BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo hiểm y tế: Bao giờ hết mệt vì… thủ tục?

Cập nhật ngày: 07/01/2011 - 11:08

Chiều ngày 4.1.2011, phóng viên Báo Tây Ninh nhận được cú điện thoại “cầu cứu” từ một anh bác sĩ quen biết ở Bệnh viện Đa khoa TN: “Nhà báo ơi! Qua mà xem hộ chúng tôi với! Bây giờ tụi tôi đang sắp… tê liệt vì bị người bệnh bao vây đây!”.  Cấp tốc chạy đến tận nơi, chúng tôi không khỏi sửng sốt trước tình trạng quá tải đột biến tại gian sảnh tiếp đón bệnh nhân của bệnh viện. Cả một không gian khá rộng và thoáng thường ngày, giờ đây trở nên chật chội đến ngộp thở bởi lượng người dày đặc đang chen chúc nhau.

5 giờ chiều, nhân viên BVĐK TN vẫn đang cố hoàn tất chồng hồ sơ chuyển viện cho người bệnh 

Đến hơn 17 giờ, số người tập trung ở khu vực đăng ký khám bệnh vẫn cứ đông nghẹt. Phần đông trong số họ đã đến đây từ lúc 7 giờ sáng nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa xong việc của mình. Đây là những người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), họ đến để làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên. Không ít  người đã phải làm thủ tục xin chuyển rất nhiều lần.

Xin bà con đừng... chửi thề!

Anh Hồ Văn Du, nhà ở huyện Tân Châu có con bị bệnh tim bẩm sinh. Ngày 29.12.2010, anh đưa con trai xuống Bệnh viện Nhi Đồng II để khám. Sau khi khám xong, bác sĩ cho về sau khi hẹn lịch mổ cho bé. Tuân theo quy định về khám chữa bệnh ở tuyến ban đầu, sáng ngày 4.1, hai vợ chồng anh Du đưa con xuống BVĐK TN để làm thủ tục chuyển viện. Vợ chồng anh phải chờ từ sáng cho đến chiều vẫn chưa lấy được cái giấy chuyển viện! Trong khi đó, theo lịch hẹn của Bệnh viện Nhi Đồng II thì 7 giờ 30 phút sáng hôm sau, con trai của anh đã phải lên bàn mổ. “Nếu hết buổi chiều nay mà không làm xong thủ tục, chúng tôi sẽ gặp phiền phức to. Có thể người ta sẽ mổ cho cháu khác” – anh Du bày tỏ sự lo lắng.

Có đến hàng trăm người cùng cảnh chờ đợi như anh Du. Có người bị bệnh rất nặng nhưng vẫn chưa thể chuyển viện được vì chưa làm xong giấy tờ. Bà Đặng Kim Mỹ, 53 tuổi, nhà ở Hoà Thành có quá trình chạy thận tại Bệnh viện huyện Củ Chi (TP.HCM) đã 4 năm nay. Trước khi kết thúc năm cũ, theo quy định, bà phải về BVĐK TN xin giấy chuyển viện mới. Bà đã có mặt tại bệnh viện từ lúc 8 giờ sáng nhưng đến hơn 4 giờ chiều vẫn chẳng ăn thua. Cả ngày trời chầu chực khiến bà mệt ngất ngư, muốn xỉu! Trong cơn bức xúc, bà vừa phàn nàn vừa ước ao: các cấp, ngành tỉnh nhà phải làm thế nào để những người bệnh như bà có điều kiện chạy thận ở Tây Ninh, chứ như thế này thì quá vất vả cho dân!

Trong cuộc họp ngày 4.11.2010, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT. Theo đó, việc hẹn khám lại sẽ do các cơ sở khám chữa bệnh ghi trên giấy ra viện hoặc trong sổ y bạ của bệnh viện. Văn bản của cuộc họp không thấy ghi về việc hết năm dương lịch thì phải đổi giấy chuyển viện như ngành BHXH yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện vẫn đang phải làm theo quy định này của cơ quan BHXH, vì như thế mới được thanh toán chi phí điều trị!

Xung quanh thủ tục chuyển viện BHYT, có không ít cảnh trớ trêu khiến những người trong cuộc phải ngán ngẩm. Trường hợp của ông Lương Văn Tân, nhà ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng là một ví dụ. Ông Tân chạy thận ở Củ Chi đã 6 năm. Hết năm 2010, ông phải từ Trảng Bàng lên BVĐK TN làm thủ tục chuyển viện. Chờ từ sáng đến gần tối vẫn chưa có được hồ sơ chuyển viện, ông than thở: đúng là gần nhà xa ngõ, vì nhà ông ở Trảng Bàng xuống Củ Chi rất gần, lại phải đi thật xa lên tỉnh để xin giấy chuyển viện ở cái nơi ông chưa từng chữa bệnh ngày nào!

Sự chờ đợi kéo dài trong cảnh đông đúc, lộn xộn khiến nhiều người không còn giữ được bình tĩnh, thi nhau văng tục chửi thề cho bỏ tức! Chỉ tội cho đội ngũ phục vụ của BVĐK TN đang “tối tăm mặt mũi” vì áp lực công việc dồn dập lại phải hứng chịu một cách oan uổng cơn giận dữ của đám đông. Loa phóng thanh của bệnh viện nhiều lần phải lên tiếng… trần tình: “Lỗi không phải của bệnh viện! Xin bà con bình tĩnh, đừng chửi thề”!

Theo số liệu tổng hợp, trong ngày 4.1.2011, BVĐK TN đã phải đón tiếp 1.446 người bệnh, trong số đó có gần 1.200 người có thẻ BHYT! Riêng số lượng người làm thủ tục chuyển viện trong ngày là gần 600! Tình trạng ứ đọng, quá tải này là do trước đó nghỉ bù Tết dương lịch, bệnh viện không làm việc hành chính ngày thứ hai, nên sang thứ ba,  lượng hồ sơ dồn ứ lại. Bác sĩ Lê Hồng Phước, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp của BV cho biết, để hoàn tất hồ sơ cho người bệnh, các cán bộ, nhân viên phục vụ khâu này đã không nghỉ trưa.

Phép vua thua lệ ngành?

Thực ra, nguyên nhân chính gây tình trạng quá tải ở BVĐK TN như kể trên là do quy định không khoa học, thậm chí là không đúng của ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH). Từ năm 2007 đến nay, BHXH Việt Nam đã nhiều lần ra quy định về việc thực hiện quy trình chuyển tuyến và thời gian điều trị của người bệnh ở các bệnh viện. Theo đó, bất kể người bệnh đã được chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên vào thời điểm nào thì giấy hẹn tái khám ở tuyến trên chỉ có giá trị đến cuối năm dương lịch. Hết năm, người bệnh phải quay về tuyến dưới để xin giấy chuyển viện mới. Cách làm nhiêu khê, phiền toái này được giải thích là để hạn chế tình trạng có những người bệnh cứ muốn “nằm lì” ở bệnh viện tuyến trên, không chịu về tuyến dưới điều trị. Tuy nhiên cách làm này chẳng những không hiệu quả như mong muốn mà còn gây khổ sở, phiền toái cho người dân. Thực tế cho thấy, với những căn bệnh mạn tính, nan y… mà bệnh viện tuyến dưới không đủ khả năng, điều kiện để chữa trị thì có quay về tuyến dưới cũng vô ích và người bệnh thường tìm mọi cách để được ở lại điều trị ở tuyến trên cho đến khi khỏi, hoặc… chết! Thiết nghĩ, đây cũng là một nhu cầu chính đáng. Việc buộc người bệnh phải “lộn về” tuyến dưới để xin giấy chuyển viện lần nữa liệu có quá bất hợp lý? Theo ý kiến của một bác sĩ, với những đối tượng bệnh như thế, lẽ ra nên dành riêng cho họ bộ hồ sơ điều trị lâu dài ở tuyến trên! Quy định cứng nhắc nặng về tính hành chính đã gây ra không ít phiền nhiễu. Có người vừa nhập viện ngày 31.12.2010 thì ngay hôm sau đã phải trở về cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới để xin giấy chuyển viện mới!

Không những kém tính khoa học, mà theo nhận định của người có trách nhiệm trong ngành y, quy định về đổi giấy khám chữa bệnh của BHXH Việt Nam còn trái Luật BHYT. Đơn cử: tại Điều 28 của Luật BHYT nói về thủ tục khám chữa bệnh có nêu người bệnh phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám chữa bệnh nhưng Luật không hề quy định thời hạn của giấy hẹn tái khám. Điều này có nghĩa là lịch hẹn tái khám khi nào là do cơ sở khám chữa bệnh quyết định, căn cứ vào tình trạng sức khoẻ, bệnh trạng của bệnh nhân. Ngành BHXH không nên làm thay hoặc can thiệp quá sâu vào công việc chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh! Tại mục 5, Điều 13 của Thông tư 09 về hướng dẫn thực hiện Luật BHYT cũng không hề có quy định nào về việc hết năm, người bệnh phải quay về tuyến dưới (nơi khám chữa bệnh ban đầu) để xin giấy chuyển viện mới, làm cho người bệnh và cả cơ sở khám chữa bệnh đều “vã mồ hôi”!

Bao giờ?

Ông cụ này có vẻ đã rất mệt mỏi vì phải chen chúc, chờ đợi quá lâu giữa đám đông người

Thiết nghĩ, thẻ BHYT của người bệnh chính là loại giấy tờ có giá trị pháp lý cao nhất trong việc khám chữa bệnh cho đối tượng BHYT. Mọi quy định kèm theo đúng ra chỉ nhằm để hỗ trợ việc thực hiện quyền lợi của người tham gia BHYT được thuận lợi, dễ dàng hơn chứ không phải để gây khó! BHYT là một chính sách lớn của Nhà nước, không ngoài mục đích hướng tới một xã hội phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người, mọi nhà. Nhà nước ta đã và đang chủ trương khuyến khích, mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Thế nhưng từ một chủ trương tốt đẹp đến việc vận dụng, thực thi của ngành chức năng xem ra cũng còn có độ vênh.

Với những quy định theo kiểu “làm mệt” người dân như đã kể trong phần trên của bài viết này, e rằng sẽ càng làm tăng thêm cảm giác e ngại của xã hội đối với BHYT- một lĩnh vực vốn đã có quá nhiều lời than phiền về những thủ tục phiền toái, nhiêu khê của nó. Bao giờ hết tình trạng này?

Theo số liệu tổng hợp khái quát của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, con số bệnh nhân có mặt tại đây trong những ngày đầu năm 2011 như sau:

Ngày 4.1: tổng số bệnh nhân là 1.446 người. Trong đó có khoảng 1.200 người diện BHYT, 600 người trong số này chỉ đến để làm thủ tục chuyển viện.

Ngày 5.1: bệnh nhân giảm còn khoảng 1.200 người. Bệnh nhân có thẻ BHYT có khoảng 1.000 người, số đến làm thủ tục chuyển viện: 400 người.

Được biết, trước thời điểm gia tăng đột biến, số lượng bệnh nhân đến làm thủ tục chuyển viện ở BVĐK TN trung bình chỉ khoảng 100 người/ngày.

Để đối phó tình hình quá tải như hiện nay, Bệnh viện đã phải huy động thêm nhân lực ở các bộ phận khác để hỗ trợ bộ phận phục vụ BHYT.

Theo dự đoán, tình hình quá tải trên sẽ còn tiếp tục kéo dài trong khoảng 1 tuần nữa.

VIỆT ĐÔNG – ĐÌNH LIỆU