Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo đảm đầu ra cho lúa 

Cập nhật ngày: 17/02/2022 - 23:48

BTN - Từ trước đến nay, người nông dân sản xuất nông nghiệp dường như đã quen với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Tìm đầu ra cho nông sản, đặc biệt là hạt lúa luôn là nỗi lo thường trực của nông dân trước khi bước vào mùa vụ sản xuất hằng năm.

Ông Đoàn Văn Bình- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Điền và hội viên nông dân thăm đồng lúa tham gia mô hình liên kết (ảnh chụp ngày 23.1.2022)

Với mong muốn tìm đầu ra ổn định, thời gian qua, Hội Nông dân xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) đã nỗ lực vận động hội viên tham gia liên kết, thành lập các tổ, hội nghề nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao. Hội còn đứng ra làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, vừa bảo đảm nguồn cung vật tư nông nghiệp chất lượng với giá thành phải chăng, vừa bao tiêu đầu ra ổn định cho hạt lúa người nông dân sản xuất.

Nông dân an tâm sản xuất

Với định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp Hội Nông dân xã Thanh Điền đã tích cực vận động hội viên tham gia tổ, hội nghề nghiệp thực hiện Chương trình liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tăng giá trị cho hạt lúa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Ông Đoàn Văn Bình- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Điền cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm 2021-2022, Hội Nông dân xã vận động 36 hộ tham gia mô hình liên kết với Công ty TNHH TMDV SX XNK Đức Thành (Công ty Đức Thành) thực hiện liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cho hơn 40 ha lúa.

Thông qua đại lý vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng tại ấp Thanh Đông, xã Thanh Điền, Công ty Đức Thành phân phối lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng cho các hộ tham gia mô hình. Trong thời gian cây lúa phát triển, Công ty Đức Thành cử nhân viên kỹ thuật bám đồng, theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật, bảo đảm đúng quy trình canh tác.

Theo ông Bình, hiện nay, các trà lúa trên địa bàn xã đạt trên 1 tháng tuổi, đang trong giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng tốt, hứa hẹn vụ sản xuất bội thu.

Ông Lê Văn Nho, ngụ ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền cho biết, gia đình ông có 1,2 ha lúa tham gia mô hình liên kết. Trước đây, ông có tham gia mô hình liên kết sản xuất với Công ty phân bón Xanh và Xanh nên không xa lạ với mô hình này. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng như hiện nay, việc mua thiếu lúa giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi nên gia đình ông an tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Nhân- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thanh Trung cho biết, việc tham gia mô hình liên kết giúp nông dân hưởng lợi: được hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất lúa. Đến khi thu hoạch, toàn bộ lúa thương phẩm của nông dân sẽ được bao tiêu với giá cao hơn thị trường.

“Thời gian qua, dịch Covid-19 gây khó khăn trong việc giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng phân bón đã tăng gấp đôi so với trước đây làm nông dân lao đao vì sản xuất không còn lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng. Trong khi đó, đầu ra nông sản gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ tồn hàng, rớt giá. Việc nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí đầu tư, bảo đảm thị trường tiêu thụ”- ông Nhân chia sẻ thêm.

Thúc đẩy sản xuất lúa theo hướng bền vững

Ông Đoàn Văn Bình- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Điền cho biết, tổng diện tích đất sản xuất lúa của xã khoảng 840 ha, tập trung ở các ấp Thanh Trung, Thanh Hoà và Thanh Đông. Thực hiện liên kết 4 nhà, Hội Nông dân xã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.

Thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đúng đắn, cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc triển khai khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình canh tác hiện đại, từng bước thay đổi phương thức sản xuất truyền thống. Đây là nền tảng vững chắc để tăng thu nhập cho người trồng lúa, nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường. Đồng thời, là tiền đề quan trọng thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển bền vững; thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu gạo địa phương.

Theo ông Bình, trước đây, bà con thường vay tiền bên ngoài để đầu tư sản xuất, hoặc "mua chịu" phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các đại lý với giá và lãi suất cao, dẫn đến tình trạng thường bị ép giá, lợi nhuận sau thu hoạch chẳng còn bao nhiêu.

Tham gia mô hình liên kết, bà con được cung ứng lúa giống, vật tư nông nghiệp… từ đầu vụ. Thay vì phải thăm đồng thường xuyên, phun thuốc hoá học ồ ạt, nay có sự hướng dẫn của nhân viên công ty nên việc canh tác của nông dân đỡ vất vả hơn, vừa giảm chi phí đầu tư vừa bảo vệ sức khoẻ, năng suất lúa lại tăng cao.

Ông Nguyễn Mộng Điệp- chủ đại lý vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng chia sẻ, hiện chi phí đầu tư bình quân cho 1 ha lúa của nông dân đội lên gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với những năm trước. Đại lý của ông đã vay vốn ngân hàng hơn 10 tỷ đồng nhập lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để hỗ trợ nhà nông yên tâm sản xuất. Toàn bộ chi phí được đại lý bán thiếu cho nông dân, đến cuối vụ mới thanh toán mà không tính lãi suất.

Bà Đào Duy Băng Thanh- đại diện Công ty TNHH Đức Thành cho biết, với mong muốn đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hạt gạo truyền thống, chia sẻ khó khăn và mang đến thu nhập cao hơn cho người nông dân, công ty phối hợp với Hội Nông dân xã Thanh Điền thực hiện thí điểm mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao.

Công ty Đức Thành cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chất lượng cho nông dân với giá cả phải chăng, đặc biệt, trong suốt quá trình tham gia canh tác, nông dân được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác từ lúc làm đất gieo sạ đến cuối vụ. Ngoài ra, Nhà máy Lúa Vàng Việt là thành viên thuộc Công ty Đức Thành sẽ bao tiêu toàn bộ lúa thương phẩm cho nông dân tại ruộng với giá tốt nhất tại thời điểm thu hoạch.

Nguyên An