BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bao la tình mẹ 

Cập nhật ngày: 30/09/2017 - 15:13

BTN - Bà cho người ta thấy tình mẹ bao la biết dường nào. Hỏi bà có buồn không khi chưa hưởng được một ngày sung sướng, bà vui vẻ nói: “Mỗi người một số phận, số tôi đã khổ, có tránh cũng không được”.

Bà Thanh và con gái.

Bà Lê Thị Thanh, thương binh 4/4, năm nay 66 tuổi, ngụ tại ấp Phước Lộc B, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu là một trong những người được UBND tỉnh tặng bằng khen trong tháng 7 vừa qua.

Ðến thăm gia đình bà Thanh vào một buổi trưa, tôi tình cờ được thấy khoảnh khắc yêu thương, bình yên của bà và con gái. Bà vừa lo nấu cơm vừa chuyện trò vui vẻ với con gái. Nhìn con cười vui, bà Thanh cũng vui không kém. Nhưng trong sâu thẳm đôi mắt của người mẹ ấy vẫn chất chứa một nỗi buồn.

Bà Thanh cho biết con gái bị ảnh hưởng chất độc da cam/Dioxin, do vợ chồng bà trước đây đều tham gia kháng chiến trong vùng nhiễm độc. Do đó, con gái của bà tuy đã 21 tuổi nhưng cử chỉ, hành động vẫn chỉ là một đứa con nít, luôn cần sự chăm sóc kề bên của mẹ.

Bà Thanh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Củ Chi. Căm thù giặc sâu sắc, mới 15 tuổi, bà Thanh tham gia hoạt động cách mạng, làm giao liên ở địa phương. Năm 1968-1975, bà tham gia Phòng Hậu cần phân khu 1.

Sau ngày giải phóng, bà cùng với chồng cùng đơn vị kháng chiến trở về cuộc sống đời thường. Hai vợ chồng bà chọn xã Phước Minh làm nơi sinh sống, lập nghiệp.

Ra riêng với hai bàn tay trắng, khó khăn chồng chất khi tám đứa con của bà lần lượt chào đời. Trong tám đứa con, riêng đứa con gái út khi sinh ra không được khoẻ mạnh bình thường, mà hay bị bệnh và không được lanh lợi. Bà cảm thấy hụt hẫng vô cùng khi phát hiện con gái của mình bị ảnh hưởng của chất độc da cam/Dioxin nên chậm phát triển.

Thương con, người mẹ nghèo chẳng biết làm gì hơn, chỉ biết cố làm lụng để các con không phải bữa đói bữa no, nhất là lo cho đứa con gái út bất hạnh đỡ phải chịu thiệt thòi hơn nữa.

Dường như cuộc sống này vốn không êm đềm với người phụ nữ nghèo như bà Thanh. Bà phải đương đầu với biết bao khó khăn, tủi cực. Bất hạnh này chưa qua, nỗi đau khác lại ập tới. Khi đứa con gái út của bà mới một tuổi đầu, chồng bà mắc bệnh nặng, rồi qua đời. Bà gần như gục ngã. Nhưng vì thương các con, người mẹ nén chặt lại nỗi đau, gắng gượng đứng lên làm chỗ dựa cho các con. Bà lao vào lao động, vừa cặm cụi sản xuất ruộng nhà, vừa đi làm thuê làm mướn đủ việc, không quản ngại nắng mưa.

Không vốn liếng sản xuất, bà phải lặn lội đi lượm phân bò về làm phân bón cây trồng. Cứ thế, suốt tháng quanh năm, người mẹ nghèo làm lụng không ngơi tay, không lúc nào cho mình nghỉ ngơi, bởi bà sợ các con mình phải chịu đói khát.

Trải qua bao năm tháng gian truân, vất vả, người mẹ tảo tần đã làm được điều mình muốn, đó là nuôi các con khôn lớn nên người.

Nhờ tình yêu thương hết lòng của bà, đứa con gái út đáng thương của bà cũng đã lớn lên, tuy thể chất, tinh thần phát triển chậm, nhưng em luôn được sống vui vẻ trong vòng tay mẹ. Bảy đứa con của bà Thanh bây giờ cũng đã yên bề gia thất. Cuộc đời còn lại của bà dành trọn cho đứa con gái bất hạnh.

Ở độ tuổi này, hằng ngày, bà Thanh vẫn làm lụng này nọ để lo cho cuộc sống của hai mẹ con, đỡ đần gánh nặng cho những người con khác. Với bà, con cái là lẽ sống, là động lực để bà cố gắng vượt lên mọi sóng gió của cuộc đời.

Bà cho người ta thấy tình mẹ bao la biết dường nào. Hỏi bà có buồn không khi chưa hưởng được một ngày sung sướng, bà vui vẻ nói: “Mỗi người một số phận, số tôi đã khổ, có tránh cũng không được”.

Hiện tại, bà Thanh chỉ mong được khoẻ mạnh để có thời gian lo cho con gái của mình. Bà nói thêm, nhiều năm qua bà và con gái được Nhà nước quan tâm, được hưởng đầy đủ chính sách người có công, bà cảm thấy an ủi được phần nào và tự hào khi từng được cống hiến cho cách mạng.

THẾ ANH