Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6:
Báo Tây Ninh- Từ truyền thống kháng chiến đến chuyện làm báo thời 4.0
Thứ hai: 00:47 ngày 21/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày nay, khi truyền thông xã hội ra đời, nội dung hết sức phong phú và… không kém phức tạp, đội ngũ làm báo tỉnh nhà càng nỗ lực phát huy truyền thống, tích cực học tập không ngừng, trên tất cả các mặt chính trị, nghiệp vụ, làm chủ công nghệ hiện đại để tác nghiệp trong kỷ nguyên số.

Cố Tổng biên tập Nguyễn Ðức Tâm trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng doanh nghiệp Khương Huê- đơn vị tài trợ Cuộc thi viết về an toàn giao thông năm 2004. Ảnh tư liệu P.TK

Từ ngày 21.6.1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho ra mắt Báo Thanh Niên, tiếng nói của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội- tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam, cũng là khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước ta, đến nay đã tròn 96 năm. Thực tế cho thấy, lịch sử phát triển của báo Ðảng các tỉnh, thành phố là một bộ phận không thể tách rời của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ khi Ðảng ta ra đời, trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, tiền thân của các tờ báo Ðảng tỉnh, thành phố đã nêu cao tinh thần yêu nước và chủ nghĩa xã hội, đấu tranh kiên quyết chống thực dân, đế quốc nhằm giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc.

Tại Tây Ninh, Tỉnh uỷ cho ra đời Báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh từ tháng 10.1946, sau khi thực dân Pháp tái xâm lược nước ta. Từ đó đến nay, tờ báo chính thống của Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh đã có 75 năm lịch sử với truyền thống vẻ vang trong hai thời kỳ kháng chiến và quá trình xây dựng, bảo vệ, đổi mới đất nước.

Thời kháng Pháp, Báo Dân Quyền được đặt tên bởi người đứng đầu Ban Cán sự Ðảng tỉnh- đồng chí Huỳnh Văn Thanh- một người từng làm báo ở Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh ngày nay, từ trước Cách mạng tháng Tám, và được điều hành hoạt động xuất bản phục vụ kháng chiến bởi các chiến sĩ cách mạng nổi tiếng Dương Minh Châu, Lê Ðình Nhơn…

Tờ báo đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng ngay khi mới ra đời, là hành trang ban đầu của hai đoàn cán bộ tuyên truyền lưu động đầu tiên của tỉnh đi đến các địa phương Trảng Bàng và Châu Thành, khi toàn tỉnh chỉ có hai huyện này để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, ủng hộ kháng chiến.

Thực dân Pháp bị đánh đuổi khỏi nước ta, đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân Pháp xâm lược miền Nam, Tỉnh uỷ Tây Ninh tiếp tục xuất bản tờ báo với tên Báo Giải Phóng, ấn bản đầu tiên là số báo đặc biệt chào mừng sự kiện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Báo Giải Phóng Xuân Tân Sửu 1961 được in với kỹ thuật in hiện đại lúc bấy giờ là in typo, với thiết bị in chữ chì do đồng chí Phan Văn (chú Tư Văn) và đồng chí Nguyễn Tấn (chú Năm Choàng) hai lần dũng cảm đột nhập tận sào huyệt của kẻ địch ở Sài Gòn - Chợ Lớn để mua sắm và được quần chúng ủng hộ vận chuyển vào tận căn cứ cách mạng bí mật ở An Tịnh, Trảng Bàng để ấn loát, phát hành báo.

Việc tờ báo cách mạng xuất hiện ở sát nách thủ đô của chế độ Sài Gòn như một tiếng sét giữa trời quang khiến kẻ địch phải hoang mang lo sợ. Nhất là khi tờ báo đăng tải thông tin về sự kiện ra đời của Mặt trận, hiệu triệu nhân dân miền Nam anh hùng vùng lên chống Mỹ-Diệm. Tờ báo này còn là “Cái tôi thấy đầu tiên là tờ báo” khi học trò Nguyễn Ðức Tâm (Sáu Tâm) xếp bút nghiên lên đường kháng chiến, ngày đầu thoát ly ra chiến khu. Lập tức, ông Sáu Tâm bày tỏ nguyện vọng với ông Tư Văn, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ xin theo nghề báo ngay. Ðể rồi từ đó nghiệp báo vận vào ông suốt cả cuộc đời, từ ngày tham gia cách mạng năm 1961 tới khi từ giã cõi đời năm 2006, trong lúc đương chức Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.

15 năm liên tục xuất bản trong thời chiến, đội ngũ làm báo của tỉnh được Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tặng thưởng bằng khen với lời khen như sau: “Ở một chiến trường gay go đã nỗ lực vượt bậc ra tin tức báo chí tương đối đều, số lượng nhiều so với các tỉnh.

Ra tờ báo Giải phóng và Bản tin diệt Mỹ sớm hơn các tỉnh, thành, trình bày tờ báo, bản tin tương đối đẹp”. Cũng tại hội nghị của Mặt trận, Tổ thông tấn xã Giải phóng, thuộc Tiểu ban Báo chí Ban Tuyên huấn tỉnh Tây Ninh được tặng bằng khen với thành tích: “Trong hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt, cán bộ đã nỗ lực vượt bậc, đảm bảo tốt công tác chuyên môn.

Ðưa được tin tức, bài vở đều và nhiều nhất, nhất là trong đợt Ðông Xuân 1966-1967. Tin tức nhanh hơn, phản ánh nhiều mặt khí thế tấn công địch ráo riết, giành thắng lợi to lớn của quân dân Tây Ninh”. Hai bằng khen cùng đề ngày 2.1.1967 (theo Lịch sử báo Ðảng bộ các tỉnh và thành phố, NXB Chính trị Quốc gia 2000, trang 599).

Quá trình hoạt động báo chí trong hai thời kỳ kháng chiến đã tạo nên truyền thống đáng tự hào cho đội ngũ báo chí tỉnh Tây Ninh. Ngay từ năm đầu của tờ báo Dân Quyền, Ban Tuyên truyền tỉnh đã cử nhiều cán bộ đi học nghề in ở Liên hiệp Nghiệp đoàn Nam bộ và Nhà in Lý Chính Thắng ở Gia Ðịnh để về lập nhà in Typo.

Lúc bấy giờ, do các cây bút của báo đều là nhân sĩ, trí thức xuất thân là luật sư, kiến trúc sư, ký giả nên Báo Dân Quyền luôn bảo đảm chất lượng thông tin tuyên truyền theo yêu cầu kháng chiến, chỉ có khâu ấn loát là hết sức khó khăn. Lúc đầu chỉ in thô sơ bằng đất sét, xu xoa, giấy sáp…

Cho đến khi bước sang giai đoạn chống Mỹ, để chống lại thủ đoạn mị dân thâm độc của chủ nghĩa thực dân mới, sử dụng chiêu bài yêu nước của “chí sĩ Ngô Ðình Diệm” thực chất là để lùng sục, bắt bớ, trả thù người kháng chiến, yêu nước chân chính, yêu cầu đặt ra cho đội ngũ làm báo cách mạng là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch mặt những kẻ tay sai ngoại bang, cũng như vận động toàn thể nhân dân miền Nam anh hùng nhất tề vùng lên kháng chiến.

Lúc này, với sự chi viện đắc lực của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Trung ương Cục miền Nam mở trường đào tạo cán bộ báo chí, văn nghệ cho đội ngũ hoạt động trên lĩnh vực này của các tỉnh, thành. Trường đào tạo của R- mật danh của Trung ương Cục miền Nam đã mở liên tục 8 khoá trong thời kỳ chống Mỹ, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã cử nhiều cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh đi đào tạo nghiệp vụ.

Khoá đầu tiên đào tạo một cách bài bản, chính quy, tập trung kéo dài đến 6 tháng trong năm 1962 do các nhà văn, nhà báo nổi tiếng từ Hà Nội vào giảng dạy, đoàn học viên Tây Ninh đông đến 12 người, trong đó có các đồng chí Nguyễn Ðức Tâm, Xuân Phát, Xuân Quang, Lê Hoàng Gia…

Tiếp theo đó, từ khoá 2 đến khoá 8, khoá cuối cùng trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban Tuyên huấn tỉnh Tây Ninh đều có cử cán bộ theo học, trong đó có các đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Trần Việt Biên, Nguyễn Văn Nửa, Phương Hùng, Phạm Duy Phụng, Võ Hữu Thành, Nguyễn Hoàng Hoá, Lê Năm, Nguyễn Hoàng Dũng.

Ðặc biệt, do điều kiện nhà trường báo chí cách mạng đóng ngay trên đất Tây Ninh, nên tỉnh đã cử thêm cán bộ của các huyện, các ngành tham gia khoá học, như Nguyễn Thống (cố Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Tây Ninh), Dương Thị Thu Hiền (nguyên Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ), Nguyễn Thanh Tùng (nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Tây Ninh)…

Việc cử cán bộ ngoài ngành đi học lớp đào tạo báo chí là ý tưởng của lãnh đạo tỉnh nhằm “tạo nguồn” cán bộ cho Báo, đồng thời đào tạo đội ngũ “người phát ngôn” có trình độ nghiệp vụ để làm nhiệm vụ tuyên truyền cho các ngành, các địa phương. Ý tưởng này còn được vận dụng kéo dài cho đến các lớp đại học Báo chí tại chức mở ra tại tỉnh sau này.

Truyền thống yêu nghề - hiếu học của đội ngũ làm báo tỉnh nhà được duy trì tiếp nối cho đến ngày nay, thể hiện qua việc các thế hệ Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo, Giám đốc Ðài PT-TH đều rất quan tâm công tác đào tạo lý luận, nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên Báo - Ðài.

Chẳng những đưa nhiều cán bộ đi đào tạo tập trung tại các học viện, trường đại học của Trung ương, mà còn tích cực vận động mở lớp tại chức ở tỉnh nhà cho cán bộ vừa học vừa làm. Cụ thể như năm 1993, Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp với Trường đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh mở lớp đại học Báo chí để đào tạo phóng viên, kể cả cộng tác viên của Báo, Ðài và người phát ngôn của các ngành tỉnh, các địa phương.

Lớp học này do các “cây đa, cây đề” trong làng văn, làng báo như các vị giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Lê Trí Viễn, Lê Ðình Kỵ, Trần Hữu Tá, Nguyễn Khắc Thuần, Trần Trọng Thức… lên lớp giảng dạy với giáo trình mang tính “đổi mới”, nhiều môn học mới nên kéo dài đến 5 năm, năm 1998 mới bế giảng.

Ðến khi thế hệ nhà báo tốt nghiệp lớp học này lần lượt về hưu, năm 2012, Tỉnh uỷ lại liên kết với Học viện Báo chí Tuyên truyền của Trung ương để mở lớp đại học Báo chí tại Trường Chính trị tỉnh. Lớp học này, ngoài số học viên là cán bộ, phóng viên Báo, Ðài tỉnh, còn có đội ngũ cộng tác viên người phát ngôn của các ngành, đoàn thể, địa phương theo học. Do đó, trong cuộc bầu cử ngày 23.5.2021 vừa qua, có những ứng cử viên trúng cử đại biểu HÐND tỉnh đã ghi trong tiểu sử “Tốt nghiệp Ðại học Báo chí”.

Ðoàn Báo Tây Ninh tham gia diễu hành tại Lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2005). Ảnh: Ð.H.T

Trên lĩnh vực công nghệ thông tin, ngay từ khi ngành báo chí cả nước mới bắt đầu tin học hoá, năm 1992, Báo Tây Ninh đã mở lớp tin học văn phòng tại cơ quan, và cử người đi học phần mềm dàn trang, xuất bản báo ở TP. Hồ Chí Minh, để mở phòng kỹ thuật xuất bản tin học hoá đầu tiên tại Toà soạn. Và đến khi nước ta mở cổng internet nối mạng với thế giới, Báo Tây Ninh cũng là khách hàng internet đầu tiên của VNPT Tây Ninh.

Cho đến ngày nay, khi truyền thông xã hội ra đời, nội dung hết sức phong phú và… không kém phức tạp, đội ngũ làm báo tỉnh nhà càng nỗ lực phát huy truyền thống, tích cực học tập không ngừng, trên tất cả các mặt chính trị, nghiệp vụ, làm chủ công nghệ hiện đại để tác nghiệp trong kỷ nguyên số.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh