BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Cập nhật ngày: 17/08/2021 - 18:11

BTNO - Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018, đây là đạo luật rất quan trọng tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân để nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị triển khai Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 28.1.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin cho 170 người tham dự. Sở Tư pháp biên soạn, in ấn, cấp phát 10.000 tờ gấp hỏi - đáp Luật Tiếp cận thông tin; chủ động viết tin, bài tuyên truyền trên Nội san và Cổng thông tin điện tử của đơn vị; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh, Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền Luật Tiếp cận thông tin; tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức thi tìm hiểu Luật Tiếp cận thông tin lồng ghép vào nội dung cuộc thi tìm hiểu pháp luật tháng 9.2020, có 3.843 bài dự thi.

Cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp cận thông tin như bố trí nơi tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin; phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết, sử dụng các biện pháp bằng đồ họa (inforgraphic, hình ảnh, video), cho phép người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng điện thoại di động và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để sao, chụp văn bản, hồ sơ, tài liệu... Đồng thời, rà soát, bố trí hợp lý đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cung cấp thông tin cho người làm đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan.

Các hình thức công khai thông tin rất đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình của địa phương và đối tượng, như đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tủ sách pháp luật điện tử; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội ứng dụng Tây Ninh Smart; niêm yết tại trụ sở và các địa điểm nhà văn hóa ấp, khu phố.

Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trong trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày tạo ra thông tin, các cơ quan nhà nước ở địa phương thực hiện việc công khai thông tin.

Ngoài ra, các cơ quan thường xuyên chỉ đạo rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của các thông tin được tạo ra; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin mà đơn vị có trách nhiệm cung cấp cho công dân, bảo đảm hệ thống thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu; căn cứ vào điều kiện thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Qua 3 năm triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận được 16.904 yêu cầu cung cấp các thông tin được cung cấp theo yêu cầu và chưa nhận được việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến tiếp cận thông tin. Đồng thời, đã thực hiện việc cung cấp thông tin bằng các hình thức trực tiếp, văn bản, trả lời trực tuyến, trước khi cung cấp thông tin đã kiểm tra và đảm bảo tính bí mật của thông tin.

Tuy nhiên, việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP là nội dung mới, thời gian đầu có một bộ phận cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức gặp khó khăn, lúng túng. Cán bộ, công chức được giao làm đầu mối cung cấp thông tin của các cơ quan, đơn vị chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động cung cấp thông tin nên có lúc, có nơi triển khai thực hiện chưa kịp thời, đồng bộ.

Để phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cung cấp thông tin cho người làm đầu mối cung cấp thông tin ở các địa phương.

Thiên Di