Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bỏ chứng chỉ viên chức:
Bao giờ và như thế nào ?
Thứ tư: 17:08 ngày 20/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với những thông tin nêu trên, quy định về văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng chắc chắn sẽ có sự thay đổi theo hướng đơn giản, thực chất hơn. Vấn đề đặt ra, bao giờ làm và làm như thế nào? Câu hỏi này tưởng đơn giản nhưng thật ra cũng khó trả lời thoả đáng.

Thí sinh dự thi viên chức.

Theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, ông Lê Vĩnh Tân cam kết, năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, sẽ sửa ngay để thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ hồ sơ thủ tục nào.

Bất cập trong các quy định văn bằng, chứng chỉ hiện nay, theo Bộ Nội vụ, là chưa phân được loại nào là cần, loại nào là đủ mà gom hết lại theo kiểu cào bằng, hồ sơ tuyển dụng viên chức của ai cũng giống nhau về các loại chứng chỉ. Chính vì thế, trong đề án vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương Đảng đang xây dựng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học sẽ được quy định cho phù hợp với từng vị trí chứ không cào bằng như hiện nay.

“Tôi xin hứa với đại biểu Quốc hội sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi được thông qua, chúng tôi sẽ sửa các quy định để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đi vào thực chất, quan trọng là chúng ta có đạt được trình độ để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình hay không”- lãnh đạo Bộ Nội vụ phát biểu và được báo chí tường thuật.

Lãnh đạo Bộ này cũng thông tin, trong tương lai gần, việc tuyển dụng công chức, viên chức sẽ thay đổi theo tinh thần hạn chế những yêu cầu về các loại văn bằng, chứng chỉ. Thay vào đó, có thể thành lập các trung tâm, tổ chức kiểm định và thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức, viên chức trên phạm vi cả nước và theo khu vực, ngành nghề. Các ứng viên sau khi đã được chứng nhận chất lượng đầu vào thì cơ quan tuyển dụng công chức, viên chức chỉ cần phỏng vấn xem có phù hợp với vị trí việc làm hay không. Các trung tâm, tổ chức được giao nhiệm vụ kiểm định sẽ chỉ kiểm tra khả năng thực tế của các ứng viên.

Với những thông tin nêu trên, quy định về văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng chắc chắn sẽ có sự thay đổi theo hướng đơn giản, thực chất hơn. Vấn đề đặt ra, bao giờ làm và làm như thế nào? Câu hỏi này tưởng đơn giản nhưng thật ra cũng khó trả lời thoả đáng.

Điều kiện đăng ký dự tuyển:

Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:

Có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm; đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ; đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật (trích Điều 22 Luật Viên chức năm 2010).

Như Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, để bổ nhiệm một công chức, hiện cần tới 7 cái văn bằng, chứng chỉ khác nhau. Trong đó, có những quy định đã hơn 26 năm, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, như vậy, câu chuyện “tinh giản hồ sơ” trong tuyển dụng viên chức, công chức đã tồn tại hơn 5 nhiệm kỳ. Với những ai có điều kiện theo dõi, không khó để nhận thấy, các quy định về văn bằng, chứng chỉ thật sự chỉ “nở rộ” vào đầu những năm 2000, đặc biệt là hai loại chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Các trung tâm đào tạo, trường học (trung cấp, cao đẳng, đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên…) càng “ăn nên làm ra” khi Luật Viên chức năm 2010 có hiệu lực.

Chưa hết, những năm gần đây, hàng loạt thông tư của nhiều bộ quy định rất nhiều loại chứng chỉ khác nhau. Những người làm công ăn lương trong khu vực công lập chắc chưa quên, thời gian đầu (những năm 2000), hồ sơ tuyển dụng viên chức, công chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ theo ba bậc với thứ tự tăng dần, gồm các loại chứng chỉ A, B, C. Chứng chỉ tin học cũng tương tự như vậy.

Sau này, tuỳ từng địa phương, có nơi vẫn yêu cầu các loại chứng chỉ A, B, C những nhiều địa phương “nâng cao” bằng cách không nhận các loại chứng chỉ vừa nêu. Thay vào đó là các loại chứng chỉ mới với tên gọi “khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam có tham chiếu chuẩn châu Âu”. Không cần có chuyên môn cũng biết, các loại chứng chỉ mới có yêu cầu (về trình độ) cao hơn nhiều so với chứng chỉ cũ.

