Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã áp dụng tại Việt Nam hơn 10 năm nay. Bất cứ xe nào lưu thông trên đường đều phải mua bảo hiểm này. Đây là loại hình bảo hiểm do Chính phủ quy định, nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an sinh xã hội.
Chỉ với 66.000 đồng/năm (xe trên 50cc), chủ xe máy đã có thể an tâm về khoản bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) với quyền lợi bảo vệ tài chính rất cao để bồi thường cho nạn nhân nếu chẳng may gây ra tai nạn.
Thủ tục mua và bồi thường bảo hiểm đơn giản
Hiện nay, bên cạnh các kênh truyền thống như văn phòng của công ty bảo hiểm, các bưu cục, các điểm kinh doanh xe, người dân có thể mua bảo hiểm bắt buộc ô tô, xe máy trực tuyến dễ dàng tại website của công ty bảo hiểm, các trang thương mại điện tử, ví điện tử…
Việc triển khai cung cấp loại hình giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho người mua bên cạnh thẻ giấy truyền thống được xem là bước đột phá khi so với trước đây, nhiều chủ xe máy thường bỏ quên việc mua bảo hiểm bắt buộc chỉ vì không thể thu xếp thời gian đến văn phòng hay điểm giao dịch của các công ty bảo hiểm.
Người dân có thể mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới tại nhiều kênh khác nhau.
Sau khi mua bảo hiểm trực tuyến theo hướng dẫn trên website của các doanh nghiệp hoặc trên các sàn thương mại điện tử, khách hàng có thể tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử bằng cách sử dụng 1 trong 3 thông tin sau để kiểm tra: Biển số xe, mã số trên Giấy chứng nhận bảo hiểm (đây là mã số do Trung tâm mã số mã vạch quốc gia cấp) hoặc số đơn bảo hiểm (do doanh nghiệp phát hành).
Hồ sơ bồi thường của loại hình bảo hiểm này tương đối đơn giản, nhanh chóng.
Một trong những điểm mới của Nghị định số 03/2021/NÐ-CP được người dân đồng tình ủng hộ là quy định đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới. Nghị định quy định thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ và không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Người dân cần lưu ý khi tham gia lưu thông thì phải mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới. Nếu không, mức phạt cho vi phạm đối với xe máy là 100.000- 200.000 đồng.
Ý nghĩa nhân đạo đằng sau mỗi giấy chứng nhận bảo hiểm
Về cơ sở pháp lý, việc mua bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với chủ xe mô tô, xe máy được căn cứ vào quy định của Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ. Theo Bộ Tài chính, việc quy định mua bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội, phù hợp với xu thế trên thế giới.
Trong nhiều trường hợp, người gây tai nạn không có khả năng bồi thường thiệt hại cho nạn nhân dẫn đến bế tắc, một bên không còn tâm trí để làm việc, một bên bị mất sức lao động, gia đình không còn chỗ dựa, làm nảy sinh nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng lớn đến công bằng an sinh xã hội.
Số tiền chỉ bằng một, hai bữa ăn sáng nhưng lại giúp người dân vừa không lo bị xử phạt vừa yên tâm hơn khi xảy ra va chạm.
Thực tế, người sử dụng ôtô hay xe máy thường không tận dụng bảo hiểm bắt buộc. Với số tiền 60.500 đồng cho xe máy điện, xe dưới 50cc hoặc 66.000 đồng cho loại xe máy trên 50cc là người dân có thể tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Đây là số tiền chỉ bằng một, hai bữa ăn sáng nhưng lại giúp người dân vừa không lo bị xử phạt, vừa yên tâm có công ty bảo hiểm đồng hành nếu chẳng may gây tai nạn. Mức bồi thường đối với thiệt hại về người là 150 triệu đồng/người/vụ; đối với thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng/vụ đối với xe máy. Nếu xe gây tai nạn là ô tô, mức bồi thường đối với thiệt hại về tài sản lên đến 100 triệu đồng/vụ.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy không phải là loại hình bảo hiểm thương mại đây được xem là chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Ý nghĩa nhân đạo của chính sách này là bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân tai nạn giao thông khi bất trắc xảy ra mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của người gây tai nạn.
Triển Phong