Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bạo lực học đường- Nỗi lo không của riêng ai

Cập nhật ngày: 05/01/2011 - 09:55

Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đã chỉ đạo triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó giúp các đơn vị trường học có nhiều biện pháp, hình thức phong phú, xây dựng môi trường an toàn, xanh – sạch – đẹp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ tỉnh nhà.

Hiện nay vấn đề vi phạm pháp luật và bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối diễn ra khắp nơi trên cả nước. Qua thống kê, cho thấy số vụ vi phạm pháp luật, bạo lực trong giới học sinh hầu hết tập trung vào lứa tuổi trung học phổ thông. Đây là lứa tuổi mà các em đang trong giai đoạn phát triển trưởng thành, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, tánh tình dễ bồng bột, suy nghĩ và hành động thiếu chín chắn, dễ bị bạn bè xấu lôi kéo. Một số em rơi vào tình trạng bạo lực do cha mẹ bận rộn cho kinh tế gia đình, thiếu sự dạy dỗ, quan tâm gần gũi.

Các em còn bị ảnh hưởng bởi những mặt trái của phim ảnh, trò chơi điện tử mang tính bạo lực ở các tụ điểm internet mọc lên như nấm từ thành thị đến nông thôn. Khi có mâu thuẫn, xích mích các em thường không bày tỏ cho cha mẹ, thầy cô biết mà tự giải quyết lấy theo kiểu… phim ảnh, trò chơi bạo lực… dẫn đến nhiều hệ quả xấu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Theo thống kê của Công an tỉnh Tây Ninh và Sở Giáo dục – Đào tạo, từ năm 2006 đến nay, trên toàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra khoảng 222 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Các trường đã xử lý 988 học sinh, trong đó, buộc thôi học có thời hạn 116 em. Đối tượng tham gia đánh nhau phần lớn là học sinh cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Hành vi đánh nhau ở học sinh những năm gần đây có chiều hướng tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến nét đẹp truyền thống của ngành giáo dục và những giá trị đạo đức, nhân văn của người Việt Nam.

Nhà trường phải thực sự là nơi thân thiện với các em

Trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trước hết có nguyên nhân do các em học sinh muốn khẳng định “cái tôi” của mình trước tập thể, thiếu kiềm chế bản thân, suy nghĩ, hành xử theo chiều hướng bạo lực bắt chước trong phim ảnh, game online... Về phía gia đình, nhiều bậc cha mẹ có tư tưởng khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường. Chính sự thiếu chăm sóc về mặt tình cảm của cha mẹ khiến nhiều trẻ cố ý sinh sự chỉ cốt để cha mẹ quan tâm. Mặt khác, sự kết hợp trong việc quản lý học sinh giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa được chặt chẽ. Trong khi đó một số em còn bị ảnh hưởng từ cảnh bạo hành trong chính gia đình mình.

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó có nhiều biện pháp, hình thức phong phú để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, hoạt động ngoại khoá, lồng ghép, tích hợp giáo dục kỹ năng sống, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên; xây dựng và thực hiện tốt các quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học. Ngành đã tăng cường công tác giáo dục phẩm chất,  đạo đức, lối sống trong học sinh, thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, gia đình học sinh quản lý và giáo dục học sinh; tích cực thực hiện “Nói không với các trò chơi điện tử tiêu cực”.

Để ngăn chặn có hiệu quả bạo lực học đường, ngành Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị, trường học cần kết hợp chặt chẽ với công an địa phương thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các đơn vị trường học và cơ sở giáo dục. Các trường học tăng cường hoạt động của tổ giám thị, định kỳ tổ chức giao ban với chính quyền địa phương, có giải pháp tích cực phù hợp, hiệu quả, kịp thời xử lý các mâu thuẫn, ngăn chặn những biểu hiện vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, thực hiện kiểm tra, giám sát, nắm tình hình và ngăn chặn các trường hợp học sinh, sinh viên mang hung khí, chất nổ, chất cháy vào trong trường học. Theo yêu cầu của ngành, các đơn vị, trường học chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý triệt để theo thẩm quyền khi vụ việc xảy ra; phối hợp, kiến nghị với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong các hoạt động dịch vụ: hàng quán, internet, trò chơi điện tử, karaoke, trông giữ xe… nhằm đảm bảo an ninh, trật tự khu vực xung quanh nhà trường. Ngành giáo dục cũng tập trung thực hiện tốt chỉ đạo về “Ngày pháp luật”, “Giờ pháp luật” của UBND tỉnh, mỗi tháng, các trường có một chủ điểm hoặc một chuyên đề về giáo dục đạo đức học sinh, cung cấp các kiến thức pháp luật một cách hệ thống cho các em, giúp các em có ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng gây ra bạo lực học đường- một nỗi lo không của riêng ai.

Duy Anh