Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi mùa nắng nóng
Thứ bảy: 08:39 ngày 09/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực thực hiện tốt các giải pháp và khuyến cáo của ngành Nông nghiệp để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Tây Ninh đang bước vào giai đoạn giao mùa, thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ tăng cao, có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến 390C khiến gia súc giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh khiến năng suất giảm sút. Đồng thời, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát. Trước tình hình đó, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực thực hiện tốt các giải pháp và khuyến cáo của ngành Nông nghiệp để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Cải tạo chuồng trại và thực hiện các biện pháp chống nắng trong chuồng nuôi bò sữa.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Tây Ninh, những ngày nắng nóng, vật nuôi thường có biến đổi trong quá trình hấp thu, trao đổi chất, việc ăn uống có nhiều thay đổi theo chiều hướng không tốt. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, người dân lưu ý cần tăng cường thức ăn thô xanh, rau cỏ tươi, củ, quả; bổ sung các loại vitamin, khoáng chất thông qua ăn uống hoặc đá liếm (đối với bò); tăng cường chất đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần ăn cho gia súc. Cần bảo đảm cho gia súc ăn đủ thức ăn thô xanh (trâu, bò từ 15-35 kg/con/ngày) và bổ sung thức ăn tinh (1 - 2,5 kg/con/ngày). Riêng đối với bò sữa, lượng thức ăn tinh bổ sung theo năng suất sữa.

Vào những đợt nắng nóng kéo dài, bà con nên cho gia súc ăn lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Bảo đảm thường xuyên có đủ nước cho gia súc uống, tốt nhất là nên lắp hệ thống nước uống tự động để luôn cung cấp đủ nước sạch cho gia súc. Bên cạnh đó, bà con nên tắm, chải cho gia súc 2-3 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể. Chú ý, đối với bò sữa nên tắm trước hoặc sau khi vắt sữa 2-3 giờ, lau khô vú bằng khăn sạch.

Để phòng, chống các loại dịch bệnh trong mùa nắng nóng này, người nuôi cần chuẩn bị đầy đủ thuốc thú y; bảo đảm tiêm phòng đầy đủ một số vaccine cần thiết như: đối với trâu bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục; đối với heo tiêm phòng tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả heo, bệnh tai xanh, lở mồm long móng và bệnh E.Coli (đối với heo con); đối với đàn gia cầm tiêm vaccine cúm, Newcastle, Gumboro, đậu gà.

Thực hiện thường xuyên biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, khu chăn thả cụ thể như: thường xuyên quét dọn, vệ sinh trong và ngoài chuồng nuôi; vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1-2 lần/tuần phun thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như: Benkocid, Han-Iodine, Five-Iodine, RTD-Iodine… Diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ chăn nuôi cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư nên có hệ thống biogas để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường xung quanh.

Các hộ, trang trại chăn nuôi cần hỗ trợ trong việc tiêm phòng và các vấn đề liên quan đến chăn nuôi, thú y cần liên hệ ban thú y các xã hoặc trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố. Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn khuyến cáo những hộ dân tái đàn trong mùa nắng nóng nên chọn mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, mua tại các cơ sở được Nhà nước cấp phép, an toàn dịch bệnh và có kiểm dịch của cơ quan Thú y. Con giống phải khoẻ mạnh, đặc điểm ngoại hình đạt tiêu chuẩn giống, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo yêu cầu.

Một hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành cho biết, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, đàn heo dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, vì vậy, hộ chăn nuôi này rất chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng được thực hiện định kỳ để giảm sức nóng bốc lên và định kỳ tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng cao điểm, hộ chăn nuôi thường xuyên cung cấp lượng nước mát, sạch cho vật nuôi uống, bổ sung thêm muối ăn hoặc chất điện giải... Nếu nhiệt độ quá cao, cần thực hiện phun nước lên nóc chuồng nuôi để giảm nhiệt độ mái chuồng.

Người chăn nuôi heo chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại trong mùa nắng nóng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, nhằm bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, đơn vị đã triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 1.2024 đối với hộ chăn nuôi gia đình, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Theo đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sang nhỏ, dán nhãn chai thuốc sát trùng, phát thuốc sát trùng và hướng dẫn thực hiện tiêu độc sát trùng cho các hộ chăn nuôi quy mô đàn gà, vịt dưới 1.000 con; đàn cút dưới 5.000 con; đàn trâu, bò dưới 40 con; đàn heo dưới 50 con. Số lượng thuốc sát trùng sử dụng là 2.500 lít, chai nhỏ đựng thuốc để chia nhỏ lượng thuốc sát trùng là 12.500 chai.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi tập trung, người chăn nuôi cần phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh. Định kỳ vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận ít nhất 1 lần/tuần. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển thức ăn… trước khi ra, vào cơ sở.

Đối với hộ gia đình chăn nuôi, cần quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn. Quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm bao gồm cả nơi chăn thả; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn. Định kỳ vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm mỗi tuần 1 lần và thực hiện tiêu độc khử trùng theo các đợt phát động của địa phương.

Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm, phát quang cây cỏ xung quanh, quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp; thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu huỷ. Đồng thời phun tiêu độc khử trùng hằng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở...

Theo dự báo của cơ quan chức năng, thời tiết nắng nóng, oi bức sẽ còn kéo dài, vì vậy các hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp chống nắng nóng theo khuyến cáo của ngành chức năng góp phần bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, hạn chế phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại cho người dân và ngành chăn nuôi.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục