Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xe buýt công cộng:
Bao giờ văn minh?
Thứ ba: 16:14 ngày 29/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dù là phương tiện vận tải hành khách công cộng quan trọng, nhưng từ nhiều năm qua, hầu như chưa bao giờ hành khách cảm thấy xe buýt thật sự văn minh, hiện đại. Tại kỳ họp thứ 10, HĐND khoá IX, một số đại biểu cho rằng, loại hình dịch vụ vận tải này vẫn còn nhiều bất cập.

Hàng hoá, xe đạp đều được đưa lên khoang hành khách của xe buýt.

Những chuyến xe “4 không”

Không điều hoà, không vé, không an toàn và… không văn minh, đó là những “đặc trưng” của xe buýt Tây Ninh. 14 giờ ngày 25.12.2018, tôi lên chiếc xe buýt 70B-013.xx, tuyến Tây Ninh - Củ Chi. Trên xe có khoảng 5, 6 hành khách cười nói rôm rả.

Khi chuẩn bị xuất bến, nhân viên bán vé có vẻ khó chịu và gằn giọng: “Ồn quá, giữ trật tự đi”. Tiếng cười gần như mất hẳn, chỉ còn tiếng hành khách trả lời điểm đến, tiếng thông báo tiền vé xe và cả tiếng “cót két” từ những hàng ghế hoen gỉ.

Tất cả các cửa kính trên xe đều mở toang, trời lại nóng hực, tôi đề nghị anh bán vé đóng lại để mở điều hoà. Anh này cho biết, hệ thống điều hoà đã “chết” từ lâu, mà cũng phải mở cửa kính để đón gió vì nhiều người không thích đi xe máy lạnh (!?). Vừa qua ngã tư Cách Mạng Tháng Tám giao với Nguyễn Chí Thanh, một hành khách cất tiếng: “Bác tài cho xuống đi, tôi bỏ quên đồ ở bến xe”, chiếc xe nhanh chóng tấp vào lề đường cho hành khách này xuống.

Tại đường Lý Thường Kiệt, thấy một người phụ nữ đứng chờ xe, nhân viên bán vé thò tay ra cửa xe xin đường, tài xế đánh lái tấp vào lề để bắt khách- dù đang chạy trên phần đường dành cho xe ô tô, mặc cho các phương tiện phía sau vẫn đang lưu thông, mặc cho người phụ nữ này không đứng đúng trạm.

Chị N.T.V- một hành khách thường xuyên đi làm bằng xe buýt mà chúng tôi tình cờ quen biết trên xe cho biết: “Chuyện dừng đón, trả khách không đúng quy định và màn tấp vào lề thót tim như vậy là bình thường. Đáng nói hơn nữa chính là việc nhân viên soát vé nói bao nhiêu tiền, khách đưa bấy nhiêu nhưng không thấy đưa vé, nên tôi cũng chẳng biết quy định của Nhà nước về giá vé xe buýt như thế nào”.

Đúng như lời chị T.V, trong suốt hành trình, tôi không hề nhận được vé, dù nhân viên thu 25.000 đồng. Khi tôi hỏi, anh này “hào phóng” xé hẳn 7 vé đưa cho tôi.

Theo Nghị định 46 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với nhân viên phục vụ trên xe buýt thực hiện những hành vi: thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách; thu tiền vé cao hơn quy định. Tuy nhiên, tất cả các tuyến xe mà phóng viên “trải nghiệm”, tình trạng này cứ như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Lý giải về vấn đề thu tiền mà không đưa vé của nhân viên xe buýt, ông Lê Phan Phi Phụng- Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải và phương tiện thuộc Sở Giao thông - Vận tải, một phần là do cơ quan chức năng ít kiểm tra, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát chưa quan tâm nhiều. Mặt khác, xe buýt trong tỉnh không được hưởng chính sách trợ giá nên chưa thực hiện chặt chẽ công tác này như một số địa phương khác.

Ông Phụng cũng cho biết, nhìn chung, các tuyến xe buýt đang hoạt động cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phục vụ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng xe buýt dừng đón, trả khách không đúng nơi quy định; nhân viên phục vụ trên xe không đeo bảng tên khi làm nhiệm vụ, thu tiền nhưng không trao vé cho hành khách; chở hàng hoá cồng kềnh trong xe; một số phương tiện có chất lượng thấp, xuống cấp…

Chuyển hàng không cần kiểm tra

16 giờ 30 cùng ngày, tôi bắt đầu hành trình ngược lại, từ Củ Chi về Tây Ninh. Có vẻ như, đây cũng là giờ cao điểm để người dân gửi hàng hoá về Hoà Thành và thành phố Tây Ninh.

Xe rời bến được khoảng 2km, có khách đứng chờ gửi hàng. Rất nhanh, xe tấp vào lề đường, nhân viên bước xuống đưa hàng lên xe ngay khu vực khách ngồi mà không cần kiểm tra bên trong các thùng kín là hàng hoá gì. Nhân viên chỉ cần liếc nhìn, xem hàng hoá to hay nhỏ, vận chuyển xa hay gần mà ra giá cước, trung bình khoảng 20.000 đồng.

Chị Vũ Thị Lệ- ngụ phường 1, thành phố Tây Ninh thường xuyên gửi nguyên liệu làm bánh kem đến huyện Gò Dầu cho biết: “Họ (nhân viên và lái xe - PV) không bao giờ hỏi hay kiểm tra hàng mình gửi là gì, họ chỉ quan tâm gửi đi đâu, giá cước bao nhiêu, mình trả hay nơi nhận trả. Chỉ cần hàng đóng gói cẩn thận vào thùng giấy thì có gửi hàng lậu, hay hàng không có hoá đơn cũng chẳng ai phát hiện ra. “Đen” lắm mới bị lực lượng chức năng kiểm tra. Lỡ có bị mất hàng, coi như mình xui chứ nhà xe không chịu trách nhiệm”.

Để kiểm chứng, sáng 26.12.2018, tôi mang một hộp giấy được bọc kín, bên trong là những cuốn sách đến ký gửi tại chiếc xe buýt biển kiểm soát 70B - 277.xx. - tuyến Hoà Thành đi Củ Chi. Rất nhanh chóng, nhân viên xe buýt nhận hàng không kiểm tra và lấy giá cước 20.000 đồng và cũng không cung cấp cho tôi bất kỳ loại giấy tờ gì để bảo đảm.

“Văn minh” xe buýt

Anh Trần Anh Thái- ngụ xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành, một hành khách thường xuyên của tuyến xe buýt Hoà Thành - Củ Chi kể: “Có lần đón xe buýt tại một trạm dừng trên đường Lý Thường Kiệt, tôi quá bực bội khi chứng kiến cảnh một thanh niên vẫn ngồi lỳ trên ghế, dù nhân viên đã nhiều lần yêu cầu anh này đứng dậy nhường ghế cho cụ già. Đã vậy, anh ta còn chửi, hăm đánh. Khi tôi lên tiếng, anh ta trợn mắt nhìn tôi như người “ở trên trời rơi xuống”, buông một câu chửi thề mới chịu đứng lên”.

Bạn Trần Minh Dung- sinh viên đang học tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, do ngược đường với các tuyến xe khách nên xe buýt là phương tiện để Dung về thăm nhà vào cuối tuần. Dung than: “Cực chẳng đã mới đi xe buýt, vì chỉ có tuyến xe này bắt khách dọc đường, đến bến bắt xe khác về trường. Lần nào lên xe em cũng nghe tiếng quát tháo, chửi thề rồi tình trạng xe chạy nhanh, vượt ẩu, nhiều lần em còn bị đập cả đầu vào ghế trước do bác tài thắng gấp quá”. Đó là chưa kể xe dơ, hành khách vô tư gác chân lên ghế.

