Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo tồn di sản văn hóa, phải thực sự yêu!
Thứ năm: 15:04 ngày 08/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đây là lời khẳng định của Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan trước tình trạng nhiều di sản văn hóa bị ‘bỏ quên’ hoặc khai thác quá mức sau khi được vinh danh.

 Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan. Ảnh: VGP/Thu Lê

Năm 2017, đánh dấu một mốc son của di sản Việt Nam khi cùng lúc Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ và Hát xoan Phú Thọ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt là đối với Hát xoan khi được UNESCO đưa từ danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp, vậy theo ông thành công này là do đâu?

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Thành công của Hát Xoan khi chuyển từ tình trạng “cần được bảo vệ khẩn cấp” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là do có sự vào cuộc tích cực của UBND tỉnh Phú Thọ, Sở VH&TT tỉnh Phú Thọ và sự đồng thuận của nhân dân. Trong đó phải kể đến 4 phường Xoan: An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét.

Tôi đánh giá cao những hành động quyết liệt, kịp thời của UBND tỉnh Phú Thọ đối với sự tồn tại, phát triển và đi vào đời sống như hiện nay của Hát Xoan. Có được hành động đó, phải nói rằng họ thực sự yêu mến, tôn trọng di sản hay nói cách khác họ có nhận thức văn hóa rất tốt, rất sâu sắc về giá trị văn hóa cổ truyền trong đời sống hiện đại, chuyện này không phải nơi nào, cán bộ lãnh đạo nào cũng có. Hiếm hoi lắm!

Về phía người dân, phải khẳng định rằng họ luôn ủng hộ việc bảo tồn di sản. Nên khi được các cơ quan công quyền vận động, họ tham gia rất sôi nổi và hiệu quả.

Đối với Nghệ thuật Bài Chòi, khi mới nghe tin là sẽ được vinh danh thôi, nhân dân Trung Bộ vui mừng vô cùng, một ngày tôi nhận được 5-7 cuộc điện thoại từ các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận để chia sẻ niềm vui đó, đủ thấy họ yêu quý và sốt sắng với di sản như thế nào.

Việc được thế giới công nhận cũng mang nhiều ý nghĩa tích cực với các địa phương này, làm cho họ thêm yêu di sản. Hiện nay, tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận hằng tháng đều tổ chức sinh hoạt văn hóa Bài Chòi với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân.

Tỉnh Khánh Hòa cũng tổ chức từ 1-2 đêm mỗi tuần chơi Bài Chòi gắn với phát triển du lịch. Nghệ thuật Bài Chòi Khánh Hòa đã dựng được những vở Bài Chòi, trình diễn trong không gian riêng có và đậm bản sắc. Đồng thời nhanh chóng triển khai nhiều công việc để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Có thể thấy các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, các đồng chí quản lý văn hóa của những địa phương này rất sốt sắng với di sản, khác với một số cái nhìn, quan niệm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo văn hóa hiện nay.

Bên cạnh những di sản được vinh danh ở cấp thế giới, hằng năm chúng ta có thêm nhiều di sản ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng các di sản bị “bỏ rơi” hoặc "khai thác" bừa bãi sau khi được vinh danh, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Hiện nay đang “loạn” về tín ngưỡng và chúng ta chưa có được cách thức để kiềm chế cái hỗn loạn này. Đó cũng là hậu quả của việc đóng cửa quá chặt, đến khi mở ra thì không kịp che chắn, không có cơ chế kịp thời để quản lý tín ngưỡng, làm cho nhiều di tích bị khai thác sai, hiểu sai, đặt nặng mục đích thu lời trên di sản.

Thuở xưa, các hình thức nghệ thuật tồn tại được là do quản lý của Nhà nước và các địa phương. Nhà nước giao hẳn Bộ Lễ để quản lý tục nhạc và nhã nhạc, trong đó, tục nhạc là những hoạt động âm nhạc ngoài dân gian, nhã nhạc là những sinh hoạt âm nhạc cung đình. Tất cả những hoạt động sinh hoạt văn hóa làng xã, triều đình đều biết hết, họ quy định những đình nào, đền thờ nào thì thờ ai, được bao nhiên tiền để thờ, bao nhiều người được quét tước… rất chi tiết chứ không mập mờ như bây giờ.

Lễ hội xưa cũng được phân chia rõ, có lễ hội xã, lễ hội hàng tổng và hàng tỉnh. Thường lễ hội hàng tổng 30 năm mới có một lần, chứ không phải năm nào cũng làm như hiện nay.

Nếu muốn “dẹp loạn” văn hóa thì phải trang bị kiến thức, tập huấn cho cả những người quản lý văn hóa và quần chúng nhân dân, trả tín ngưỡng về đúng giá trị văn hóa của nó. Hiện, không thiếu các giáo sư, những nhà nghiên cứu giỏi để làm những việc đó, nhưng cần có cơ chế tập hợp nhân tài từ phía các cơ quan chức năng.

Với Ca trù, ngay từ năm 2009, di sản này cũng được UNESCO xếp vào danh sách "cần bảo vệ khẩn cấp" như trường hợp Hát Xoan.  Nhưng cho đến thời điểm này, tại sao chúng ta vẫn chưa có một Đề án bảo tồn cấp quốc gia cho Ca trù?

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Như đã nói, cái được hay không được không phải do người dân mà xuất phát từ những người làm quản lý văn hóa chưa quý trọng, chưa yêu, nên ca trù mới khốn khó như vậy.

Khác với Hát Xoan hay Nghệ thuật Bài Chòi, Ca trù nằm rải ở 15 tỉnh, thành phố, thì ông nọ nhìn ông kia, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Thế giới công nhận cho 15 tỉnh, thành phố có di sản, vì vậy từng địa phương sẽ không đủ thẩm quyền để làm Đề án cấp quốc gia mà trách nhiệm thuộc về Bộ VHTT&DL. Để làm đề án này, Bộ có thể giao cho một đơn vị nào đó làm đầu mối. Nhưng theo tôi nhận thấy, việc này hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Rất may, trong 8 năm từ năm 2009, khi chỉ còn 22 nghệ nhân biết đàn hát ca trù, bây giờ chúng ta đã có 500 người chơi thành thạo, chứng tỏ dù cơ quan quản lý chưa quyết liệt nhưng những người yêu văn hóa truyền thống vẫn hành động sốt sắng.

Thực tế, theo đánh giá của tôi, Ca trù hiện đã thoát khỏi tình trạng “cần bảo vệ khẩn cấp”, điều cần làm hiện tại là hoàn thiện bản báo cáo gửi tới UNESCO, tường trình với cơ quan này rằng Việt Nam đã thành công trong việc cứu Ca trù thoát khỏi bờ vực biến mất và có quyền tuyên bố với thế giới rằng Ca trù hiện đã trở thành hiện tượng văn hóa có giá trị và đang hoạt động trong đời sống hiện tại, như vậy họ công nhận ngay.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò, năng lực của thế hệ nghệ nhân trẻ tuổi và hiệu quả của những cách thức mới để bảo tồn âm nhạc truyền thống?

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Lớp nghệ nhân trẻ có vai trò rất quan trọng, bởi lẽ tre già mà măng không mọc thì không thể duy trì nghệ thuật truyền thống được. Như với Hát Xoan, tỉnh Phú Thọ chia ra lớp nghệ nhân kế cận ở độ tuổi 40-50 đã nắm chắc nghề nghiệp, làm thầy đào tạo cho thế hệ trẻ hơn. Hà Nội cũng đã bắt đầu có những hướng đi để động viên các nghệ nhân trẻ tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ.

Lớp nghệ sĩ trẻ bây giờ rất tài năng, hát hay, đàn giỏi và tổ chức giỏi. Ngày xưa các đào nương chỉ biết đến quán hát để biểu diễn, những việc khác chủ quán hát lo. Còn ngày nay, lớp trẻ rất giỏi và năng động, tôi có niềm tin các bạn ấy không những kế thừa mà còn phát huy tốt văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều phương pháp tốt để bảo tồn văn hóa nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng. Việc kết hợp Ca trù với nhiều loại hình âm nhạc hiện đại là một ví dụ.

Tôi rất đồng ý với ý kiến cho rằng, âm nhạc hiện đại rất gần gũi với âm nhạc dân gian, nên xếp 2 loại hình này lại với nhau là rất tốt. Vấn đề là làm thế nào để sắp xếp hợp lý;  lựa chọn loại hình âm nhạc truyền thống nào, làn điệu, bài hát nào, đặt vào vị trí, thời điểm nào thì phù hợp.

Như trong dự án âm nhạc “Đường xa vạn dặm” của Quốc Trung, sự kết hợp giữa nhạc hiện đại và những bài hát dân ca nguyên vẹn đã đem lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho khán giả. Cũng như vở Piano-Tuồng “Lửa” của Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên kết hợp giữa piano và tuồng, sắp xếp một cách khôn khéo khiến cho âm nhạc dân gian đến gần với đông đảo khán giả hơn.

Việc tỉnh Phú Thọ số hóa Hát Xoan, đưa âm nhạc dân gian vào cơ sở dữ liệu cũng là hành động rất tốt, bởi di sản văn hóa phi vật thể tồn tại qua trí nhớ, truyền khẩu… nên không bảo tồn sẽ dần mất mát, mai một. Đây là một trong những phương pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời đại công nghệ, cần được nhân rộng.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Nguồn chinhphu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục