Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Doanh nghiệp chế biến đường:
Bảo đảm lợi nhuận cho người trồng mía
Thứ bảy: 04:57 ngày 25/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phía doanh nghiệp hứa sẽ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân đầu tư trồng mới mía cũng như trong vụ thu hoạch mía 2018-2019, “không để nông dân chịu thiệt thòi, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng mía”.

Xe chở mía vào giàn khoan lấy mẫu đo chữ đường. Ảnh: Thuý Hằng

Tại hội nghị sơ kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa qua, UBND huyện Tân Châu cho biết, hiện nay, mối liên kết giữa nhà máy đường và người dân trên địa bàn huyện chưa được tốt. Các chính sách của nhà máy đối với nông dân trồng mới mía đã nảy sinh những bất cập như: phân bón do nhà máy cung cấp chỉ định, người trồng mía không được mua phân bón ngoài chỉ định; giá thu mua mía còn thấp; việc phân bố thời gian thu hoạch mía chưa phù hợp làm giảm chữ đường.

Ông N.V. B (ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu) cho biết, trước đây, ông ký hợp đồng trồng mía với Công ty mía đường Thành Thành Công, diện tích hơn 100 ha. Hai năm trở lại đây, ông gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất do chính sách của nhà máy. Cụ thể như chất lượng phân bón không bảo đảm nhưng giá và lãi suất trả chậm tiền mua phân cao hơn bên ngoài; chi phí đầu tư hệ thống tưới cao hơn giá thị trường khoảng 4 triệu đồng/ha... Đến cuối vụ, công ty trừ tất cả chi phí vốn được cho là “hỗ trợ” người trồng mía nên nông dân không có lãi hoặc lỗ vốn. 

Một vấn đề khác khiến người trồng mía lao đao trong thời gian qua là nhà máy không tổ chức được thời gian xuống giống cho người trồng một cách khoa học, dẫn đến mía chín đồng loạt, trong khi nhà máy thu hoạch chậm, làm nông dân bị thiệt hại. 

Theo ông B, với 100 ha mía được chăm sóc tốt, năng suất luôn đạt 100 tấn/ha. Thế nhưng, đến lúc thu hoạch ông phải mỏi mòn chờ nhà máy cho người đốn chặt theo kiểu cuốn chiếu. Vì vậy mà mía nằm không trên đồng, vừa mất sản lượng, vừa giảm chữ đường. 

Để giảm thiệt hại, ông B phải tự bỏ tiền thuê nhân công chặt mía nhưng... chữ đường do nhà máy đo lại thấp một cách vô lý. Cho nên, dù năng suất, sản lượng mía cao nhưng ông B lại phải chịu lỗ 10 triệu đồng/ha. Sau hai năm liên tục như thế, ông B đã “chia tay” cây mía.

 “Tây Ninh có điều kiện rất thuận lợi để phát triển cây mía nhưng nông dân vẫn từ bỏ mía thì rõ ràng giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến mía đường có vấn đề”- ông B nói.
Ông Võ Văn Hoa Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Châu cho biết,  trước ý kiến phản ánh của người trồng mía, UBND huyện Tân Châu đã tổ chức cho một số nông dân trồng mía làm việc với doanh nghiệp chế biến mía đường. Người trồng mía đã nêu rất nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề bức xúc. Phía doanh nghiệp hứa sẽ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân đầu tư trồng mới mía cũng như trong vụ thu hoạch mía 2018-2019, “không để nông dân chịu thiệt thòi, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng mía”.

Đại diện bộ phận nông nghiệp của Công ty Thành Thành Công cho biết, hiện công suất chế biến của nhà máy đường Thành Thành Công là 9.400 tấn/ngày; nhà máy đường Biên Hoà: 4.000 tấn/ngày, nhà máy đường Nước Trong: 1.200 tấn/ngày. Tổng sản lượng thu mua mía cây của các nhà máy là 14.600 tấn/ngày. Vụ chế biến mới 2018-2019, tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh khoảng 13.000 ha.

Cũng theo Công ty Thành Thành Công, hiện ngành mía đường trong tỉnh đang gặp không ít khó khăn. Đường thành phẩm còn tồn kho nhiều. Giá mía đường đang thấp hơn những  năm trước. Để tiếp tục phát triển cây mía theo hướng bền vững, mới đây, công ty đã vận động người trồng mía thay đổi tập quán canh tác theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và chất lượng cây mía.

 Niên vụ mía 2017-2018, Công ty Thành Thành Công đã triển khai một số chính sách mới có lợi cho người trồng mới mía, đồng thời cũng là nền tảng giúp doanh nghiệp ổn định vùng nguyên liệu. Điển hình như chính sách hỗ trợ cho người trồng mới mía đầu tư hệ thống tưới tự động khoảng 4,5 triệu đồng/ha; hỗ trợ trực tiếp cho các công đoạn trồng mía khoảng 7,7 triệu đồng (gồm tiền công làm đất, cày ngầm bón phân, phân bón vi sinh).

Trong quá trình sản xuất, công ty đầu tư theo quy trình, không đầu tư chi phí trực tiếp cho người trồng. Công ty đã phân ra 4 nhóm khách hàng: VIP, Vàng, Bạc và Đồng. Khách hàng VIP và Vàng là những hộ trồng tốt, áp dụng đúng quy trình canh tác của công ty, năng suất mía luôn đạt về chất và lượng, đặc biệt không nợ chi phí của công ty. Đối với 2 nhóm khách hàng này, công ty sẽ đầu tư tiền mặt theo mong muốn của người trồng. Đối với 2 nhóm khách hàng còn lại, công ty sẽ đầu tư đến đâu ghi nợ đến đó nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán theo chính sách đối với người trồng.

Thu hoạch mía trên địa bàn huyện Tân Châu.\

Niên vụ vừa rồi, tỷ lệ mía cháy chiếm 25% (200.000 tấn), tập trung trên địa bàn huyện Dương Minh Châu và Châu Thành. Có thời điểm, công ty tiếp nhận thu mua gần 80% mía cháy/ngày. Trước tình trạng mía cháy quá nhiều, công ty vận động những hộ mía còn tươi “nhường” những hộ có mía bị cháy được thu hoạch trước. Việc thu mua mía cháy đưa vào ép trước đã làm đảo lộn hoàn toàn lịch thu mua mía của công ty, dẫn đến những hộ có mía khác phải thu hoạch muộn nên không tránh khỏi bức xúc. 

Trong vụ thu hoạch mía 2018-2019 sắp tới, Công ty Thành Thành Công sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ giới hoá trong các khâu sản xuất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, bảo đảm người trồng mía có lợi nhuận khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha.

NHI TRẦN

Theo Sở NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2018, diện tích cây mía đạt 14.669 ha,  giảm 3,7% so với cùng kỳ, trong đó, mía được trồng mới là 5.681 ha.

 

Tin cùng chuyên mục