Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo đảm an toàn hồ Dầu Tiếng trong mùa mưa bão
Chủ nhật: 23:58 ngày 27/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hồ Dầu Tiếng nằm trên địa bàn của 3 tỉnh là Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, diện tích 27.000 ha, dung tích 1,58 tỷ mét khối nước, công tác quản lý cũng có phần khó khăn do hồ rộng.

Đập chính hồ Dầu Tiếng nhìn từ trên cao.

Thực hiện Chỉ thị số 1416 ngày 10.3.2023 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trong mùa mưa lũ năm 2023 và Công văn số 3975 ngày 19.6.2023 của Bộ NN&PTNT về bảo đảm an toàn hồ chứa nước Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam (Công ty) đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, ứng phó để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Công ty đã và đang tăng cường công tác rà soát hiện trạng công trình nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn khi vận hành công trình thuỷ lợi, đồng thời triển khai kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, bào trì nhằm bảo đảm an toàn vận hành công trình trong mùa mưa lũ năm 2023. Theo đó, Công ty phối hợp đơn vị tư vấn thực hiện việc rà soát, đánh giá an toàn đập hồ chứa nước Dầu Tiếng; kiện toàn Ban kỹ thuật phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà năm 2023; thành lập lực lượng xung kích năm 2023 thường trực tại chỗ, ứng cứu giờ đầu khi công trình có sự cố.

Về công tác ứng phó, Công ty xây dựng phương án vận hành hồ Dầu Tiếng trong mùa mưa lũ năm 2023, tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án ứng phó thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du với các cấp xả lũ của hồ Dầu Tiếng. Hiện Công ty đang cho triển khai cải tạo một số phai sửa chữa tràn xả lũ thành các phai ứng phó khi cửa cung tràn gặp sự cố, đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn gói thầu sửa chữa, nâng cấp tràn xả lũ.

Về công tác duy tu và bảo trì các hạng mục công trình, thực hiện theo Quyết định số 2245 ngày 8.6.2023 của Bộ NN&PTNT về phê duyệt danh mục và kế hoạch bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thuỷ lợi năm 2023 do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam quản lý, cho đến nay, Công ty đã triển khai được khoảng 70% các hạng mục công trình. Để bảo đảm an toàn công trình mùa lũ năm 2023, Công ty tiếp tục triển khai, hoàn thiện các hạng mục còn lại. Riêng gói thầu dự án gia cố mái thượng lưu đập chính đã đạt 70% khối lượng.

Để không xảy ra tình thế bị động và thiệt hại do thiên tai, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt là tại hồ Dầu Tiếng và hồ Tha La, các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm định, đánh giá an toàn đập hồ chứa để cảnh báo sớm cho vùng hạ du nhằm bảo đảm an toàn.

Ngày 25.8.2023, ông Trần Quang Hùng- Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam cho biết, để làm tốt nhiệm vụ trên, Công ty chú trọng thực hiện phương châm 4 tại chỗ và công tác phối hợp, kịp thời ứng phó với các tình huống khi có thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, cung cấp, chuyển tải các thông tin về khí tượng thuỷ văn đến cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương rất quan trọng. Việc này nhằm có sự chủ động trong triển khai các phương án ứng phó trước khi xảy ra thiên tai. Công ty kịp thời xây dựng phương án vận hành hài hoà các mục tiêu, đặc biệt là bảo đảm an toàn vùng hạ du và cung cấp nước cho vụ mùa Đông Xuân năm 2023-2024.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong quá trình thực hiện có những khó khăn nhất định. Cụ thể, việc hoàn thành các hệ thống quan trắc khí tượng thuỷ văn là yêu cầu cấp thiết trong công tác điều hành hồ chứa. Công ty đã lắp đặt 13 trạm đo mưa tự động trên lưu vực hồ Dầu Tiếng, phối hợp Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam trong công tác cảnh báo, dự báo lũ về hồ Dầu Tiếng.

Thế nhưng, do lưu vực rộng, có một phần lưu vực thuộc nước bạn Campuchia, phần dòng chảy lũ từ phía lưu vực này chưa kiểm soát được. Để nâng cao năng lực quan trắc cảnh báo, dự báo lũ, đặc biệt là cảnh báo, dự báo lũ từ lưu vực Campuchia đổ về hồ Dầu Tiếng, trong thời gian tới, cần xây dựng trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn hướng thượng nguồn tại khu vực cầu Sài Gòn 1 và cầu Sài Gòn 2.

Ông Hùng cho biết thêm, Bộ NN&PTNT giao Công ty triển khai dự án sửa chữa, nâng cao chất lượng an toàn đập hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2. Theo đó, đối với một số hạng mục công trình, Công ty đã phối hợp đơn vị tư vấn, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để kịp thời đưa vào vận hành an toàn đập trong mùa mưa lũ năm 2023.

Hiện nay, mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở cao trình cos +22,26m, thấp hơn so với mực nước trước lũ là 0,44m và cũng thấp hơn so với mực nước cùng kỳ năm 2022 là 0,24m. Với tình hình thực tế như vậy, Công ty đã xây dựng phương án vận hành phù hợp, đặc biệt tập trung chỉ đạo công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì các hạng mục công trình, vận hành thử các thiết bị kiểu van cơ khí để khi đưa vào sử dụng bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình.

Phó tổng Giám đốc Công ty quản lý hồ đề nghị các cấp chính quyền địa phương liên quan, trên cơ sở quy chế phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với 5 tỉnh, thành phố là Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Công ty trong việc kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi. Ngoài ra, nhằm bảo đảm hành lang thoát lũ an toàn, Công ty cũng đề nghị chính quyền các địa phương có kênh, mương liên quan quan tâm nạo vét những vị trí bị bồi lắng để không gây cản trở dòng chảy mỗi khi hồ Dầu Tiếng cần thiết phải xả lũ.

Hồ Dầu Tiếng được Thủ tướng Chính phủ xác định là công trình thuỷ lợi quan trọng đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia. Hằng năm, UBND tỉnh kiểm tra, làm việc với Công ty quản lý hồ nhằm đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa, an toàn cấp nước và vùng hạ du khi hồ xả lũ. Các hoạt động kiểm tra đập, hồ chứa nước, kênh chính Đông, kênh chính Tây, các kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai tại hồ Dầu Tiếng được tỉnh Tây Ninh phối hợp với các tỉnh liên quan thực hiện trước và trong mùa mưa bão. Việc này sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân trong trường hợp nếu có thiên tai xảy ra.

Quốc Sơn - Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục