, tập trung phát thông điệp Tháng hành động về ATTP năm 2023 tại khu vực tập trung đông dân cư (chợ, trường học, khu công nghiệp…).

Theo bà Trần Thị Ngọc Nương- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tây Ninh, qua đợt thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động về ATTP, hầu hết các cơ sở, công ty sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống chấp hành đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm: sử dụng nguồn nước được kiểm nghiệm định kỳ theo quy định; khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động.

Các doanh nghiệp đã tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động và được chủ cơ sở xác nhận; người lao động được trang bị đồ bảo hộ và thực hành an toàn thực phẩm đúng theo quy định. Đối với các sản phẩm thuộc diện tự công bố đã thực hiện việc công bố và duy trì kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ; việc ghi nhãn sản phẩm đúng theo hồ sơ đã công bố.

Đặc biệt, có nhiều cơ sở sản xuất chủ động nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như GMP, HACCP, BRC, IFS, GlobalGAP và ISO 22000.

Các tiêu chuẩn này cũng đưa ra quy định cho các hoạt động khác như kiểm soát lưu trữ, vận chuyển, kiểm tra và phương pháp bán lẻ sản phẩm hiệu quả. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu, bảo đảm các sản phẩm đưa ra thị trường an toàn, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Y tế kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Công ty TNHH Pacow International (thị xã Trảng Bàng) chuyên sản xuất, cung cấp các loại sản phẩm thịt bò trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Nhằm bảo đảm an toàn trong sản xuất thịt, công ty thiết lập quy trình chăn nuôi và giết mổ khép kín, từ nhập bò giống, chăn nuôi, thực hiện giết mổ và đóng gói thịt bò thành phẩm để cung cấp ra thị trường.

Qua kiểm tra, công ty cung cấp tất cả các hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm cho đoàn như giấy chứng nhận cơ sở thực phẩm, giấy chứng nhận ISO 22000, GlobalGAP, hồ sơ tự công bố sản phẩm, bảo đảm cung cấp thịt bò tươi, đạt chất lượng an toàn vệ sinh cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Về việc nâng cấp quy trình sản xuất bảo đảm điều kiện ATTP, ông Oàn Lộc Phến- Giám đốc Công ty TNHH Pacow International cho biết, bảo đảm ATTP là tiêu chí hàng đầu công ty hướng tới.

Để làm được điều đó, công ty đã nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất bằng những công nghệ tiên tiến và chú trọng đào tạo công nhân viên đủ trình độ chuyên môn, kiến thức về ATTP. Tiêu chí ATTP của công ty là 3 không, gồm: không bơm nước, không ngâm tẩm hoá chất, không chạm đất và là nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Việt.

Nâng cao nhận thức người dân về ATTP

Ngoài các cơ sở hoạt động có đầy đủ hồ sơ pháp lý thì tại nhiều công ty, cơ sở chế biến, kinh doanh, việc hiểu biết về pháp luật liên quan đến lĩnh vực ATTP và ý thức chấp hành các quy định của cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.

Một số tổ chức, cá nhân chạy theo lợi nhuận, kinh doanh hàng hoá không có hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc việc lưu giữ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chưa được duy trì thường xuyên, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Về những khó khăn, hạn chế của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bà Trần Thị Ngọc Nương- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tây Ninh cho biết, qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thường mắc phải các lỗi về tập huấn, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm.

Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định thi hành Luật An toàn thực phẩm, chủ cơ sở sẽ tập huấn cho nhân viên và cam kết đã tập huấn. Hầu hết các cơ sở sản xuất chưa nắm rõ luật; thậm chí, có nhiều cơ sở chưa hiểu kiến thức an toàn thực phẩm là như thế nào.

Làm rõ hơn về vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Nương cho biết, trước đó, việc tập huấn kiến thức về ATTP cho các cơ sở do cơ quan quản lý thực hiện; sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, các cơ sở phải tự thực hiện công việc này, gây khó khăn cho cơ sở.

Vì vậy, để nâng cao kiến thức về ATTP và chấp hành các quy định của Luật ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, ăn uống, đặc biệt là tại các nhà hàng lớn, khu du lịch, trung tâm thành phố Tây Ninh.

Tuy nhiên, bà Nương nhấn mạnh, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan chức năng, nhưng các cơ sở phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Ngọc Bích


Liên kết hữu ích