Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành NN&PTNT triển khai các giải pháp tổ chức giết mổ, cung ứng động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn bảo đảm phòng, chống Covid-19 và an toàn dịch bệnh theo quy định; vận động các cơ sở giết mổ động vật tăng năng suất giết mổ.
Bảo đảm phòng, chống dịch tại các cơ sở giết mổ (Ảnh minh hoạ).
Toàn tỉnh hiện có 53 cơ sở giết mổ, trong đó, có 36 cơ sở tập trung và 17 cơ sở nhỏ lẻ. Hằng năm, các cơ sở được ngành chuyên môn kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn thực phẩm; qua đó nhắc nhở chủ đầu tư khắc phục các hạng mục chưa phù hợp, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm an toàn thực phẩm và điều kiện vệ sinh thú y. Hiện 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, giá gà công nghiệp chỉ còn 7.000 đồng/kg, cả tỉnh còn tồn đọng khoảng 1 triệu con gà công nghiệp đã đến lứa. Hiện nay, giá gà công nghiệp tăng lên 11.000 đồng/kg, tỉnh vẫn còn khoảng 380.000 con gà đã đến lứa nhưng không thể xuất chuồng.
Ngoài ra, giá heo hơi giảm, chỉ còn khoảng 54.000 đồng/kg. Toàn tỉnh có 4 cơ sở giết mổ dừng hoạt động; sản lượng giết mổ giảm 29% so với trước đây. Ðối với trâu, bò, có 3/53 cơ sở tạm dừng do nguồn tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh ngưng nhập hàng, sản lượng giết mổ giảm 70% so với trước đây.
Nhu cầu tiêu thụ giảm là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên, nhất là tại các thành phố lớn và khu công nghiệp; một số cơ sở giết mổ phải ngừng hoạt động do có các trường hợp là F0, F1 (4/53 cơ sở). Bên cạnh đó, khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm tiêu thụ; vận chuyển con giống, vật tư phục vụ chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản gặp khó khăn.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành NN&PTNT triển khai các giải pháp tổ chức giết mổ, cung ứng động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn bảo đảm phòng, chống Covid-19 và an toàn dịch bệnh theo quy định; vận động các cơ sở giết mổ động vật tăng năng suất giết mổ. Bên cạnh đó, ngành đề nghị chính quyền địa phương có cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi thông thương vật tư, nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Ngành cũng hướng dẫn các cơ sở giết mổ, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn áp dụng nghiêm các biện pháp an toàn dịch bệnh, tổ chức “3 tại chỗ” và thường xuyên xét nghiệm cho công nhân. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đủ điều kiện “3 tại chỗ” thì chỉ nhận công nhân tại chỗ (không nằm trong vùng phong toả hoặc cách ly) để bảo đảm không có việc di chuyển từ huyện này sang huyện khác, đồng thời xét nghiệm định kỳ cho người lao động; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đầu tư, liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sở NN&PTNT cho biết, đơn vị đã ban hành nhiều công văn tháo gỡ khó khăn cho các công ty hoạt động “3 tại chỗ”; giải toả những ách tắc trong vận chuyển hàng hoá qua các chốt, trạm trong và ngoài tỉnh, bao gồm các loại vật tư, con giống, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Thời gian tới, đơn vị đề nghị các ngành có liên quan, địa phương mở lại chợ đầu mối, chợ truyền thống- nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn với kiểm soát an toàn dịch bệnh để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá; vận động các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Pacow International, Công ty TNHH CP Việt Nam, Công ty TNHH Emivet VN, Công ty TNHH CJ Vina Agri Việt Nam, Công ty TNHH Japfa comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Thanh Bảo Hân… thực hiện kênh phân phối sản phẩm trực tiếp.
Mặt khác, vận động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tăng công suất giết mổ; sử dụng các kho đông lạnh hiện có để giết mổ gia súc, gia cầm tại chỗ dự trữ trong kho. Các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT và sở, ngành có liên quan cùng địa phương làm đầu mối kết nối cung cầu giữa nơi đang cần nguồn tiêu thụ và nơi cần tiêu thụ; các ngành, địa phương có cơ chế linh hoạt để thông thương vật tư, nguyên liệu đầu vào chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Giang Hà