Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bao giờ tôi được an cư lạc nghiệp?

Cập nhật ngày: 06/06/2012 - 11:18

Khi còn là giáo sinh của Trường cao đẳng Sư phạm, tôi và đám bạn học cùng lớp có với nhau không biết bao nhiêu kỷ niệm. Hoàn cảnh mỗi đứa một khác nhau, nhưng chúng tôi đều rất gắn bó, đoàn kết. Ba năm thắm thoát trôi qua thật nhanh, nhìn lại thời sinh viên tuy không có cuộc sống đầy đủ nhưng mình và cả đám bạn đều thật vô tư. Mọi khó khăn trong cuộc sống cứ lặng lẽ trôi theo mỗi bước chân đến trường. Nụ cười luôn tươi thắm trên môi với nhiều trò đùa nghịch rất vô tư. Rồi chúng tôi cũng nghĩ tới tương lai, nhưng lúc đó chúng tôi có những suy nghĩ rất đơn giản: Ra trường mình sẽ là những thầy cô giáo, lại được gắn bó với trường, với lớp, gắn bó với những lứa học trò tinh nghịch như mình bây giờ, còn gì vui hơn nữa? Cứ như thế, chúng tôi háo hức chờ đợi ngày được đứng trên bục giảng với bao niềm hân hoan và tràn đầy hy vọng về cuộc sống.

Cô và trò Trường tiểu học Đồng Kèn (Tân Châu). Ảnh chỉ có tính minh hoạ

Sau khi ra trường, bạn bè chúng tôi chia tay nhau mỗi người một ngả. Buồn, nhưng cũng vui vì ước nguyện chừng như đã thành hiện thực, chúng tôi đã trở thành những người thầy, người cô thực sự.

Tôi được điều động về Tân Châu. Bắt tay vào công việc, tuy ngỡ ngàng, mới mẻ nhưng nhiệt huyết của lớp trẻ mới vào nghề không vì thế mà nguội lạnh. Mọi nhiệm vụ được giao, tôi luôn cố gắng hoàn thành ở mức độ cao nhất. Nhưng có làm mới biết, mọi chuyện không giống như chúng tôi thường nghĩ khi còn là sinh viên. Công việc đòi hỏi chúng tôi một tầm hiểu biết nhất định, độ nhạy bén và sự linh hoạt trong các tình huống sư phạm. Nhìn chung áp lực công việc rất nhiều.

Áp lực công việc ngày càng tăng, hồ sơ sổ sách ngày càng nhiều, rồi thì thay đổi này, thay đổi khác. Giáo viên chúng tôi luôn phải xoay chuyển liên tục để phù hợp với những quy định được thay đổi dường như liên tục của ngành.

Công việc là vậy, chế độ, lương bổng càng làm cho tôi thêm nhiều suy nghĩ về con đường mình đã chọn. Cơm áo gạo tiền trong thời buổi khó khăn làm tôi không còn dồn hết tâm trí cho công việc. Đến nay, tôi công tác được 4 năm nhưng tính ra ngày lương của tôi còn thấp hơn ngày công của anh culi làm hồ trình độ chưa hết lớp 5. Lập gia đình, cuộc sống của tôi lại thêm phần khó khăn hơn. Nhà tôi ở Thị xã (mang tiếng là ở Thị xã nhưng cả nhà tôi đều sống nhờ quán hủ tiếu chỉ bán buổi sáng trên vỉa hè của mẹ). Vợ tôi quê ở tận Gò Dầu. Hai vợ chồng lên Tân Châu giảng dạy, phải ở nhờ nhà của một người dân. Dạy thêm để cải thiện thu nhập thì không được phép, lại không thể tìm việc làm thêm tại địa phương mình dạy học. Không nhà ở, không có đất canh tác, cuộc sống vợ chồng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương còm cõi hằng tháng. Tháng nào chi tiêu linh hoạt may ra thì vừa đủ, còn thì cứ thiếu trước hụt sau. Vòng xoáy cuộc sống càng làm tôi thêm chán nản.

Sáng hôm ấy, sau buổi họp hội đồng, tôi gần như không thể tập trung vào một việc gì được bởi một công văn của Phòng Giáo dục vừa ban hành. Theo công văn, quy định giáo viên muốn chuyển công tác ngoài huyện thì phải có thời gian công tác ở Tân Châu ít nhất là 10 năm. Trong đó 5 năm cuối phải có 3 năm là lao động tiên tiến, 2 năm cuối liên tục là chiến sĩ thi đua. Những trường hợp đặc biệt mặc dù chưa đủ điều kiện nhưng xét thấy phải chuyển thì hiệu trưởng có tờ trình nêu lý do gửi lãnh đạo Phòng Giáo dục xem xét.

Mọi thứ như sụp đổ dưới chân tôi. Sự chán nản, thất vọng xâm chiếm con người tôi. Tôi vẫn còn yêu nghề, tôi luôn say mê quan sát những trò chơi ngộ nghĩnh của đám học trò nhỏ. Nhưng cuộc sống của tôi rồi sẽ ra sao nếu cứ mãi trôi nổi như thế này?

Không biết Phòng Giáo dục Tân Châu tính như thế nào để quy định thời gian công tác và thành tích làm cơ sở cho công tác thuyên chuyển như thế? Thời gian 10 năm là quá dài, sẽ làm lỡ dở cuộc sống của giáo viên. Vì hầu như giáo viên muốn chuyển công tác không phải muốn chuyển là chuyển được liền, ít nhất cũng phải mất từ 3-5 năm mới được. Bên cạnh đó, những giáo viên xin chuyển công tác thường là hoàn cảnh khó khăn. Mà hoàn cảnh khó khăn thì làm sao có điều kiện đạt được những thành tích như công văn yêu cầu? Như vậy phải cần khoảng từ 13-15 năm giáo viên mới có thể về gần nhà để ổn định công tác cũng như xây dựng kinh tế. Ở lại với đồng lương teo tóp còn thiếu lên hụt xuống, giáo viên bao giờ mới có đủ điều kiện mua đất định cư? Mua đất định cư rồi bao giờ mới có đủ điều kiện cất nhà? Còn nếu chuyển được về gần nhà thì tính ra tuổi đời chắc cũng trên dưới 40. Lúc này thì cũng lại chỉ sống dựa vào đồng lương vì không còn điều kiện để xây dựng kinh tế gia đình được nữa.

Như vậy vợ chồng tôi sẽ phải tiếp tục cuộc sống ở nhờ ở đậu ít nhất 8-10 năm nữa và vợ tôi sẽ phải “hoãn đẻ” ít nhất trong khoảng 8 năm (để bảo đảm thành tích?).

Những trường hợp đặc biệt tại sao Phòng không liệt kê ra cho rõ ràng mà lại để câu thòng như vậy? Trước khi tôi về Tân Châu công tác, nghe nói chỉ giảng dạy với thời gian là 5 năm thì được chuyển ngoài huyện. Nay bỗng chốc lên 10 năm, vậy lời nói 5 năm có được áp dụng đến khi công văn mới có hiệu lực không?

Có an cư mới lạc nghiệp, đồng lương thì thấp, mỗi lần con cái bệnh đau phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền chạy chữa thuốc thang, nhìn cha mẹ già yếu mà chẳng lo lắng được gì, trong khi đó chúng tôi còn “được” đòi hỏi phải đạt thành tích này nọ, phải tận tuỵ, phải cống hiến…

Ước muốn bình dị nhất của tôi là được gần nhà để có thời gian phụ mẹ dần tan biến. Mẹ tôi ngày càng tiều tuỵ vì cuộc mưu sinh.

Tôi phải chọn đường nào đây?

V.N