Các loại chứng chí “chuẩn châu Âu” được chia làm 6 cấp độ, gồm A1, A2, B1, B2, C1, C2. Theo phân tích của nhiều giáo viên hoặc cán bộ quản lý nhưng trước đó từng là giáo viên dạy ngoại ngữ, những người nào thi đậu chứng chỉ B2 là có thể đủ vốn từ, kiến thức để dạy được tiếng Anh trên khắp thế giới, với điều kiện, thi thật và học thật.

Nhưng thực tế cho thấy, sự thúc bách trong hoàn thiện hồ sơ để dự thi, xét tuyển viên chức đã khiến cho không ít ứng viên tìm cách sở hữu các loại chứng chỉ “chuẩn châu Âu” trong một thời gian rất ngắn. Lúc mới “du nhập” vào Việt Nam, hệ thống chứng chỉ này được nhìn nhận là rất có giá trị. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, những chứng chỉ này, thẳng thắn nhìn nhận, cũng không hơn gì các loại chứng chỉ A, B, C.

Có vô số nguyên nhân khiến cho những loại chứng chỉ không có giá trị, trong đó có chuyện “học nhưng không hành”, tức là, những ứng viên dự thi chỉ “sắm” chứng chỉ theo yêu cầu của cơ quan tuyển dụng, còn hoàn toàn không sử dụng kiến thức trong thực tế.

Không chỉ ngoại ngữ và tin học, hồ sơ tuyển dụng, đặc biệt là hồ sơ bổ nhiệm công chức còn yêu cầu nhiều loại chứng chỉ, văn bằng khác (không tiện nêu ra ở đây). Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV (kỳ họp đang diễn ra), một đại biểu TP. Đà Nẵng đã khá tế nhị nhưng không kém phần thẳng thắn khi bà nêu câu hỏi, các loại chứng chỉ (kể cả ngoại ngữ và tin học) có phải được bày ra để nuôi sống các cơ sở cung cấp chứng chỉ hay không?

Chuyện văn bằng, chứng chỉ (không thực chất) chính là biểu hiện cụ thể của văn hoá hình thức. Một lớp tập huấn vài ngày, có khi một ngày cũng được cấp chứng chỉ. Thật ra, hình thức không hẳn xấu, vì hình thức phản ánh nội dung. Nhưng quá nặng về chủ nghĩa hình thức dẫn đến nhiều chuyện không hay.

Tóm lại, dù Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thể hiện “quyết tâm chính trị” cao nhưng để loại bỏ, quét sạch hàng loạt chứng chỉ là điều không đơn giản.

VIỆT ĐÔNG

“Tôi đồng ý với quan điểm của nhiều ĐBQH và kể cả những người trong cuộc về vấn đề bổ nhiệm, đề bạt, tuyển dụng… việc quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ chỉ là hình thức và giống như một loại giấy phép con. Tôi ví dụ một sinh viên với bằng tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ và tin học, nhưng khi tuyển viên chức, cán bộ, công chức vẫn đòi hỏi phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Tôi cho rằng điều đó quá phi lý. Vì thế, tôi hoan nghênh việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận những bất cập kéo dài hàng chục năm trời về việc đòi hỏi văn bằng, chứng chỉ. Theo tôi biết, thực tế hiện nay, nhiều người có hàng chục cái văn bằng, chứng chỉ, nhưng có thực chất hay không thì khó mà biết được. Năng lực của người cán bộ, công chức không thể chỉ dựa vào đó.

Thế nên tôi thấy Bộ trưởng hứa năm 2020, việc đánh giá năng lực cán bộ sẽ đi vào thực chất, bỏ văn bằng chứng chỉ, đánh giá trực tiếp bằng năng lực làm việc thì rất đáng hoan nghênh. Đặc biệt, tôi ủng hộ cán bộ công chức ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa không cần thiết phải có bằng cấp ngoại ngữ vì họ đã có tiếng dân tộc của mình. Vì vậy, tôi cũng như nhiều cử tri mong rằng Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ giữ đúng lới hứa”.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương trả lời phỏng vấn báo chí.

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh