Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chỉ trong vòng 3 tháng qua, trong hồ Dầu Tiếng liên tục xảy ra nhiều vụ trộm vỏ lãi cùng với nhiều bình ắc-quy đề máy ghe của những người làm nghề hạ bạc - vốn đã rất cơ cực.
Những chiếc vỏ lãi để như thế này, nếu không có người trông coi hoặc không xích khoá, sẽ là “miếng mồi ngon” cho kẻ trộm.
Cách nay khoảng 20 ngày, chiếc vỏ lãi của ông Tám Tơ (ngụ ấp Phước Lợi 2, xã Suối Ðá, huyện Dương Minh Châu) bị trộm lấy mất. Theo lời ông Tám Tơ, chiếc vỏ lãi này có kích thước khung lớn, dài 11,7m, tải trọng khoảng 3,5 tấn, nếu dùng để đưa đò có thể chở được 12 người khách. Lúc ông mua, giá hơn 100 triệu đồng (bao gồm cả máy).
Trong bờ hồ, khu vực giáp ranh giữa hai xã Suối Ðá và Phước Minh, ông Tư Tràm cũng bị mất một chiếc vỏ lãi trị giá khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra một ngư dân khác (giấu tên) cho hay cũng bị mất một chiếc trị giá gần 30 triệu đồng. Một trường hợp khác kể bị trộm lấy mất 1 máy động cơ vận hành ghe, trị giá khoảng 15 triệu đồng.
Tại khu vực đảo Suối Nhím, anh Tiến đưa đò bị mất một chiếc vỏ lãi trị giá hơn 50 triệu đồng. Ông Hiếu mất 2 chiếc vỏ lãi, ông Hùng Râu mất 1 chiếc, mỗi chiếc đều trị giá trên 20 triệu đồng. Ðó là một số trường hợp mà bước đầu chúng tôi ghi nhận được. Ðược biết, rất ít người bị mất tài sản đến trình báo cơ quan chức năng.
Chưa dừng lại ở các vụ trộm vỏ lãi, theo nguồn tin do Công an xã Suối Ðá cung cấp, ngày 14.5, chủ một doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng trình báo bị trộm “cuỗm” mất 26 bình ắc-quy dùng để đề máy ghe, 400 lít dầu, 2 bình gas loại 12kg. Trung tá Nguyễn Văn Cáp - Trưởng Ðồn công an hồ nước cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Dương Minh Châu đang vào cuộc làm rõ vụ việc mất trộm tại doanh nghiệp khai thác cát vừa nêu.
“Nhiều ngày qua, tôi đã lân la dò tìm cả khu vực lòng hồ Dầu Tiếng nhưng không phát hiện ra phương tiện bị mất. Cho dù kẻ trộm có thay đổi màu sơn hay tháo bỏ biển số đăng kiểm thì tôi vẫn có thể nhận ra vỏ lãi hoặc máy móc của mình. Tuy nhiên, tài sản bị trộm như biến mất như vô hình. Nhiều khả năng, các vỏ lãi và máy móc kèm theo bị trộm đã được vận chuyển khỏi lòng hồ đi nơi khác, hoặc đã bị nhấn chìm xuống nước để chờ cơ hội tẩu tán…” - một chủ vỏ lãi bị trộm cho biết.
Ông T, một ngư dân gần 30 năm sống trong căn chòi tạm tại lòng hồ phản ánh, tình hình an ninh trật tự trong lòng hồ thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Thường xuyên có nhiều người không phải là dân địa phương lai vãng. Vỏ lãi được xem như tài sản lớn đối với ngư dân, dùng để đưa đò và vận chuyển nông sản. Bà con không nên để vỏ lãi nơi vắng vẻ, khi không sử dụng, cần thiết nên tập kết về bến có nhiều phương tiện neo đậu, cắt cử người trông coi. Xích khoá liên hoàn các vỏ lãi lại với nhau cũng là một cách hạn chế nạn mất trộm.
Trên thực tế, chỉ số ít chủ vỏ lãi có trọng tải lớn thường dùng để chở khách và vận chuyển nông sản là có thực hiện đăng kiểm theo quy định. Ða số chủ phương tiện vỏ lãi vừa và nhỏ (phần lớn là các ngư dân) không làm, nên khi xảy ra mất trộm, người bị mất tài sản đành “bấm bụng” chịu, “ngại” trình báo cơ quan chức năng.
“Vỏ lãi được đưa đến hồ Dầu Tiếng từ nhiều nơi khác nhau như Bình Dương, Bình Phước, thậm chí từ miền Tây… Có thể nói, kiểm soát phương tiện giao thông đường thuỷ là vỏ lãi trong hồ Dầu Tiếng khá phức tạp. Không ít trường hợp cố tình tránh né khi ngành chức năng đến tận nơi để tuyên truyền, vận động thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Việc này có phần gây khó khăn trong công tác quản lý loại tài sản đang đề cập” - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh nói.
MINH QUỐC