Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nếu không gỡ được “thẻ vàng” hoặc bị nâng lên “thẻ đỏ” sẽ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thuỷ sản, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là đời sống người dân.
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá.
Đáng chú ý, khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU).
Báo cáo của Bộ NN-PTNT nêu rõ, nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Nghiêm trọng hơn, EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Đây thực sự là 1 cảnh báo tình huống nguy hiểm cho thế mạnh xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (Ảnh: VGP)
Ngay sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành cùng các địa phương ven biển đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, đề ra các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC gồm: khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU sáng 21/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thời gian qua, để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”, chống khai thác IUU, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, đã hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam (thực hiện quy tắc, nguyên tắc quốc tế về khai thác thuỷ sản); Cơ bản đã chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương,...
Tuy nhiên, xét về tổng thể các giải pháp, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và cách thức tổ chức triển khai thực hiện; đặc biệt là công tác phối hợp, thực hiện trách nhiệm của các bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển để chống khai thác IUU trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của EC.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU là lãnh đạo của các Bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện. Bởi, nếu không gỡ được thẻ vàng, hoặc bị nâng lên thẻ đỏ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thuỷ sản, tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Theo đó, cần tiếp tục quán triệt và tập trung nguồn lực để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU. Mục tiêu là phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định đánh bắt cá của Việt Nam và quốc tế. Về lâu dài phải đảm bảo cho nghề cá Việt Nam phát triển bền vững. Đây cũng là những mục tiêu quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Với Bộ NN-PTNT, nhiệm vụ cần tái cơ cấu ngành thuỷ sản, chú trọng nuôi trồng, chế biến, hiện đại hoá ngành khai thác. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển ngành hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá (đảm bảo kiểm soát được tàu cá, nguồn gốc chất lượng thuỷ sản,... ).
Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các bên có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU.
Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiên quyết xử lý các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU.
Riêng Bộ Công an, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, tàu cá tự ý sử dụng biển số giả, sơn tàu cá giống tàu cá nước sở tại để đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; khởi tố hình sự một số vụ việc điển hình để đảm bảo tính răn đe.
Ngoài ra, các bộ ngành khác cũng cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong vấn đề gỡ thẻ vàng của EC.
Riêng UBND các tỉnh, thành phố ven biển, Phó Thủ tướng yêu cầu xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần tập trung nguồn lực (nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất) phục vụ cho hoạt động chống khai thác IUU, tổ chức triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
“Tôi yêu cầu các bộ, ban ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU và định kỳ gửi báo cáo trước ngày 20 hàng tháng về Bộ NN-PTNTđể tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU theo quy định.
Năm 2018, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt khoảng 228 ngàn tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2017, tổng sản lượng đạt khoảng 7,74 triệu tấn, tăng 7,2%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4%, trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 trong ngành nông nghiệp.
6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thuỷ sản đạt 3,78 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khai thác ước đạt 1,88 triệu tấn, nuôi trồng ước đạt 1,92 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn Vietnamnet