Ở một khía cạnh khác, vì “làm dâu trăm họ”, nên đôi khi nhân viên, bác tài xe buýt cũng cố mà nhịn trước những hành khách cư xử chưa văn minh, lịch sự. Một nhân viên xe buýt tuyến TP. Tây Ninh - Tân Biên chia sẻ: “Không ít hành khách chả buồn quan tâm đến việc nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai hay trẻ nhỏ. Thậm chí, có người còn hút thuốc lá trên xe, khi chúng tôi nhắc nhở, họ lại tỏ ra khó chịu hay văng tục, chửi bậy...

Trên xe chúng tôi để thùng rác nhưng chẳng bao giờ họ bỏ rác vào thùng mà vứt đại xuống sàn hoặc vứt qua cửa kính xuống đường. Có khách say xỉn lên xe nôn ói tùm lum, chúng tôi đâu dám đuổi xuống, vì mình làm dịch vụ mà”.

Sẽ khắc phục trong năm 2019

Theo Sở Giao thông - Vận tải, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến xe buýt, gồm 4 tuyến liên tỉnh với TP. Hồ Chí Minh và 3 tuyến nội tỉnh. Hầu hết đều không được trợ giá. Có 2 doanh nghiệp và 2 HTX tham gia khai thác đối lưu cùng 1 doanh nghiệp và 2 HTX của TP. Hồ Chí Minh.

Để khắc phục những bất cập, ông Phụng cho biết: “Trong năm 2019, Sở sẽ triển khai ký hợp đồng khai thác các tuyến xe buýt giai đoạn đến năm 2021. Trong đó ràng buộc trách nhiệm đối với đơn vị vận tải phải nâng cấp, đổi mới phương tiện xe buýt, bảo đảm đến năm 2021 có 100% phương tiện đạt chất lượng tốt (có năm sản xuất từ 2018 trở về sau); tăng cường nhắc nhở các đơn vị vận tải chấp hành các quy định về kinh doanh xe buýt; xử lý những hành vi vi phạm phổ biến như: chạy quá tốc độ; dừng đón, trả khách không đúng quy định; thu tiền nhưng không trao vé cho khách; chở hàng hoá không đúng quy định…

Yêu cầu các đơn vị vận tải thường xuyên, tuyên truyền cho đội ngũ lái xe, nhân viên nâng cao ý thức chấp hành các quy định có liên quan trong hoạt động xe buýt, và có biện pháp xử lý nghiêm đối với lái xe, nhân viên, phương tiện vi phạm.

Rà soát, chỉnh sửa, lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo, trạm dừng, nhà chờ phục vụ xe buýt hoạt động được thuận lợi (dự kiến sẽ lắp đặt bổ sung một số nhà chờ trên đường 30.4 và chỉnh sửa, bổ sung khoảng 115 vị trí trạm xe buýt trên hệ thống các tuyến đường có xe buýt hoạt động). Chỉ đạo lực lượng Thanh tra tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với những vi phạm trong hoạt động xe buýt theo quy định hiện hành.

Trên cơ sở chương trình làm việc với hai Sở GTVT Bình Dương và Long An, dự kiến trong thời gian tới, Sở GT-VT Tây Ninh sẽ kêu gọi các doanh nghiệp vận tải triển khai đưa vào hoạt động 2 tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề đến tỉnh Long An và Bình Dương, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là công nhân các cụm, khu công nghiệp.

Có thể khẳng định, hiện nay, các tuyến xe buýt cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, nhưng việc xây dựng văn hoá giao thông đối với xe buýt, cần sự chung tay của cả hai phía, từ người quản lý, người phục vụ đến người được phục vụ, cụ thể là cơ quan chức năng, nhà xe và hành khách, từ đó từng bước nâng cao dịch vụ, để xe buýt trở nên gần gũi, thân thiện và văn minh hơn.

Vũ Nguyệt

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh