Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo đảm kết nối thông suốt 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông
Thứ bảy: 09:40 ngày 27/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện thông suốt 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông: “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”.

Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Thái Bình (huyện Châu Thành) kiểm tra máy tra cứu hồ sơ trực tuyến.

Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm đơn giản hoá thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Theo Sở Tư pháp, từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp và đẩy mạnh việc triển khai 2 nhóm TTHC liên thông; trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến, rà soát cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống máy tính, máy in… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong việc triển khai 2 nhóm TTHC liên thông.

Ngoài ra, để chuẩn bị triển khai thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC liên thông, UBND tỉnh thành lập tổ tập huấn gồm lãnh đạo và chuyên viên các sở, ngành (Công an, Tư pháp, Bảo hiểm xã hội, Lao động - Thương binh và Xã hội). Về phía Sở Tư pháp, đã cấp tài khoản hộ tịch cho văn thư, lãnh đạo UBND cấp huyện và cấp xã để thực hiện triển khai việc cấp giấy khai sinh bản điện tử và trích lục khai sinh điện tử.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn xây dựng kế hoạch tập huấn kỹ năng chuyên sâu cho cán bộ, công chức tham gia xử lý, giải quyết hồ sơ 2 nhóm TTHC liên thông; hướng dẫn sử dụng phần mềm dịch vụ công liên thông; hướng dẫn cài đặt cấu hình ký số đối với 2 nhóm TTHC; hướng dẫn kiểm tra hồ sơ nộp hồ sơ trực tuyến; hướng dẫn cập nhật số định danh cá nhân trên cổng dịch vụ công quốc gia; hướng dẫn thay đổi số điện thoại nhận mã OTP… cho 9 huyện, thị xã, thành phố. Sở Tư pháp thành lập nhóm Zalo kết nối toàn bộ đội ngũ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn tỉnh để thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy trình thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC liên thông trong thực tế.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông gặp một số khó khăn, vướng mắc. Sở Tư pháp cho biết, tốc độ xử lý và đồng bộ của các hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch; hệ thống cấp số định danh, đăng ký cư trú; cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ mai táng phí; dịch vụ công liên thông; một cửa điện tử của tỉnh còn chậm và thường xuyên bị lỗi, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trong lĩnh vực hộ tịch.

Đối với thực hiện nhóm thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi ở phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu phải có ý kiến của chủ hộ. Trên thực tế phát sinh nhiều trường hợp người đi đăng ký khai sinh không phải là chủ hộ. Vì vậy, người đi đăng ký khai sinh phải đem mẫu khai để nhập hộ khẩu về cho chủ hộ ký tên, mất nhiều thời gian trong quá trình giải quyết thủ tục.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 69/94 xã, phường, thị trấn bố trí 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch, 25/94 xã bố trí 1 công chức Tư pháp - Hộ tịch. Với số lượng công chức như hiện nay chưa tương xứng so với số lượng đầu việc. Ngoài việc triển khai thực hiện các dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp như tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, công chức còn phải thực hiện số hoá hồ sơ; hướng dẫn tạo tài khoản, nộp trực tuyến cho người dân và các nhiệm vụ khác, dẫn đến quá tải công việc.

Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Thái Bình (huyện Châu Thành) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Mặt khác, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ công chức ngành Tư pháp còn hạn chế. Bên cạnh đó, khi thực hiện thủ tục liên thông đăng ký khai tử, xoá thường trú nếu người chết là chủ hộ thì không thực hiện được (hệ thống báo xoá cả hộ). Một số cơ sở vật chất như máy tính, máy scan, máy in được trang bị đã lâu nên đã xuống cấp, tốc độ xử lý không đáp ứng được nhu cầu phần mềm liên thông cũng như các phần mềm chuyên ngành.

Ngày 10.6.2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất. Việc thực hiện TTHC liên thông điện tử tại văn bản này có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật; không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức. Theo đó, người có yêu cầu truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên ứng dụng VNeID để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và lệ phí theo quy định.

Sở Tư pháp cho biết, để bảo đảm đúng tiến độ, thời hạn cung cấp 2 nhóm TTHC liên thông điện tử từ ngày 1.7.2024 theo quy định, ngày 11.7.2024 UBND tỉnh ban hành Công văn số 206/UBND-KSTT về việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10.6.2024 của Chính phủ và Thông tư số 04/2024/TT-BTP ngày 8.4.2024 của Bộ Tư pháp. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch triển khai thực hiện việc liên thông 2 nhóm TTHC theo đúng quy định; trong đó, lưu ý điều chỉnh hệ thống thông tin giải quyết TTHC để kết nối với phần mềm dịch vụ công, hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp theo quy định.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch, hồ sơ yêu cầu giải quyết các việc về quốc tịch, người tiếp nhận hồ sơ thực hiện khai thác thông tin của người yêu cầu đăng ký hộ tịch, giải quyết các việc về quốc tịch thông qua kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định pháp luật (nếu người yêu cầu đã cung cấp họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân/căn cước công dân/thẻ căn cước/chứng minh nhân dân). Trường hợp các thông tin cần khai thác không có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị người yêu cầu kê khai đầy đủ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị như Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện tốt nội dung trong công văn đã nêu.

Thiên Di

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận và giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài về khai sinh 97 trường hợp, khai tử 8 trường hợp; UBND cấp xã tiếp nhận đăng ký khai sinh cho hơn 11.100 trường hợp, khai tử trên 4.800 trường hợp.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục