Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khi dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được triển khai, theo thiết kế hầu hết là kênh nổi, chiều rộng khá lớn và cao. Lo ngại bờ kênh nổi khá cao chia cắt ruộng gây khó khăn cho việc đi lại và sản xuất nơi dự án đi qua, người dân đề nghị ngành chức năng có giải pháp khắc phục để bảo đảm thuận tiện cho người dân trong việc đi lại, sản xuất nông nghiệp.
Theo UBND tỉnh, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đi qua địa bàn xã Hảo Đước (Châu Thành) là tuyến kênh chuyển nước nâng cấp từ tuyến kênh TN21 cũ (hiện trạng kênh cũ là kênh nổi có mặt cắt hình thang). Theo thiết kế được duyệt, đoạn kênh có kết cấu hình thang dài 6.860m (từ cống đầu kênh TN21 đến đường nhựa đi xã Hảo Đước).
Tất cả các vị trí cắt ngang đường đều được bố trí cầu qua kênh hoặc cống qua đường để trả lại hiện trạng giao thông. Riêng những vị trí có cầu nối 2 bờ kênh hiện hữu (cầu qua kênh nhưng không có tuyến đường cắt qua kênh) cũng đều được bố trí lại để nối 2 bờ kênh, phục vụ việc qua lại 2 bờ kênh được thuận lợi. Tổng cộng được bố trí 11 vị trí kết nối 2 bờ kênh, bao gồm 9 cầu qua kênh và 2 cống xi phông qua đường.
Những dốc đường lên bờ kênh dự án Tây Vàm Cỏ được chủ đầu tư triển khai thi công để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Riêng đoạn kênh TN21 cũ còn lại ra đến sông Vàm Cỏ Đông (từ đường nhựa đi xã Hảo Đước đến cuối kênh TN21), do mặt đất tự nhiên đoạn kênh này thấp nên kênh được thiết kế theo hình thức dạng kênh trên trụ. Đoạn nối tiếp ra đến sông Vàm Cỏ được thiết kế theo dạng đường ống thép với quy mô 2 đường ống thép có đường kính 2,4m, hai bên có bố trí 2 đường bờ để phục vụ đi lại và sản xuất của các hộ dân 2 bên tuyến ống.
Theo đó, 2 tuyến đường này được nối liền từ sông Vàm Cỏ Đông ra đến đường nhựa, bờ đường bên phải rộng 4m cấp phối sỏi đỏ 3m, bờ đường bên trái rộng 2m. Trong quá trình thi công, có một số hộ dân đề nghị mở rộng mỗi bờ đường lên 2m để phục vụ đi lại sản xuất được thuận lợi. Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp đã tiếp nhận ý kiến, đề xuất UBND tỉnh thống nhất điều chỉnh bề rộng mỗi bờ đường 3m. Vì vậy, bờ kênh khi hoàn thiện cao hơn bờ kênh cũ trung bình khoảng 3,5m.
Để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất và vận chuyển nông sản thì phải bổ sung dốc để từ nhà, từ cánh đồng đi lên bờ kênh. Hiện nay, chủ đầu tư đã tiến hành đắp dốc đường song song với quá trình đắp bờ kênh, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa trên đường bờ kênh.
Những đoạn đường bờ kênh Tây đi ngang qua những khu vực đông dân cư sinh sống sẽ được lắp đặt lan can, rào chắn trong quý IV/2020.
Đối với kênh Tây, thời gian qua dự án nâng cấp kênh Tây được cơ quan chức năng thực hiện và hiện nay cặp bờ kênh Tây cũng có nhiều khu vực có đông dân cư sinh sống. Tuy nhiên, hai bên bờ kênh Tây chưa có rào chắn nên người dân lo ngại nguy hiểm khi lưu thông và vận chuyển hàng hóa, nhất là khu vực có đông dân cư sinh sống. Vì vậy, có nhiều ý kiến của người dân đề nghị các ngành chức năng làm rào chắn đường bờ kênh Tây khu vực đông dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi trên bờ kênh.
Được biết, hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa đã phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế và các xã có tuyến kênh Tây đi qua tiến hành khảo sát, thống nhất vị trí những đoạn đường bờ kênh qua khu vực đông dân cư, trường học và một số đoạn đường cong, cua không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai thi công hạng mục hệ thống lan can, rào chắn bảo vệ hai bên bờ kênh Tây so với kế hoạch dự kiến.
Đến nay, Công ty đang trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công và dự kiến hoàn thành hạng mục hệ thống lan can, rào chắn bảo vệ hai bên bờ kênh Tây vào quý IV.2020.
Thế Nhân