Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 nhằm định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái của tỉnh và chiến lược phát triển của vùng Ðông Nam bộ….
Chăn nuôi gà.
Những năm gần đây, chăn nuôi có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, nhiều địa phương phát triển chăn nuôi với mật độ cao gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh cũng như môi trường.
Ngày 18.1.2021, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 nhằm định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái của tỉnh và chiến lược phát triển của vùng Ðông Nam bộ, từ đó, bố trí mật độ chăn nuôi phù hợp, góp phần quản lý tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Việc ban hành mật độ chăn nuôi còn giúp người chăn nuôi xác định các địa bàn khuyến khích phát triển chăn nuôi, lựa chọn quy mô chăn nuôi; người chăn nuôi yên tâm đầu tư lâu dài, đầu tư chăn nuôi quy mô lớn và phát triển theo hướng bền vững.
Theo đó, mật độ chăn nuôi trên toàn tỉnh năm 2021 là 0,71 ÐVN (đơn vị vật nuôi)/ha đất nông nghiệp, mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 không vượt quá 1,5 ÐVN/ha đất nông nghiệp.
Mật độ chăn nuôi của các huyện, thị xã, thành phố (không quy định mật độ chăn nuôi cấp xã) quy định như sau: thành phố Tây Ninh mật độ chăn nuôi năm 2021 là 0,26 ÐVN/ha đất nông nghiệp, đến năm 2030 không vượt quá 0,4 ÐVN/ha đất nông nghiệp (sau đây viết là ÐVN/ha); thị xã Hoà Thành mật độ chăn nuôi năm 2021 là 0,39 ÐVN/ha, đến năm 2030 không vượt quá 0,5 ÐVN/ha; thị xã Trảng Bàng mật độ chăn nuôi năm 2021 là 1,08 ÐVN/ha, đến năm 2030 không vượt quá 1,5 ÐVN/ha; huyện Châu Thành mật độ chăn nuôi năm 2021 là 0,91 ÐVN/ha, năm 2030 không vượt quá 1,5 ÐVN/ha; huyện Dương Minh Châu mật độ chăn nuôi năm 2021 là 0,97 ÐVN/ha, năm 2030 không vượt quá 1,5 ÐVN/ha; huyện Tân Châu mật độ chăn nuôi năm 2021 là 0,65 ÐVN/ha, năm 2030 không vượt quá 1,8 ÐVN/ha; huyện Tân Biên mật độ chăn nuôi năm 2021 là 0,53 ÐVN/ha đất nông nghiệp, năm 2030 không vượt quá 1,5 ÐVN/ha đất nông nghiệp; huyện Gò Dầu mật độ chăn nuôi năm 2021 là 0,41 ÐVN/ha, năm 2030 không vượt quá 1 ÐVN/ha; huyện Bến Cầu mật độ chăn nuôi năm 2021 là 0,93 ÐVN/ha, đến năm 2030 không vượt quá 1,5 ÐVN/ha.
Tại địa bàn cấp huyện có mật độ chăn nuôi đã đạt tới quy định thì chỉ cho đầu tư đối với những dự án chăn nuôi phù hợp chiến lược phát triển chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi và môi trường sinh thái nhưng phải bảo đảm mật độ chăn nuôi trên toàn tỉnh không vượt quá 1,5 ÐVN/ha đất nông nghiệp.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng, những năm qua, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển quy mô lớn, khép kín, bảo đảm an toàn sinh học và vệ sinh môi trường gắn với chế biến. Năm 2020, Thị xã có 86 trang trại theo hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, gồm 56 trang trại chăn nuôi trâu, bò với 2.345 con; 5 trang trại chăn nuôi heo với 10.150 con; 3 trang trại gà thịt với 152.000 con; 22 trang trại vịt với hơn 189.000 con.
Theo ước tính của địa phương, đến năm 2025, mật độ chăn nuôi trên địa bàn Thị xã khoảng 1,31 ÐVN/ha đất nông nghiệp; năm 2030 khoảng 1,36 ÐVN/ha đất nông nghiệp, bảo đảm theo mật độ chăn nuôi của tỉnh quy định.
Bà Trần Thị Ngọc Em- Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu cho biết, sau khi UBND tỉnh ban hành quy định về mật độ chăn nuôi, huyện đã triển khai đến các xã, đến nay, mật độ chăn nuôi trên địa bàn bảo đảm theo quy định.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là 0,42 ÐVN/ha đất nông nghiệp. Các huyện, thị xã, thành phố đều bảo đảm mật độ chăn nuôi theo quy định, cụ thể: TP. Tây Ninh 0,22 ÐVN/ha; thị xã Hoà Thành 0,39 ÐVN/ha; thị xã Trảng Bàng 1,08 ÐVN/ha; huyện Tân Biên 0,3 ÐVN/ha; huyện Tân Châu 0,11 ÐVN/ha; huyện Châu Thành 0,37 ÐVN/ha; huyện Bến Cầu 0,98 ÐVN/ha; huyện Gò Dầu 0,41 ÐVN/ha; huyện Dương Minh Châu 0,87 ÐVN/ha.
Từ năm 2016 đến tháng 1.2021, trên địa bàn tỉnh có 108 dự án đầu tư chăn nuôi xin chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, trong đó, có 71 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Vật nuôi được đầu tư chăn nuôi nhiều là heo có 44 dự án; gà có 20 dự án; vịt 1 dự án; heo, gà kết hợp có 1 dự án; bò, dê kết hợp có 1 dự án; bò sữa 1 dự án; chim yến 3 dự án.
Huyện có dự án chăn nuôi được chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều nhất là Tân Châu với 22 dự án; Tân Biên có 21 dự án; Châu Thành 16 dự án; Dương Minh Châu 7 dự án; Bến Cầu 2 dự án; thành phố Tây Ninh, huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng mỗi địa phương có 1 dự án. Trong số 71 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có 18 dự án đã đi vào hoạt động (chiếm 25,35%); 17 dự án đang triển khai (chiếm 23,94%) và 34 dự án chưa triển khai (chiếm 47,89%).
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được lấy ý kiến đồng thuận của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Việc thu hút các dự án đầu tư phát triển nhanh; số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2020 chiếm 66% tổng số dự án được chấp thuận trong giai đoạn 2016-2020. Các dự án được đầu tư là những mô hình chăn nuôi công nghệ cao (như trang trại heo Huỳnh Quốc, trang trại gà của Công ty TNHH QL Việt Nam Agroresources) xử lý môi trường triệt để là hình mẫu để các trang trại khác trên địa bàn tỉnh tham khảo, học tập.
Quá trình thực hiện các dự án đầu tư gồm nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian, tuy nhiên, gần đây thời gian thực hiện của nhà đầu tư được rút ngắn hơn trước, Sở NN&PTNT quan tâm chỉ đạo tổ thẩm định đẩy nhanh thời gian thẩm định thiết kế cơ sở, thực hiện song song giữa báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định thiết kế cơ sở (trước đây, thẩm định thiết kế cơ sở thực hiện sau khi báo cáo tác động môi trường được phê duyệt).
Giang Hà