Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đa số diện tích rừng bị phá là rừng trồng, chủ yếu xảy ra ở Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Khu rừng Văn hoá- Lịch sử núi Bà và Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm, trong 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng bảo vệ rừng trong tỉnh đã phát hiện đến 24 vụ phá rừng với tổng diện tích là 14,3 ha. So với cùng kỳ, số vụ phá rừng tăng đến 17 vụ và số diện tích rừng bị phá tăng đến gần 12 ha, đa số diện tích rừng bị phá là rừng trồng, chủ yếu xảy ra ở Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Khu rừng Văn hoá- Lịch sử núi Bà và Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát.
Từ khi triển khai thực hiện Dự án 661 trên địa bàn tỉnh từ năm 1999 đến nay, nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ rừng luôn được đánh giá là tương đối tốt. Tuy nhiên công tác trồng rừng thì lại gặp nhiều khó khăn. Từ sau khi toàn tỉnh quyết liệt triển khai Quyết định 875 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích để chuyển sang trồng rừng thì diện tích trồng rừng mới đạt kế hoạch. Cụ thể trong 2 năm 2009 và 2010 diện tích trồng mới rừng ở Tây Ninh tăng “đột biến”- đạt trên 1.000 ha. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và ban quản lý các dự án rừng trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, thực tế chẳng phải tất cả các hộ đã thực hiện trồng rừng đều tận tâm chăm sóc cây rừng. Trong những năm gần đây, rải rác ở các dự án rừng đã xảy ra tình trạng hộ trồng rừng tự tìm cách phá bỏ cây rừng mà mình đã trồng để trồng xen cây nông nghiệp. Và tình trạng này đang ngày càng gia tăng đến mức báo động, nhất là trong năm 2010 (gần 30 trường hợp phá rừng) và 6 tháng đầu năm 2011.
![]() |
Rừng trồng bị phá bỏ (ảnh minh hoạ) |
Không chỉ tình trạng phá rừng trồng ngày càng gia tăng mà thủ đoạn phá rừng cũng ngày càng tinh vi hơn. Theo phản ánh của các chủ rừng thì có không ít hộ buộc phải chuyển cây trồng không đúng mục đích sang trồng cây rừng đã và đang áp dụng “biện pháp” mé trụi nhánh cây rừng, chỉ chừa le hoe vài lá đọt nhằm tạo khoảng không để trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày. Những cây rừng bị mé trụi nhánh vẫn còn sống dù chỉ sống “èo uột” nên khó ghép vào hành vi phá rừng. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, ở một số dự án rừng còn xảy ra tình trạng lạ hơn là “thuê người khác vào phá rừng trồng của mình”. Tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã xảy ra một số vụ phá rừng kiểu này, tuy nhiên do không có đủ chứng cứ nên không thể ghép tội vi phạm cho chủ hộ trồng rừng được.
Vấn đề đã từng được đặt ra và hiện nay vẫn tiếp tục được đặt ra là “vì sao có nhiều hộ dân đã thực hiện trồng rừng lại lén lút tìm cách phá hoặc hạn chế cây rừng phát triển, cho dù họ dư biết đó là hành vi vi phạm luật pháp”? Có ý kiến cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất là do trồng rừng không thể tạo thu nhập ổn định cho người dân nhận khoán trồng rừng bằng các loại cây trồng khác. Do đó việc lén lút phá bỏ rừng trồng vẫn tiếp tục xảy ra, cho dù các lực lượng bảo vệ rừng xử lý rất nghiêm khắc khi phát hiện lập biên bản. Từ đó cũng có ý kiến đề xuất các ngành chức năng cần phải quan tâm, nghiên cứu và điều chỉnh mức đầu tư, mô hình trồng rừng và quy trình khai thác sao cho thu nhập người trồng rừng được nâng cao. Có như thế thì tình trạng lén lút phá bỏ rừng trồng sẽ giảm.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét và quyết định thì tất cả những hộ nhận khoán trồng rừng đều phải tuân thủ đúng quy định. Tất cả những hành vi gây tổn hại đến cây rừng đều phải xử lý nghiêm minh.
SƠN TRẦN