BAOTAYNINH.VN trên Google News

Báo động nạn phá rừng công khai ở Tiểu khu 63 (huyện DMC)

Cập nhật ngày: 14/04/2010 - 05:44

Những gốc cây dầu rái ở Tiểu khu 63 bị đốn hạ

Rừng phòng hộ Tiểu khu 63 hồ nước Dầu Tiếng, thuộc tổ 7, ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, huyện DMC. Vai trò, vị trí và tác dụng của nó đối với công trình thuỷ lợi quan trọng này chắc khỏi cần bàn nhiều. Nhưng có một điều là rừng ở đây đã và đang bị người ta tỉa chặt gần như công khai nhưng không có ai ngăn chặn?!

Theo chân của những người dân ở đây (bà con đề nghị giấu tên để tránh tư thù, trù dập), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến ít nhất 2 gốc cây dầu rái có tuổi đời khoảng 25 năm, đường kính gốc trên 50 cm, bị một người tên là T ở ngã ba bờ hồ (xã Suối Đá) hạ xuống với những dấu mủ tuôn ra còn tươi rói chưa kịp thay đổi sắc màu. Bên cạnh gốc cây dầu bị đốn hạ là la liệt những cành lá còn nằm ngổn ngang. Người dân ở đây cho biết, khi phát hiện người ta đến chặt phá rừng, bà con đã lập tức báo cho một người tên là Đ đang có trách nhiệm bảo vệ Tiểu khu 63. Nhưng có một điều khiến người dân ở đây hết sức bất bình là sau khi báo tin thì cả hơn một tuần vẫn không thấy ai đến xử lý vụ việc này.

Bức xúc quá, người báo tin liền điện cho ông Đ thì được người có trách nhiệm bảo vệ Tiểu khu 63 trả lời là: “Đó là đất hợp đồng của người ta với Nhà nước, trước, sau gì người ta cũng được hưởng lợi, thôi thì cho người ta hưởng lợi trước… mai mốt có gì cứ báo để tôi vào tịch thu phương tiện?!”. Chính vì cách giải thích thiếu trách nhiệm của người được giao trọng trách bảo vệ rừng này đã khiến người dân không đồng tình và đặt ra câu hỏi: phải chăng kẻ phá rừng và người bảo vệ rừng có thông đồng với nhau trong việc phá rừng ở đây?

Bên cạnh những gốc cây dầu mới bị đốn hạn thì chỉ trong một diện tích chưa đầy 100 mét vuông, chúng tôi đã đếm được 10 gốc cây dầu rái bị chặt phá cả cũ và mới. Có những gốc cây mới bị đốn hạ đã bị kẻ phá rừng dùng lá cây khô phủ kín và chỉ nhờ kinh nghiệm của những người sống chung với rừng vạch ra thì chúng tôi mới thấy. Điều đó chứng tỏ rằng rừng phòng hộ ở đây không chỉ mới mà đã từng bị tàn phá từ nhiều năm nay và phải chăng tình trạng trên có sự thao túng của một vài cá nhân có trách nhiệm?

Trong khi lãnh đạo và nhân dân Tây Ninh đang tích cực vận động và thực hiện việc trồng rừng và bảo vệ rừng theo chủ trương của Chính phủ và của UBND tỉnh Tây Ninh thì qua những gì mà chúng tôi ghi nhận được là không thể chấp nhận được. Rất mong cơ quan thẩm quyền, cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm sáng tỏ vụ việc để đảm bảo môi trường sống của chúng ta sẽ không còn bị tàn phá như ở rừng phòng hộ Tiểu khu 63. Nếu không thì có ai dám đoán chắc rằng khi đến đúng thời hạn hợp đồng 50 năm mới được khai thác rừng, liệu ở đây có còn cây dầu nào nữa hay không?! 

GIANG SƠN