Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những ngày qua, người dân canh tác lúa tại cánh đồng Ba Cụm, thuộc địa bàn hai ấp Lộc Trung và Lộc Trị, xã Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng) phải huy động hàng chục máy bơm nước ra để cứu cả trăm ha lúa mới gieo sạ vụ Hè Thu năm 2025.

Điều đáng nói, tình trạng ngập úng này đã diễn ra từ nhiều năm qua, khiến việc canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Mặc dù các cơ quan chức năng từ tỉnh, tới địa phương đã tiến hành khảo sát, lập phương án xử lý nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện được.
Huy động tối đa máy bơm để cứu lúa
Ông Phạm Đình Đệ (ngụ khu phố Lộc Tiến, phường Lộc Hưng) phải huy động 3 máy bơm nước cứu lúa. Gia đình ông canh tác hơn 18 ha lúa tại cánh đồng Ba Cụm, thuộc ấp Lộc Trung, xã Hưng Thuận.
Chiều tối ngày 29.4, khu vực này xảy ra mưa lớn nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông và hàng chục hộ khác bị ngập úng cục bộ. Để bơm hút nước ra, ông đã huy động 5 máy bơm bằng xăng, chạy từ ngày 29.4 đến nay, hiện chỉ còn 3 máy hoạt động, 2 máy còn lại bị hư hỏng do phải hoạt động liên tục nhiều ngày liền.
Theo ông Đệ, khu vực cánh đồng Ba Cụm rộng hàng trăm ha, nằm dọc theo tuyến kênh chính Đông. Do cao độ mặt ruộng trũng thấp nên phần cặp bờ kênh chính Đông có hình thành một kênh tiêu. Tuy nhiên, qua nhiều năm, dòng kênh bị bồi lắng, cây cối mộc hoang hoá.
Bên cạnh đó, nhiều người dân tự ý lắp đặt cống ngang kênh, thậm chí một số hộ chăn nuôi vịt còn lắp rào chắn ngang để làm trại nuôi vịt, gây cản trở dòng chảy. Mỗi khi có mưa lớn, nước không có đường rút, gây ngập úng cục bộ nhiều năm qua.

Nông dân Bùi Văn Bon (sinh năm 1953), ngụ ấp Lộc Trung, xã Hưng Thuận cho biết, gia đình ông có gần 1 ha lúa tại cánh đồng Ba Cụm, vụ lúa Hè Thu năm nay mới xuống giống được 5 ngày thì bị nước nhấn chìm toàn bộ. Hiện tại, ông cùng với các hộ khác phải tập trung hàng chục máy để bơm nước liên tục ra kênh tiêu cứu lúa. Thế nhưng, do nhiều vật cản (cống nhỏ, lưới rào chắn dính rác, cành cây) nên mực nước trong kênh cao hơn mặt ruộng, nước bơm thoát ra rất chậm, một phần bị thấm ngược trở lại ruộng.
Chia sẻ thêm về tình trạng ngập úng tại cánh đồng Ba Cụm, ông Bon cho rằng, những năm qua, có nhiều người từ nơi khác đến mua đất ven tuyến kênh chính Đông để lập vườn, trại chăn nuôi, trong đó, có những hộ tự ý lắp đặt cống tiêu ngang kênh rồi xây rào lên trên. Những hộ làm trại nuôi vịt cố ý lắp rào bằng lưới kẽm B40 ngang kênh, hạn chế dòng chảy để trữ nước làm nơi nuôi nhốt vịt, khiến cho tình trạng ngập úng tại cánh đồng này cứ tái diễn liên tục.
Không khỏi bức xúc về tình trạng ngập úng cứ lặp đi lặp lại nhiều năm qua, ông Phùng Văn Hân (65 tuổi), nông dân canh tác lúa tại cánh đồng Ba Cụm cho biết, mặc dù nằm cạnh bờ trái của tuyến kênh chính Đông nhưng cánh đồng này như cái "rốn" ngập nước, cả cánh đồng hơn 100 ha nhưng chỉ có một tuyến kênh tiêu duy nhất nằm cạnh bờ kênh chính Đông và còn bị lấn chiếm. Người dân đã nhiều lần có ý kiến, đề nghị cơ quan chức năng xử lý những trường hợp tự ý đặt cống, làm chuồng chăn nuôi vịt nhưng không biết vì lý do gì đến nay vẫn chưa được giải quyết?
Địa phương cũng chờ?
Trao đổi qua điện thoại, ông Phan Văn Rớt– Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thuận cho biết, qua thống kê, trên địa bàn có khoảng 30 ha lúa mới gieo bị ngập trong đợt mưa cuối tháng 4.2025. Tình trạng ngập úng tại cánh đồng Ba Cụm đã diễn ra từ nhiều năm qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, người dân đã nhiều lần có ý kiến.

Ông Nguyễn Viết Kiên– Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Trảng Bàng cho biết, cuối năm 2023, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) kết hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam (đơn vị quản lý, vận hành khai thác công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà, trong đó có tuyến kênh chính Đông), UBND thị xã Trảng Bàng và xã Hưng Thuận đã tiến hành khảo sát tình hình ngập úng tại khu vực cánh đồng Ba Cụm, tình hình tiêu thoát nước của tuyến kênh tiêu N23-2-2T nhằm bảo đảm việc tiêu thoát nước, nhất là trong mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Quang Vinh– Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, sau đợt khảo sát thực tế và làm việc với các đơn vị có liên quan, lãnh đạo Sở thống nhất đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam xin chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để nạo vét, cải tạo tuyến kênh N23-2-2T nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại cánh đồng Ba Cụm.
Lãnh đạo Sở cũng đề nghị chính quyền địa phương thực hiện vận động, giải toả tình trạng tự ý lắp đặt cống ngang kênh không đồng bộ theo đúng quy cách công trình thuỷ lợi và rào chắn gây cản trở dòng chảy của kênh tiêu N23-2-2T.
Sẽ nạo vét kênh N23-2-2T trong tháng 7.2025
Ông Trần Quang Hùng– Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi miền Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của cơ quan cấp trên đồng ý để Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi miền Nam thực hiện sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp, bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ, trong đó, có tuyến kênh N23-2-2T bằng nguồn vốn từ nguồn kinh phí hỗ trợ phòng chống lụt bão năm 2024 của tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, do đây không phải là khoản kinh phí ngân sách Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp cho công ty, vì vậy, trong quá trình thực hiện, công ty đã có văn bản gửi Bộ, UBND tỉnh Tây Ninh và Sở Tài chính về việc hướng dẫn sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng chống lụt bão năm 2024 của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện tại các văn bản trả lời vẫn chưa được cụ thể, chi tiết để công ty thực hiện các thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán kinh phí theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật hiện hành.

Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nêu trên, kịp thời triển khai thực hiện sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp, bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ, ngày 4.4.2025 vừa qua, công ty tiếp tục có văn bản đề nghị Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể về hồ sơ quyết toán kinh phí, bao gồm các tài liệu cần nộp và các bước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, xác định rõ vai trò của UBND tỉnh Tây Ninh, Sở Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cũng như quy trình xét duyệt quyết toán ngân sách Nhà nước.

Theo ông Hùng, trong trường hợp Sở Tài chính sớm có hướng dẫn thực hiện những nội dung trên, phía Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi miền Nam sẽ triển khai việc nạo vét, khơi thông tuyến kênh N23-2-2T trong tháng 7.2025.
Nguyên An