BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bao giờ trở lại rừng xưa ? 

Cập nhật ngày: 01/05/2019 - 08:59

BTN - Ðây là những cánh rừng đa hệ sinh thái, ba tầng tán lá xanh che kín bầu trời, lớp lớp cây cổ thụ đan xen, đa dạng gỗ quý như cẩm lai, căm xe, gõ đỏ, giáng hương, thao lao… nhiều nhất là rừng dầu, nhưng nơi nào cũng có cây cầy (kơ-nia) và cây chai xen lẫn.

Bếp Hoàng Cầm trong Căn cứ CPCMLTCHMNVN.

Sau chuyến về Tây Ninh tháng 12.1983, Xuân Diệu viết: “1. Tây Ninh, Tây Ninh- mỗi chốn tôi đi/ Lịch sử ngân lên tiếng diệu kỳ/ Cách mạng miền Nam từng bước vững/ Ðất thiêng này cho muôn thuở còn ghi/ 2. Tôi hái một cành le trong chiến khu ngày trước/ Tôi đến soi gương vào giếng cũ trong rừng/ Có thể lẫn hình cây, không thể lầm dáng nước/ Con mắt trời, con mắt đất nhìn ta…”.

 

Cành le nhà thơ đã hái ấy chính là ở di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nơi còn những: “bếp Hoàng Cầm cỏ mọc lơ thơ…”. Những năm ấy, Tây Ninh đang phải khôi phục những mất mát, đau thương sau cuộc chiến đấu chống quân Khmer đỏ. Vùng đất chiến khu còn nguyên đó, cũng chưa thành di tích.

Ngày nay, di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 548/QÐ-TTg ngày 10.5.2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, di tích này gồm 3 địa điểm: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN); Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tây Ninh là địa bàn chiến lược rất quan trọng, với địa hình rừng núi trải dài theo biên giới Việt Nam - Campuchia, dễ dàng liên thông với Nam Trung bộ và Tây Nam bộ. Nhân dân có truyền thống yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Ðó là điều kiện để Trung ương chỉ đạo xây dựng hệ thống căn cứ địa liên hoàn, tạo thế vững chắc cho các lực lượng kháng chiến.

Kể từ tháng 2.1962, hầu hết các cơ quan thuộc Trung ương Cục đều được chuyển về các khu căn cứ ở Bắc Tây Ninh. Căn cứ Trung ương Cục đặt ở rừng Chàng Riệc, cách TP. Tây Ninh khoảng 62km. Trong cánh rừng này có di tích Căn cứ MTDTGPMNVN ở khu vực Suối Chò, cách TP. Tây Ninh 54km. Cả hai nay thuộc về ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Còn di tích Căn cứ Chính phủ CMLTCHMNVN, sinh sau đẻ muộn nhất, vào ngày 6.6.1969, nay thuộc về ấp Tân Hoà, cùng xã thuộc về vùng đệm của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Tại cả ba khu di tích trên, nhiều công trình đã được phục chế đúng như nguyên gốc với hệ thống đường mòn, hầm trú ẩn, giao thông hào, bếp ăn, giếng nước, nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo… Tại di tích Căn cứ Chính phủ còn có cả hội trường lớn và nhà của Ðại sứ quán Cu Ba. Tất cả đều được phục chế bằng cột bê tông giả cây, mái lá trung quân cùng các phương tiện làm việc, nơi ăn ở rất đơn sơ, giản dị.

Ngoài ra, ở di tích Căn cứ nào cũng có khu tưởng niệm, gồm các nhà trưng bày, đón tiếp và quản lý. Khu tưởng niệm của di tích Căn cứ Trung ương Cục có cả một quảng trường rộng với vườn hoa thảm cỏ công viên. Ðặc biệt nổi bật ở quảng trường này là bức tranh hoành tráng mô tả toàn bộ các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tranh có bề rộng 8m, dài 42m, tạo hình hoàn toàn bằng gốm sứ. Phía sau tranh, nổi bật lên những dáng cây cổ thụ của rừng xưa.

Suối Chò chảy qua khu Căn cứ MTDTGPMNVN.

Ðiều đáng kể nữa là, tại các khu di tích đều chú trọng việc bảo tồn rừng nguyên sinh cùng với hệ sinh thái đặc sắc của rừng Ðông Nam bộ. Ðấy là những trảng trống giữa rừng, mùa mưa thường ngập nước kéo về nhiều bầy chim cò di trú. Rừng có nhiều tầng cây che phủ, bóng kơ-nia vẫn ngạo nghễ giữa trời cao. Các loại cây dầu, vên vên, cám, bằng lăng… vấn vít dây rừng và phong lan các loại. Bên bờ suối Chò vẫn còn nhiều cây bằng lăng cổ thụ, với gốc xoè bạnh ra, ngời trắng như men sứ. Lá trung quân mướt xanh như những bàn tay chào vẫy khách đi qua…

Ðể dễ hình dung, xin đọc lại những hồi ức của ông Ðỗ Doãn Bình, nguyên Phó Phòng Văn thư lưu trữ, Văn phòng Trung ương Cục miền Nam- người đã có mặt nơi đây từ năm 1963: “Ðây là những cánh rừng đa hệ sinh thái, ba tầng tán lá xanh che kín bầu trời, lớp lớp cây cổ thụ đan xen, đa dạng gỗ quý như cẩm lai, căm xe, gõ đỏ, giáng hương, thao lao… nhiều nhất là rừng dầu, nhưng nơi nào cũng có cây cầy (kơ-nia) và cây chai xen lẫn.

Tầng giữa là không gian của các chủng loại dây thân leo, nhiều nhất là dây gùi và các loại mây rừng. Chúng xoắn xuýt, bám quện vào nhau, bám vào những thân cây cổ thụ vài người ôm mới giáp mí và bò lên tận tán lá tầng cây cổ thụ. Vào mùa xuân hè, hoa quả ngát hương và chín mọng, màu vàng, đỏ của hoa phong lan, của quả gùi, quả trường và dâu da… trên những tầng cao tô đẹp cả cánh rừng; mùa thu đông lại có các quả bứa, sấu, xoài mút, trái cây rơi rụng làm nhớp nháp cả vùng…

Không gian luôn bao trùm trong âm thanh muôn loài đan xen phát lên bản nhạc êm dịu, du dương, vi vu, vi vút, hoà theo tiếng suối reo róc rách vào mùa hè hay ầm ĩ gầm rú vào mùa mưa, và hoà lẫn cả các thứ tiếng côn trùng rên rĩ rả rích, tiếng ve chuông mơ mộng, tiếng vượn hú, tiếng chim líu lo ríu rít suốt ngày; ban đêm vắng lặng chỉ còn tiếng thú ăn đêm xen lẫn tiếng động của các loài rình mò săn bắt mồi từ lúc trời chập choạng tối, phát nghe âm thanh rợn gáy.

Thời này còn rất nhiều thú dữ như cọp, beo, gấu, heo rừng, cá sấu, voi… nhưng cũng nhiều loại sinh vật hiền lành như nai, miễn, nhát như thỏ, cheo; nhiều loài sống đông đảo thành bầy trên tầng cây cao chót vót như dọc, tầm vông, khỉ, cà khu hay các loài gặm nhấm như chồn, sóc, nheng; nhiều loài bò sát như các loài rắn độc, trăn to (có thể quấn chết người); nhưng độc nhất là rắn chàm quạp, thân nhỏ bằng chiếc đũa ăn cơm, nhưng cực kỳ độc…”.

Vậy mà rừng căn cứ từng bị phá hoại bằng pháo bầy, bom B52, chất độc da cam và cả nhiều cuộc càn khủng khiếp như Junction City lớn nhất toàn bộ chiến tranh miền Nam trong mùa khô 1966-1967. Căn cứ địa này vẫn hiên ngang đứng vững, như một câu thơ Chế Lan Viên đã viết: “Ðội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng”. Với sự cố gắng của người Tây Ninh, nhất định sẽ có ngày khung cảnh rừng xưa sẽ trở lại trên các vùng rừng của Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

TRẦN VŨ