Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được triển khai từ ngày 1.1.2009 theo quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006, với mục tiêu hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị mất việc một phần thu nhập, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm.
Người dân chờ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Từ ngày 1.1.2015, chính sách BHTN được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm với những sửa đổi về mặt chính sách. Theo quy định, khi mất việc làm, NLĐ sẽ được hưởng 4 chế độ gồm: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Theo Điều 57 Luật Việc làm, mức đóng và trách nhiệm đóng BHTN được quy định: NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.
NLĐ khi mất việc được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, NLĐ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, thời gian NLĐ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng không tối đa không quá 12 tháng.
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN đã trở thành điểm tựa cho NLĐ mất việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của doanh nghiệp và việc làm của NLĐ thì chính sách BHTN càng phát huy được vai trò an sinh xã hội trong việc hỗ trợ NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Không chỉ trợ cấp về mặt kinh tế, NLĐ còn được học nghề và giới thiệu việc làm. Từ đó, có cơ hội nâng cao tay nghề, tìm kiếm ngành nghề phù hợp.
Theo BHXH tỉnh Tây Ninh, cuối năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 203.410 lao động tham gia BHTN. Đến tháng 9.2021 số lao động tham gia BHTN giảm 58.636 người, đã phản ánh sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến việc làm của người lao động.
Trong 9 tháng năm 2021, BHXH tỉnh phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 63.068 lượt người với số tiền hơn 204,37 tỷ đồng, bình quân hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 3,2 triệu đồng/người/tháng.
Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ sẽ được Cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT, số tiền đóng BHYT này sẽ do cơ quan BHXH đóng, do đó NLĐ tiếp tục hưởng quyền lợi BHYT khi đi khám chữa bệnh trong thời gian thất nghiệp.
Chị Phan Thị Mộng Cầm, ngụ huyện Châu Thành là một trường hợp điển hình cho NLĐ bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo quy định, chị nhận trợ cấp thất nghiệp 6 tháng, đồng thời được hỗ trợ thẻ BHYT trong giai đoạn này. Chị Cầm cho biết: “Số tiền trợ cấp thất nghiệp giúp tôi xoay xở một phần phí sinh hoạt gia đình. Ngoài ra, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi được hỗ trợ thêm thẻ BHYT trong lúc mất việc”.
Từ đầu tháng 9.2021, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều NLĐ thất nghiệp tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định.
Trước đó, trong thời điểm bùng phát dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động chuyển đổi việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết BHTN theo hình thức trực tuyến thông qua e-mail, ứng dụng Zalo kết hợp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, nhằm đảm bảo NLĐ thất nghiệp được giải quyết hồ sơ kịp thời, sớm nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp.
Ông Lê Trường Thọ – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tây Ninh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế nước ta; nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, giảm quy mô sản xuất làm cho không ít NLĐ mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Thời điểm này, chính sách BHTN đã phát huy vai trò, hiệu quả; là điểm tựa hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi mất việc làm mà không phải do lỗi của họ. Qua đó, hỗ trợ NLĐ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, tìm việc làm mới, nhằm giúp họ sớm trở lại thị trường lao động.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho NLĐ mất việc sớm tìm được việc làm mới, ổn định đời sống.
Lê Thuỳ