Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bạo lực học đường- nỗi lo chưa dứt

Cập nhật ngày: 21/12/2012 - 05:49

Có thể nói, phương pháp, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã và đang bộc lộ nhiều điều bất cập, lạc hậu.

Làm thế nào để mỗi ngày đến trường là một niềm vui?

(BTN) - Bạo lực học đường là một vấn nạn không mới nhưng nó luôn gây sự chú ý của dư luận và làm cho những người trong ngành Giáo dục hết sức đau đầu. Đã có rất nhiều lời chỉ trích nhắm đến ngành Giáo dục, người ta cho rằng chính ngành này phải chịu trách nhiệm trước vấn nạn trên. Sự chỉ trích ấy có thể không sai, song nếu ngẫm kỹ thì có chỗ cũng chưa thật công bằng.

Mục tiêu giáo dục đã được xác định rất rõ: Đào tạo học sinh có tri thức, có phẩm chất, có nhân cách. Đến trường học, người ta dễ dàng bắt gặp những câu khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn; Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo… Trong phòng học lớp nào cũng có “Năm điều Bác Hồ dạy”. Trường học nào cũng có bảng nội quy với những điều quy định nghiêm khắc, đầu tuần và cuối tuần bao giờ cũng có tiết sinh hoạt để nhắc nhở học sinh về nền nếp kỷ luật. Tất cả những điều nêu trên đều mang tính định hướng, răn dạy học sinh, hình thành lối sống văn hoá trong và ngoài nhà trường. Thế nhưng, tại sao đạo đức học đường vẫn cứ… trượt dốc không phanh?

Có thể nói, phương pháp, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã và đang bộc lộ nhiều điều bất cập, lạc hậu. Trên lớp, do nội dung bài học dài, dung lượng kiến thức nhiều nên rất ít khi giáo viên đưa ra những tình huống thực tế, có giá trị thực tiễn để học sinh cùng thảo luận. Một số môn học có ưu thế hoặc có nội dung gắn với giáo dục đạo đức, giáo dục các giá trị văn hoá truyền thống thì chưa được giáo viên quan tâm đúng mức, tình trạng phổ biến là các bài giảng chỉ nặng tính giáo huấn khiên cưỡng. Các môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục rất có ưu thế trong việc giáo dục thẩm mỹ, làm phong phú tâm hồn học sinh nhưng thường  chưa được đầu tư đúng mức. Người dạy không mặn mà nên học sinh càng thờ ơ, vì tâm lý “năm nay chắc không thi môn này”. Công tác quản lý trong các nhà trường vẫn còn thiên về hành chính và nặng thành tích. Những môn khoa học xã hội nhân văn trong nhà trường vẫn chưa thực sự được coi trọng. Tính dân chủ trong ứng xử giữa giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh học sinh được cải thiện hơn thì lại diễn ra cảnh không ít giáo viên, phụ huynh, học sinh đi quá đà trong hành vi ứng xử, làm cho tính dân chủ vượt ra ngoài khuôn khổ cương thường đạo lý- như báo chí trong nước từng đưa tin.

Thực hiện chính sách mở cửa, Việt Nam đón nhận gần như cùng lúc hai mặt của nền văn hoá ngoại lai: Tích cực và tiêu cực. Bên cạnh việc tiếp nhận tinh hoa văn hoá của nhân loại, cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng bởi những “độc tố” từ ngoài xâm nhập vào một cách ngẫu nhiên hoặc có chủ định. Điều này làm tổn hại đến những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc nói chung, nhà trường nói riêng. Những cảnh bạo lực trong phim ảnh nước ngoài, nhất là trong những trò chơi bạo lực, những thông tin độc hại, tuyên truyền cho lối sống buông thả tràn ngập trên internet đã góp phần đắc lực trong việc kích động những người trẻ tuổi theo khuynh hướng hành động phi văn hoá, trái với luân thường đạo lý. Các em học sinh dễ bị lôi cuốn, học theo những hành vi ứng xử thiếu nhân văn, thậm chí là côn đồ. Tình trạng lập băng, đảng… hành động trái với luật pháp ở một bộ phận giới trẻ đã trở nên khá phổ biến. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều học sinh đã phải nghe, thấy… không ít hiện tượng phi văn hoá, chẳng hạn: Va quệt khi tham gia giao thông dẫn đến các hành vi bạo lực, cầu thủ hành hung trọng tài trên sân, phụ huynh học sinh xông vào tận lớp học hành hung giáo viên... Những câu chuyện, những hình ảnh như vậy dễ gây ấn tượng xấu cho học sinh, dần nhen nhóm, hình thành trong đầu các em khuynh hướng bạo lực.

Giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh các trường phổ thông là một quá trình diễn ra các hoạt động sư phạm có mục đích, có nội dung và phương pháp. Hoạt động sư phạm này không giống như dạy kiến thức các môn văn hoá. Đối với nhiều môn học khác, học sinh có thể học thuộc lòng những định nghĩa, khái niệm, công thức rồi vận dụng vào để giải các dạng bài tập, dần dần có thể trở thành học sinh giỏi môn nọ, môn kia. Nhưng với giáo dục đạo đức, lối sống thì không thể như vậy. Kinh nghiệm từ những nước có nền giáo dục tiên tiến đã cho thấy họ rất coi trọng giáo dục cho trẻ từ mầm non tới học sinh phổ thông những hiểu biết cơ bản làm nền cho đạo đức công dân. Phương pháp giáo dục của họ thường thiên về tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ, để giúp các em tìm ra phương án xử lý những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống.

Dưới góc nhìn xã hội học, bạo lực học đường là hệ quả của sự “ô nhiễm” môi trường giáo dục trên diện rộng. Nhìn chung, lớp trẻ tuổi học trò không thể “vô trùng” khi sống trong môi trường đã bị “ô nhiễm”. Muốn đẩy lùi bạo lực học đường, trước hết phải cải thiện môi trường giáo dục- cả trong và ngoài nhà trường. Quá trình này đòi hỏi phải tiến hành song song: Vừa xây dựng nếp sống văn hoá vừa chống lại những hành vi phản văn hoá.

VIỆT ĐÔNG - QUẾ VI