Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bão số 8 hướng thẳng vào Nam bộ
Chủ nhật: 16:08 ngày 18/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 17-11, vùng áp thấp ở khu vực Nam biển Đông đã phát triển lên thành áp thấp nhiệt đới. Tới chiều 17-11, áp thấp nhiệt đới có dấu hiệu di chuyển khá nhanh theo hướng Tây và mạnh lên.

Vào hồi 16 giờ ngày 17-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,4 độ vĩ Bắc - 111 độ kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. 

Tuy nhiên tới tối 17-11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 8 (có tên quốc tế là Toraji). Và hồi 19 giờ ngày 17-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,2 độ vĩ Bắc - 110,8 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 vào khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 19 giờ ngày 18-11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,1 độ vĩ Bắc - 109 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu(ảnh). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 vào khoảng 100km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão ở phía Tây của khu vực giữa và Nam biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh. Từ đêm 17-11, vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3 - 5m; biển động mạnh.

Từ trưa và chiều 18-11, khu vực ven biển các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) là từ vĩ tuyến 9 đến 13 và phía Tây kinh tuyến 113.

Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 19-11, vị trí tâm vùng áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10 độ vĩ Bắc - 105,2 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 7 - 8.

Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 17 đến ngày 19-11 ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 70 - 150mm/đợt. Từ đêm 17 đến ngày 19-11, trên các sông ở khu vực Nam Trung bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Bình Định, Phú Yên dưới báo động số 1, các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận ở mức báo động 1 - 2. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực trên.

Sáng 17-11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện hỏa tốc số 55 gửi các tỉnh, thành phố từ Bình Định đến Kiên Giang và các bộ có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao, Bộ TN-MT, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ NN-PTNT... triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Đến tối 17-11, Ban chỉ đạo Trung ương tiếp tục có thêm công điện yêu cầu ứng phó với áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Đối với khu vực ven bờ và trên biển, Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông báo cho các thuyền trưởng, chủ các phương tiện còn đang trên biển biết về vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới này.

Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt việc ra khơi của tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven bờ để đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt là cho khách du lịch trên biển và các đảo. Đối với khu vực đất liền, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; thông tin cảnh báo kịp thời về nguy cơ mưa lớn, ngập úng, dông lốc đến người dân để chủ động ứng phó; triển khai phương án “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Ban chỉ đạo Trung ương cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ, trao đổi với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực để tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú tại các đảo khi có nhu cầu.

Nguồn SGGPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục