Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo đảm sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh 

Cập nhật ngày: 30/07/2021 - 09:55

BTNO - Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nông dân ở các huyện vẫn ra đồng sản xuất, vừa bảo đảm sản xuất gắn với phòng chống dịch, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng sản phẩm. Nhất là bảo đảm ổn định lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân trên địa bàn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Nông dân vừa bảo đảm xuống giống lúa đúng thời vụ, vừa bảo đảm phòng chống dịch.

Thị xã Hòa Thành không phải là địa phương có diện tích trồng lúa lớn, tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh, bà con nông dân bảo đảm canh tác lúa 2-3 vụ với diện tích hơn 1.100 ha, tập trung ở phường Long Thành Trung và xã Long Thành Nam.

Ông Nguyễn Văn Leo (ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành) cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cũng là lúc nông dân ở địa phương xuống giống vụ lúa Hè - Thu.

“Vụ lúa Hè - Thu năm nay gia đình tôi tiếp tục xuống giống lúa Đài thơm 8, với diện tích 2ha. Mặc dù thị trường đầu ra của các loại nông sản, trong đó có lúa đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhưng để bảo đảm lương thực lúa gạo, nông dân phải tích cực sản xuất trong điều kiện chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. Chúng tôi vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp, vừa  bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19”. Ông Leo chia sẻ.

Bên cạnh đó, vụ lúa Hè thu sớm năm 2021, nông dân trên địa bàn huyện Bến Cầu chủ yếu xuống giống các giống lúa ngắn ngày, có khả năng kháng sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn như: OM 5451; OM 18; Đài thơm 8…Vụ Hè - Thu thời tiết thuận lợi, sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông ít phát triển.

Anh Mai Văn Mệnh, ấp B, xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu) cho biết, “thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi và người dân ở đây nhận thức rõ tác hại của dịch Covid-19 đối với sức khỏe bản thân và cộng đồng. Vì vậy, khi ra đường hay ra đồng đều mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn trong thời gian xuống giống vụ Hè - Thu, không để ảnh hưởng sức khỏe bản thân và cộng đồng”.

Nông dân vẫn phấn khởi chăm sóc hành lá trong tình hình dịch bệnh.

Còn ông Nguyễn Văn Trung, ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) cho biết, trong những ngày xuống giống tất cả nông dân ra đồng cũng như các chủ máy xới đất và nhân công làm thuê đều thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19, không tụ tập, nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, bảo đảm tiến độ xuống giống.

Đối với cây lúa, hàng năm trên địa bàn tỉnh có diện tích gieo trồng bình quân 155.000 ha. Riêng vụ Hè-Thu năm nay, trên địa bàn tỉnh xuống giống hơn 48.700 ha. Để nâng cao năng suất lúa trong canh tác, tỉnh đã có nhiều chương trình phối hợp lai tạo giống lúa chất lượng cao, liên kết với các doanh nghiệp mở lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác hiện đại, cung cấp phân bón và hướng dẫn sử dụng hợp lý, đặc biệt, phổ biến các giải pháp phòng trừ sâu bệnh đến người trồng lúa để có sản phẩm lúa gạo chất lượng hướng đến thị trường xuất khẩu tốt hơn.

Đối với nhiều loại mặt hàng nông sản rau củ quả khác, những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, một số loại nông sản gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Nhưng nông dân vẫn duy trì sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng thị trường.

Ông Phạm Tấn Thành (ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành) cho biết, với vụ thu hoạch mới đây, gần 2 công hành lá của gia đình bị thương lái ép giá chỉ còn 10.000 đồng/kg, nên lợi nhuận thu về chỉ đủ trả tiền đầu tư giống và phân bón. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục xuống giống vụ mới. Ông Võ Minh Hùng (phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành) tranh thủ thời gian xuống giống 4 công đậu bắp để cung ứng cho thị trường.

Ông Hùng cho biết, “Khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng hết sức lo lắng, không biết sẽ sản xuất, bán hàng thế nào, mặc dù rau củ quả vốn là mặt hàng thiết yếu của người dân. Trong thời điểm này, mình chung tay chống dịch vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình mình và cộng đồng, đồng thời có thời gian để chăm sóc tốt vườn đậu bắp này với hy vọng giá cả và đầu ra ổn định để nông dân yên tâm tái sản xuất, cung cấp nông sản góp phần ổn định thị trường”.

Nhi Trần