Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Báo Tây Ninh - Ngôi nhà của tôi
Thứ tư: 13:06 ngày 04/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với anh Trần Phúc Hưng, công tác phát hành báo gần như là “máu thịt”, có những lúc tràn ngập tiếng cười khi số lượng báo tăng vọt, cũng có lúc buồn rơi nước mắt khi chỗ này, chỗ khác chê trách báo phát hành chậm trễ…

Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Năm Choàng vẫn giữ thói quen đọc Báo Tây Ninh. Ảnh: Ðại Dương.

Ngay vào dịp kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Báo Tây Ninh (10.1946 - 10.2017), anh Trần Phúc Hưng- người đã trải qua 30 năm làm công tác phát hành Báo Tây Ninh, chính thức nghỉ hưu.

Với anh, công tác phát hành báo gần như là “máu thịt”, có những lúc tràn ngập tiếng cười khi số lượng báo tăng vọt, cũng có lúc buồn rơi nước mắt khi chỗ này, chỗ khác chê trách báo phát hành chậm trễ…

Ðó là những kỷ niệm, có lẽ anh sẽ không bao giờ quên được. Dưới đây là những dòng tâm sự của một người phát hành báo - lần đầu tiên viết báo:

Cách đây 30 năm, với nhiệm vụ tổ chức xây dựng mạng lưới phát hành, hướng dẫn người đọc tiếp cận với Báo Tây Ninh, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại, cái khó là phải vượt qua rào cản trong nếp nghĩ, cách làm “chỉ có Bưu điện mới được làm công tác phát hành”.

Năm 1987, năm đầu tiên nhận nhiệm vụ phát hành Báo Tây Ninh, tôi chỉ có việc nhận báo từ nhà in và giao cho một số điểm bán báo lẻ, số lượng mỗi kỳ báo trên dưới 2.000 tờ.

Hai năm sau đó, báo bắt đầu nâng cao nội dung, hình thức, tăng trang và tăng số lượng, đòi hỏi phát hành báo phải mở rộng thị trường, xây dựng đại lý bán lẻ cũng như phải “tiếp thị” với các cơ quan, ban, ngành về việc mua Báo Tây Ninh.

Với chiếc xe đạp lọc cọc, tôi đi khắp nơi để tìm hiểu nhu cầu mua bán của từng người và có khả năng bán báo lẻ; những điều kiện cần và đủ để có một đại lý báo đã được hình thành trong ý tưởng.

Ðể việc mua, đọc báo đi vào nề nếp, 10 năm đầu, tôi và những người làm công tác phát hành tăng cường tổ chức tuyên truyền đặt mua báo; gửi giấy mời và vận động đặt mua báo tại nhà, cơ quan, doanh nghiệp, trường học...

Tại các quầy bán lẻ có bảng thông tin giới thiệu nội dung từng kỳ báo. Song song đó, tôi thường xuyên phản ánh kịp thời tình hình đặt mua báo, cơ quan, doanh nghiệp với Ban biên tập trong các cuộc họp, để có sự chỉ đạo kịp thời về việc đặt mua báo nhằm giữ ổn định từng kỳ báo và tăng giảm số lượng phát hành.

Từ chiếc xe đạp đến chiếc xe lôi khói mù mịt chở báo đi giao cho đại lý bán lẻ… đến nay, hệ thống phát hành phát triển hơn 100 đại lý và hàng chục người phát hành báo tận tâm, chịu khó, đi khắp hang cùng, ngõ hẻm để đưa báo đến khu dân cư, tổ tự quản, đến tận tay những bạn đọc thân thiết của Báo Tây Ninh.

Nói đến “làm báo”, đa số độc giả chỉ nghĩ đến phóng viên, ít ai biết rằng, để một tờ báo ra đời, còn có nhiều đội ngũ khác không kém phần quan trọng, như biên tập, kỹ thuật, phát hành báo v.v… Trong đó, công tác phát hành báo là công đoạn cuối cùng và ít được nhắc đến trong nghề báo.

Trong suốt 30 năm làm công tác phát hành, có những mẩu chuyện mà đến bây giờ tôi mới có dịp kể:

PHẤN KHỞI ÐÓN NHẬN

Trước đây, ông Vũ từng là sĩ quan cấp tá trong Tổng cục 2 của Bộ Quốc phòng, nên ông đặc biệt quan tâm đến những tin tức về an ninh trật tự, quốc phòng trên Báo Tây Ninh. Sau khi đọc báo, trong những lần họp Tổ dân cư tự quản, tiếp xúc cử tri ông đều phổ biến những nội dung cần thiết trong báo cho bà con nắm bắt.

Ông Vũ chia sẻ: “Ở đây là vùng sâu, vùng xa, biên giới, ít có nơi bán báo, nên đối với chúng tôi, báo chí quý lắm; qua đó, nắm bắt được đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước và tình hình thời sự trong tỉnh. Tôi rất vui và rất biết ơn Ðảng, Nhà nước quan tâm, tặng báo cho tổ DCTQ”.

