Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Báo động tình trạng trầm cảm ở học sinh
Thứ ba: 23:48 ngày 19/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế, bệnh trầm cảm luôn tiềm ẩn trong mọi người và ở bất kỳ độ tuổi nào. Thế nhưng, ở lứa tuổi học sinh, các em còn quá nhỏ để hiểu và có biện pháp giải toả trầm cảm cho mình.

Các em học sinh Trường THPT Tây Ninh (Ảnh minh hoạ).

Với đề tài “Rối loạn trầm cảm của học sinh THPT ở thành phố Tây Ninh: thực trạng và một số giải pháp khắc phục”, Nguyễn Đình Khải và Thái Phạm Yến Vy- hai học sinh lớp 10 Văn Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đã giành giải Nhì trong Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2018-2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đề tài nghiên cứu này được đánh giá là có tính thiết thực trong đời sống học đường.

Công trình nhỏ- ý nghĩa lớn

Thầy Nguyễn Quốc Toàn- giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha là người trực tiếp hướng dẫn cho nhóm của Khải và Vy thực hiện đề tài nghiên cứu này. Theo thầy Toàn, rối loạn trầm cảm ở học sinh tiềm ẩn dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là căn bệnh nguy hiểm nhưng chưa có nhiều nghiên cứu để cảnh báo hoặc đưa ra giải pháp khắc phục. Chính vì vậy, khi nghe Khải và Vy đề xuất đề tài, thầy đồng ý ngay.

Được thầy Toàn giúp đỡ, cố vấn, Khải và Vy bắt đầu lên kế hoạch và phân chia công việc. Thời gian nghiên cứu chỉ khoảng 3 tháng, trong khi ba thầy trò phải vừa cân bằng việc dạy và học ở trường, vừa chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ I. Để nắm rõ về căn bệnh này, Khải và Vy đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu trên sách, báo và mạng internet.

Là người đề xuất thực hiện đề tài, Yến Vy nhận định, trầm cảm đang là vấn nạn của xã hội hiện đại. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ cao nhất thường ở những người trẻ tuổi. Lứa tuổi học sinh THPT thường có nhiều biến đổi cả về thể chất và tâm thần. Vì thế, nếu các em mắc bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến năng lực học tập, giao tiếp, các mối quan hệ xã hội, sự phát triển và hoàn thiện tinh thần, tính cách.

Nếu rối loạn trầm cảm không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hệ quả không nhỏ không chỉ cho bản thân người bệnh, mà cả cho gia đình và xã hội. Ngược lại, việc phát hiện và điều trị sớm mang lại hiệu quả cao, cải thiện đáng kể tình trạng sức khoẻ, và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Mục đích của đề tài nghiên cứu này nhằm đánh giá những biểu hiện trầm cảm và một số rối loạn liên quan ở học sinh THPT trên địa bàn thành phố Tây Ninh, từ đó đề xuất những kiến nghị tăng cường hiệu quả phòng ngừa và hỗ trợ tâm lý đối với học sinh ở nhóm độ tuổi này.

Đề tài khảo sát, nghiên cứu trên 919 học sinh ở 4 trường THPT ở địa bàn Thành phố gồm Hoàng Lê Kha, Tây Ninh, Trần Đại Nghĩa và Lê Quý Đôn. Số lượng học sinh được khảo sát chỉ mang tính tương đối nhưng cũng phần nào phản ánh được tình trạng rối loạn trầm cảm ở học sinh THPT.

Đề tài nghiên cứu khoa học do Khải và Vy hoàn thành gồm 46 trang với đầy đủ các thông tin về căn bệnh trầm cảm. Để có cái nhìn tổng quan về căn bệnh rối loạn trầm cảm ở học sinh, nhóm Khải và Vy đã thu thập thông tin bằng bộ câu hỏi có sẵn, đối tượng trả lời trực tuyến được thiết kế trên mẫu Google Form.

Để đánh giá về dấu hiệu trầm cảm của học sinh, nhóm đã sử dụng mẫu Test Beck của Aeron Temkin Beck- một nhà tâm lý học người Mỹ, để sàng lọc đối tượng và đánh giá mức độ của trầm cảm. Mẫu Test Beck được ông và cộng sự xây dựng vào năm 1974, gợi ý từ những quan sát lâm sàng bệnh nhân trầm cảm, nhất là từ liệu pháp tâm thần. 

Ưu điểm của thang đánh giá này là sử dụng được ở cộng đồng, trường học. Thang đo này đã được đánh giá về tính giá trị và độ tin cậy đối với đối tượng vị thành niên ở Việt Nam. Các câu hỏi trong thang đo ngắn gọn và dễ sử dụng, được WHO công nhận để đánh giá trạng thái trầm cảm và hiệu quả của các phương pháp điều trị. Thang đo được dùng phổ biến tại Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia từ năm 1989.

Nhóm nghiên cứu chọn thời điểm phù hợp là sau khi thi học kỳ I để ít ảnh hưởng nhất đến thời gian học tập của học sinh tham gia khảo sát. Những học sinh tham gia sẽ được giải thích cơ bản đầy đủ mục đích, tính bảo mật của nghiên cứu, thời gian cần thiết để hoàn thành một phiếu điều tra; bên cạnh đó, nhóm còn kiểm đếm, thống kê ở một số tiêu chí cần thiết. Trắc nghiệm không phải là chẩn đoán xác định mà là tách lọc, phát hiện những cá thể có nguy cơ phát triển bệnh. Bước tiếp theo của sàng tuyển là theo dõi, chẩn đoán xác định và can thiệp sớm.

Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp và phân chia kết quả theo từng mục tiêu khác nhau, như mức độ ảnh hưởng theo học lực, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ, điểm số, suy nghĩ tiêu cực…

Trong đó, kết quả cho thấy tỷ lệ nữ (61,8%) mắc trầm cảm cao hơn nam (38,2%). Tỷ lệ học sinh có hoàn cảnh gia đình phức tạp dễ mắc bệnh trầm cảm hơn những gia đình bình thường. Bên cạnh đó, những học sinh có mối quan hệ xã hội rộng rãi, cởi mở cũng ít bị trầm cảm hơn. Các vấn đề về học lực, điểm số, cân nặng, sức khoẻ cũng là một trong những yếu tố gây trầm cảm ở học sinh.

Đặc biệt, về suy nghĩ tiêu cực, qua khảo sát có 43,3% học sinh thừa nhận “Có suy nghĩ về việc tự tử nhưng sẽ không thực hiện”; 2,4% học sinh “Muốn tự tử” và 3,4% học sinh thừa nhận “Nếu có cơ hội thì sẽ tự tử ngay”. Ngoài ra, qua phân tích có 43,2% học sinh không bị trầm cảm; 23,2% học sinh trầm cảm nhẹ; 24,8% học sinh trầm cảm vừa và 8,8% học sinh có dấu hiệu trầm cảm nặng. Đây được xem là những tỷ lệ đáng báo động.

Thầy Toàn, Khải và Vy trong thời gian thực hiện đề tài.

Mong muốn Báo động đến tất cả mọi người

Qua nghiên cứu này, Khải và Vy mong muốn báo động tình trạng “rối loạn trầm cảm ở học sinh” cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh và các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Thực tế, bệnh trầm cảm luôn tiềm ẩn trong mọi người và ở bất kỳ độ tuổi nào. Thế nhưng, ở lứa tuổi học sinh, các em còn quá nhỏ để hiểu và có biện pháp giải toả trầm cảm cho mình.

Khải và Vy đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm can thiệp kịp thời và hạn chế bệnh trầm cảm ở học sinh như: cần có sự quan tâm đúng mức của gia đình, nhà trường và xã hội về căn bệnh này; nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản về bệnh trầm cảm cho học sinh; nhà trường và gia đình thường xuyên tổ chức các hoạt động giải trí để các em học sinh giải toả căng thẳng, áp lực tâm lý trong học tập và xây dựng mối quan hệ với bạn bè xung quanh…

Trong đó, giải pháp mang tính thiết thực nhất là tăng cường sự quan tâm của những người thân trong gia đình. Bởi vì cha mẹ, anh chị em là những người gần gũi nhất với học sinh. Bất cứ những thay đổi về hành vi, cảm xúc của học sinh cũng sẽ dễ dàng nhận ra, nhưng hơn hết, các bậc phụ huynh cần thực sự chia sẻ, tìm hiểu mối quan tâm của các em, từ đó giúp các em giải toả tâm lý lo lắng, bất an.

Dù cuộc thi đã kết thúc, song nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu vẫn mong muốn các ngành chức năng có sự quan tâm và có cuộc khảo sát rộng rãi hơn để đánh giá đúng mức độ và tình trạng “rối loạn trầm cảm ở học sinh” trên địa bàn tỉnh. Từ đó có những liệu pháp hiệu quả cho căn bệnh thời đại này.

Lê Thuỳ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục