Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Bao giờ mới có 200 ha vùng nguyên liệu mây tre?
Thứ bảy: 05:09 ngày 29/10/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với tiến độ triển khai chậm chạp như hiện nay thì không biết đến bao giờ 200 ha đất dự kiến trồng mây tre trên địa bàn tỉnh mới thực hiện được (?!).

Ngày 18.2.2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre. Trong đó, mục đầu tiên của chương nói về quy hoạch phát triển ngành mây tre là quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mây, tre. Ở Tây Ninh, từ tháng 5.2009 vấn đề phát triển ngành mây tre nói chung và phát triển vùng nguyên liệu mây tre nói riêng đã được đề cập trong Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Qua hơn 2 năm thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và hơn nửa năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre của Thủ tướng Chính phủ, vùng nguyên liệu mây tre ở Tây Ninh vẫn chưa hình thành.

Nghề sản xuất mây tre ngày càng khó khăn

Nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng từ nguyên liệu mây tre đã hình thành và phát triển trên đất Tây Ninh khá lâu đời. Đây là một trong những ngành nghề truyền thống ở Tây Ninh cần được bảo tồn và phát triển. Thế nhưng trong những năm gần đây, ngành nghề mây tre đan hoạt động ngày càng khó khăn, trong đó có không ít hộ đã từng theo nghề nhiều năm cũng đành phải bỏ nghề. Trước đây, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn hộ làm nghề mây tre đan, nhưng những năm gần đây toàn tỉnh chỉ còn  hơn 700 hộ với khoảng 7.000 lao động làm nghề mây tre, tập trung nhiều nhất là ở các xã Long Thành Trung, Long Thành Nam, Trường Đông thuộc huyện Hoà Thành và ở các xã An Hoà, An Tịnh thuộc huyện Trảng Bàng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho số hộ hành nghề mây tre ngày càng giảm sút là do nguyên liệu mây tre ngày càng cạn kiệt.

Để tạo tiền đề cho ngành mây tre phát triển, trong quy hoạch ban hành năm 2009 có đề xuất quy hoạch khoảng 200 ha đất trồng cây tầm vông tại các xã Biên Giới, Hoà Thạnh, Thành Long và Ninh Điền thuộc huyện Châu Thành và trồng thêm các loại tre, trúc dọc biên giới. Sở dĩ các chuyên gia đề xuất chọn các khu vực này để trồng nguyên liệu mây tre là do trước đây những khu vực này đã từng trồng có hiệu quả. Ngoài việc trồng vùng nguyên liệu tập trung, các chuyên gia cũng đề xuất ngành chức năng và các địa phương vận động các hộ dân cải tạo vườn tạp nên chọn cây tầm vông là cây trồng chính, đồng thời tận dụng tất cả các khoảnh đất “đầu thừa, đuôi thẹo” để trồng các loại mây tre. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, việc quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển mây tre theo định hướng vẫn chưa thực hiện.

Thực trạng thiếu nguyên liệu mây tre ảnh hưởng đến ngành sản xuất mây tre ngày càng nghiêm trọng- không chỉ xảy ra ở Tây Ninh mà ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Để thiết thực tạo điều kiện và hỗ trợ ngành mây tre phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2011/QĐ-TTg ngày 18.2.2011 về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre. Trong đó, Nhà nước khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu mây tre tự nhiên và trồng tập trung trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc các trạng thái IA, IB, IC được quy hoạch phát triển rừng sản xuất, rừng phòng hộ; các loại đất chưa sử dụng, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất không trồng được các loại cây khác. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng nguyên liệu mây tre gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Để khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu, Quyết định 11/2011/QĐ-TTg quy định UBND cấp tỉnh tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, dành quỹ đất cho phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến công nghiệp và làng nghề sản xuất hàng mây tre. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng mây tre và phát triển sản xuất, kinh doanh hàng mây tre được hưởng ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Ngoài ra, các hộ trồng mây tre cũng được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư. Cụ thể là trồng rừng mây tre tập trung trên đất trống, đồi núi trọc là rừng sản xuất trong vùng quy hoạch phát triển nguyên liệu mây tre được hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước và trồng mây tre phân tán trong vùng quy hoạch phát triển nguyên liệu thì được hỗ trợ 100% tiền mua cây giống lần đầu. Về tín dụng, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng mây tre; chế biến, tiêu thụ và cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất hàng mây tre được vay vốn tín dụng theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010 của Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước cũng hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện: điều tra trữ lượng, diện tích các giống mây tre; nghiên cứu và thử nghiệm giống mới, tổ chức khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống mây tre nhằm tuyển chọn các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống mây tre. Các đối tượng đầu tư trồng rừng nguyên liệu mây tre cũng được hưởng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 55/2010/QH12 ngày 24.11.2010 của Quốc hội…

Nguyên liệu mây tre ngày càng khan hiếm

Như vậy, đến đầu năm 2011, ngoài định hướng phát triển vùng nguyên liệu mây tre theo Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh còn có thêm Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre- trong đó có lĩnh vực trồng nguyên liệu mây tre tập trung và phân tán. Đầu tháng 3.2011, UBND tỉnh đã có văn bản gửi tất cả các sở, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay- sau hơn nửa năm có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, việc khảo sát, đánh giá và lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mây tre nói riêng và cả ngành sản xuất mây tre nói chung vẫn chưa được triển khai.

Tất cả những yếu tố cần thiết cho việc phát triển vùng nguyên liệu mây tre trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có- từ định hướng đến các chính sách khuyến khích. Thế nhưng theo tiến độ triển khai chậm chạp như hiện nay thì không biết đến bao giờ 200 ha đất dự kiến trồng mây tre trên địa bàn tỉnh mới thực hiện được (?!).

SƠN TRẦN

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục