Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có trường hợp UBND xã đòi hỏi công ty phải lập biên bản vi phạm hành chính mới đồng ý xử lý cá nhân vi phạm. Do đó mà số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ bờ kênh chưa bị xử lý còn tồn đọng rất nhiều, dẫn đến nhiều cá nhân cứ “ung dung” vi phạm bất chấp các khuyến cáo từ công nhân thuỷ lợi.
Một công trình tạm vi phạm phạm vi bảo vệ bờ kênh tại xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh.
Theo Quyết định số 49/2013/QĐ-UBND ngày 7.11.2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi bao gồm phần diện tích mà công trình chiếm chỗ và vùng phụ cận.
Trong phạm vi vùng phụ cận của công trình thuỷ lợi, việc sử dụng đất phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và bảo đảm an toàn công trình; phải có đường đi lại để quan trắc, theo dõi, quản lý và có mặt bằng để tu bổ, sửa chữa và xử lý khi công trình bị sự cố.
Vi phạm nhiều
Theo nguồn tin từ Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh (Công ty Khai thác thuỷ lợi), Quyết định 49 của UBND tỉnh quy định cụ thể phạm vi vùng phụ cận đối với từng loại hệ thống kênh bao gồm các tuyến kênh nổi từ cấp 1 đến cấp 4 và các tuyến kênh chìm.
Tuy nhiên, trên nhiều tuyến kênh do công ty quản lý và khai thác vẫn còn xảy ra khá nhiều vụ vi phạm liên quan đến phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi. Các vi phạm chủ yếu do lịch sử để lại, trong đó phần nhiều là các hành vi trồng cây lâu năm, trồng trụ điện, xây hàng rào, nhà tạm...
Tính đến ngày 20.10.2017, tổng số hộ vi phạm là 874 hộ. Điều khó khăn là có đến 234 hộ vi phạm nhưng không thể xử lý vì đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ luôn cả diện tích phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi. Đối với 640 hộ có hành vi vi phạm còn lại, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương mới xử lý 42 hộ.
Theo đại diện Công ty Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, mặc dù phạm vi bảo vệ các tuyến kênh đang bị xâm hại nghiêm trọng nhưng công ty vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Hiện nay, còn có thực trạng là bờ kênh xuống cấp ngày càng nặng nề do xe tải chở nông sản lưu thông. Có đoạn bờ kênh đã bị hư hỏng, sụt lún gần 1m nên không thể đi lại.
Bờ kênh bị xâm hại tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm đối với hệ thống thuỷ lợi cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Nếu chẳng may một đoạn bờ kênh bị sạt lở, nước từ kênh sẽ gây ngập úng đất sản xuất của người dân. Tình trạng xâm hại phạm vi bảo vệ bờ kênh như trồng cây, xây cất công trình tạm, hàng rào, cột điện gây ảnh hưởng bờ kênh sẽ dẫn đến thiệt hại rất lớn, đòi hỏi phải sửa chữa rất tốn kém.
Khó xử lý
Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc thực hiện một số quy định pháp luật, nên Công ty khai thác thuỷ lợi gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Hiện nay, theo quy định, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực công trình thuỷ lợi là viên chức và công chức Nhà nước, còn nhân viên của công ty không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, mà chỉ có thể lập biên bản hiện trạng vi phạm rồi chuyển giao cho UBND xã nơi có cá nhân vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Thế nhưng, theo phản ánh từ phía công ty, trong thời gian qua, biên bản hiện trạng vi phạm đã được lập và gửi đến UBND xã nhờ xử lý, lại không nhận được sự hợp tác nhiệt tình từ chính quyền các địa phương. Có trường hợp UBND xã đòi hỏi công ty phải lập biên bản vi phạm hành chính mới đồng ý xử lý cá nhân vi phạm.
Do đó mà số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ bờ kênh chưa bị xử lý còn tồn đọng rất nhiều, dẫn đến nhiều cá nhân cứ “ung dung” vi phạm bất chấp các khuyến cáo từ công nhân thuỷ lợi.
Một vấn đề nan giải là hiện nay các hộ dân được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ luôn cả diện tích phạm vi bảo vệ bờ kênh, một số trường hợp đã cất nhà ở. Khi phát hiện, công ty đến làm việc, thì người dân đưa giấy chứng nhận QSDĐ và giấy phép xây dựng ra chứng minh việc cất nhà là hợp pháp nên công ty không thể xử lý.
Mặt khác, đường bờ kênh chỉ có tải trọng 3 tấn, nhưng nhiều tuyến kênh lại trở thành tuyến đường vận chuyển nông sản của người dân bằng xe tải, máy cày, nên dẫn đến hư hỏng nặng nề.
Đồng thời, theo quy định pháp luật, công nhân thuỷ lợi cũng không có thẩm quyền xử lý các xe tải lưu thông trên kênh, còn chính quyền địa phương lại “không mặn mà” xử lý, nên các bờ kênh mới sửa chữa chưa đầy năm lại tiếp tục hư hại.
Việc sửa chữa lại các tuyến đường bờ kênh đòi hỏi kinh phí không nhỏ nhưng không phải lúc nào công ty cũng có kinh phí. Mới đây, có 2 huyện có văn bản đề nghị công ty sửa chữa lại các tuyến đường bờ kênh nhưng công ty đành “bó tay”.
Được biết, Công ty Khai thác thuỷ lợi đã có văn bản kiến nghị việc xử lý tình trạng vi phạm an toàn của các tuyến kênh thuỷ lợi và những vấn đề còn vướng mắc đến cơ quan có thẩm quyền.
THIÊN TÂM