Xã Tân Hà (huyện Tân Châu) có 5 ấp với 55 tổ DCTQ. Từ đầu năm 2015 đến nay, các tổ DCTQ đã được phát Báo Tây Ninh. Ông Ðoàn Xuân Trường, Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Hà không giấu được niềm phấn khởi. Ông nói: “Các ấp, các tổ chuyền tay nhau đọc hết các tờ báo. Ðây là món ăn tinh thần bổ ích đối với xã biên giới này”.

Ðến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Ban quản lý ấp Tân Trung (xã Tân Hà), chúng tôi thấy ông đang ngồi cạnh bàn trà, chăm chú đọc tờ Báo Tây Ninh vừa được phát hành. Ông Tâm kể, do nhà ông cách trụ sở UBND xã khoảng 1km, nên mỗi khi có báo là ông lên xã nhận về liền.

Nếu trùng ngày họp các tổ DCTQ, ông trao báo ngay cho các tổ trưởng, nếu không ngay ngày họp, ông đi giao báo hoặc gửi người thân đem báo xuống cho các tổ trưởng. “Nhờ vậy các tổ DCTQ có báo để đọc, kịp thời nắm bắt được tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự trong và ngoài tỉnh”.

ÐỘC GIẢ TRUNG THÀNH

Một trong những độc giả trung thành nhất, 30 năm đọc Báo Tây Ninh và không bỏ sót tờ nào, đó là bà Võ Thị Sanh, năm nay 84 tuổi nhưng tóc vẫn đen, mắt rất sáng, bà đọc báo không cần dùng kính.

Thường mỗi sáng báo phát hành, bà đọc Báo Tây Ninh không sót một chữ nào. Hỏi thăm, bà nói: Tôi thích nhất chuyên mục “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”... và nhiều chuyên mục khác. Tôi đọc nhiều loại báo nhưng thích nhất vẫn là Báo Tây Ninh”.

MỘT LẦN BÁO TRỄ

Trong đời làm công tác phát hành, có một câu chuyện tôi luôn nhớ. Mỗi lần làm báo phục vụ Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, Ban Biên tập, anh em phóng viên và kỹ thuật viên làm việc ở toà soạn rất bận rộn, người làm công tác phát hành cũng vất vả không kém, lo thăm dò dư luận và đại lý báo để chốt số lượng in khi có sự kiện lớn của Ðảng.

Hôm làm số báo phát hành vào buổi sáng bế mạc Ðại hội, có đăng hình ảnh Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, danh sách Ban chấp hành, tôi trực tiếp theo xe đi nhận báo. Do chờ đợi thông tin giờ chót kết quả bầu cử tại hội trường, bài vở chuyển xuống nhà in trễ, lại tăng trang, số lượng in thêm nhiều, nên rất lo lắng.

Gần 4 giờ sáng báo mới in xong. Khi làm xong mọi thủ tục, xe mới khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh về Tây Ninh. Ðến ngã tư Hóc Môn, Cảnh sát giao thông tuýt còi, yêu cầu dừng lại vì chạy quá tốc độ.

Tôi vội xuống xe, cầm trên tay mấy tờ Báo Tây Ninh vừa mới in rất đẹp đưa cho anh cảnh sát. Không nói gì và chưa kịp chào hỏi, tôi lên xe và cho chạy luôn. Không ngờ anh cảnh sát lại cho xe đi, có lẽ vì tờ báo in quá đẹp chăng? Hôm đó, báo về trễ một chút, nhưng vẫn kịp giờ phát hành.

NGƯỜI BÁN BÁO KHÔNG BIẾT CHỮ

Vào khoảng năm 2007-2008, phong trào bán báo dạo rất sôi nổi. Năm đó, phát hành Báo Tây Ninh có gần 100 đại lý và một đội ngũ bán dạo hơn chục người, trong đó có một người rất vui tính nhưng… không biết chữ.

Trước khi báo phát hành, thường mỗi sáng anh được giới thiệu sơ về nội dung số báo, sau đó anh ra bến xe lên xe đò Tây Ninh - thành phố Hồ Chí Minh bán báo. Không biết chữ nhưng anh thuộc lòng lời giới thiệu, giọng rao lại có duyên, cứ cất tiếng “Báo đây, báo đây…” chỉ một lúc là hết sạch báo.

BÁO TÂY NINH “XUẤT NGOẠI”

Trong một dịp tình cờ, tôi quen một Việt kiều sống ở Campuchia, có vợ làm trong Ðại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh. Thường xuyên qua lại Tây Ninh, vợ chồng Việt kiều ấy mua nhiều mặt hàng, trong đó có văn phòng phẩm và báo các loại, có lẽ để cung ứng cho cơ quan, đồng nghiệp. Từ đó, Báo Tây Ninh và một số báo bạn được chuyển bằng đường bộ tới cửa khẩu Mộc Bài và qua đất bạn Campuchia.

* * *

30 năm - không thể nói hết những gì mình đã trải. Tôi chỉ xin cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, công chức, nhân viên toà soạn đã ưu ái, quan tâm giúp đỡ tôi- từ một người “tay ngang” trở thành một cán bộ chuyên trách in ấn, phát hành Báo Tây Ninh. Ðó là những ân tình mà tôi không bao giờ quên đối với Báo Tây Ninh- ngôi nhà của tôi.

Báo về. Ảnh: Ðại Dương

TRẦN PHÚC HƯNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục