Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bao nhiêu nhà ở dưới ngưỡng 700 triệu?
Chủ nhật: 13:23 ngày 15/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Tài chính đề nghị tất cả các căn nhà có trị giá từ 700 triệu trở đi sẽ bị tính thuế chứ không chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi, nhưng bù lại, theo tính toán, có 90% nhà ở nông thôn không bị đánh thuế (do dưới ngưỡng).

Ông Phạm Đình Thi-Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.Ảnh:VGP/Huy Thắng

Nhà ở  trên 700 triệu, ô tô trên 1,5 tỷ phải đóng thuế?

Tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về “Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản” mới đây, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, cần có luật thuế tài sản để đảm bảo mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu thuế tài sản, từ đó tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư.

Đại diện của Bộ Tài chính lý giải, ở Việt Nam hiện tại thuế thu hàng năm, trong quas trình sử dụng tài sản chỉ chiếm 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết với đất. Do vậy, cần bổ sung thu thuế đối với nhà và các tài sản khác.

Bộ Tài chính cho biết, về xác định ngưỡng không chịu thuế đối với nhà có 2 cách, là xác định ngưỡng không chịu thuế theo giá trị hoặc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích.

Với việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá.

Tuy nhiên, việc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.

Là cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính muốn đề xuất áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội (chỉ tính thuế đối với nhà có giá trị vượt ngưỡng không chịu thuế). Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau.

Từ đó Bộ Tài chính đề nghị lấy ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để đánh thuế tài sản đối với nhà. Theo quy định của pháp luật về xây dựng thị suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7.300.000 đồng/m2. Khi đó, giá trị xây dựng mới của một căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.

Do đó Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng hoặc ngưỡng không chịu thuế 1 tỷ đồng.

Còn về các phương án thuế suất, Bộ Tài chính cũng chủ động đưa ra cách: thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.

Bộ Tài chính cho biết, với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng (đánh với phần vượt quá 700 triệu).

Bộ Tài chính khẳng định thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế.

Ông Thi cũng đưa ra so sánh với các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn.

`Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2%/GDP.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân.

Ngoài tài sản nhà ở, đất , công trình xây dựng trên đất sẽ chịu thuế tài sản, Bộ Tài chính cũng đưa ra thêm hai đối tượng để đề xuất đánh thuế là máy bay, ô tô, du thuyền. Đối với tàu bay, ô tô, du thuyền cũng có 2 phương án. Phương án 1 là đánh thuế tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng. Phương án hai là không đánh thuế các đối tượng trên.

Tính toán thêm để thuế đánh đúng, đạt đa mục tiêu

Báo chí cũng đặt ra với đại diện Bộ Tài chính nhiều câu hỏi băn khoăn về các đề xuất trên, với yêu cầu phải có các tính bảo đảm mục tiêu cũng như sự công bằng trong xã hội.

Về xác định được giá tính thuế nhà, ông Phạm Đình Thi trả lời:  Giá nhà tính theo thuế suất đầu tư của Bộ Xây dựng, do đó, các cơ quan quản lý cũng tính thuế cũng đơn giản, không lo các đối tượng gian lận chi phí.

Về cơ sở dữ liệu tài sản, ông Phạm Đình Thi cho biết, khi đặt bút nghiên cứu vấn đề xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, Bộ cũng đã tính đến trường hợp này và phải phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Với việc tính thuế sử dụng đất, kế thừa dữ liệu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ổn định trong 5 năm nay.

Với tính thuế nhà, căn cứ vào việc cấp quyền sử dụng đất và quyển sở hữu nhà để xác định giá trị nhà. Với trường hợp chưa được cấp các loại giấy tờ này thì căn cứ vào thực tế đang sử dụng…, các cơ sở dữ liệu cần thiết đã khá đầy đủ.

Tuy nhiên, vì tính theo giá trị nên ở các vị trí khác nhau thì mức thuế khác nhau. "100m2 ở khu vực xa xôi có giá trị thấp thì hầu như hoặc hoàn toàn không mất thuế, còn nhà 100m2 ngay khu trung tâm, hay đắc địa, cho thuê 1 tháng đã được rất nhiều tiền.

Bản thân chủ ngôi nhà đã có thu nhập từ khoản cho thuê nhà hàng tháng. Do vậy, theo khung giá đất tại khu vực này được UBND địa phương hay thành phố công bố áp dụng thì chủ tài sản sẽ phải chịu đóng thuế cao hơn nhiều “, ông Thi dẫn chứng.

Để đảm bảo tính ổn định của giá tính thuế, thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai thuế, đề nghị quy định giá tính thuế được ổn định 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

“Giá tính thuế như đã nêu ở phương án trên là 0,3% là thấp so với một số nước và không tác động nhiều tới thị trường bất động sản. Cần có thuế tài sản để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn phù hợp thực tiễn Việt Nam”, ông Phạm Đình Thi nhấn mạnh.

Thực tế, Luật Thuế Tài sản này nếu ban hành sẽ có liên quan, tác động khá rộng rãi trong xã hội, đòi hỏi nội dung phải tiếp tục hoàn chỉnh. Có nhiều vấn đề người dân còn quan tâm Bộ Tài chính cần nghiên cứu, tính toán.

Các phóng viên cũng đặt vấn đề, thuế đánh với những gia đình có căn nhà lớn ở chung nhiều đời không bán thì tính toán thế nào, cách tính thuế theo khung giá UBND địa phương quy định hợp lý chưa? Luật này có góp phần điều tiết hạn chế được tình trạng đầu cơ đất đai không như một số nước áp dụng không, góp phần chống tham nhũng thông qua quản lý tài sản bất minh không…? Dư luận quan tâm đến việc đánh thuế tài sản không nên chỉ giải quyết vấn đề ngân sách hay thuận tiện cho cơ quan quản lý mà còn phải bảo đảm công bằng và thực hiện được các mục tiêu khác về điều tiết và quản lý tài sản trong xã hội.

Theo ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết thêm, việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Tài sản chỉ là bước đầu, cơ quan chủ trì soạn thảo và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi, để cân nhắc điều chỉnh dự thảo Luật Thuế tài sản, sau đó trình các cấp có thẩm quyền cao hơn thẩm định, phê duyệt để bảo đảm mục tiêu của thuế,  công bằng giữa các đối tượng, sát với thực tiễn hơn.

Nguồn chinhphu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục