Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo tồn hiệu quả động vật hoang dã quý, hiếm
Thứ hai: 15:20 ngày 15/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Những năm qua, công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về quản lý, bảo vệ ĐVHD, nguy cấp, quý hiếm được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện.

Cá thể tê tê Java được thả về rừng tự nhiên.

Chủ động phòng ngừa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 551 loài ĐVHD sinh sống trong môi trường tự nhiên, trong đó có các loài quý hiếm như: rắn hổ mang chúa, cu li lớn (linh trưởng), cu li nhỏ, nai, mèo ri, mèo rừng, tê tê Java, voọc chà vá, voọc bạc, các loài khỉ, chim. Ngoài ra, còn có khoảng 300 cơ sở gây nuôi ĐVHD được cấp mã số gây nuôi theo quy định của pháp luật. Các loài gây nuôi chủ yếu là khỉ đuôi dài (10.000 con), cầy vòi hương (2.300 con), dúi (730 con), cheo cheo (50 con), rùa đất (3.100 con), rắn (4.550 con).

Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết, hiện nay, thực trạng buôn bán và các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD- nhất là những loài động vật quý hiếm vẫn còn diễn ra do một bộ phận người dân có nhu cầu sử dụng ĐVHD, các sản phẩm từ ĐVHD và lợi nhuận từ việc buôn bán ĐVHD cao. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cứu hộ, bảo tồn ĐVHD, lực lượng Kiểm lâm phối hợp các ngành liên quan điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến động vật hoang dã; phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật ĐVHD trên các trang thông tin điện tử.

Điển hình, trong năm 2023, theo nguồn tin báo của người dân, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã tổ chức mật phục tại đường 785, khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, phát hiện, bắt quả tang ông N.T.V (thường trú tại ấp Long Hoà 2, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu) có hành vi vận chuyển 1 cá thể rắn hổ chúa còn sống nặng 0,695 kg, là loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ.

Khi bị bắt quả tang, ông N.T.T (ngụ tại khu phố 7, phường 3, thành phố Tây Ninh) là người điều khiển xe mô tô chở ông N.T.V ngồi phía sau cầm theo một thanh đao bằng sắt dài 72 cm; một cá thể rắn hổ chúa đựng trong túi lưới màu vàng bỏ trong thùng xốp. Tại thời điểm kiểm tra, ông N.T.V không xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của cá thể rắn hổ chúa nói trên.

Xác định đây là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng đã lập biên bản kiểm tra, niêm phong vật chứng; đồng thời phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Tây Ninh và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Tây Ninh tổ chức khám nghiệm hiện trường, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, trong năm 2023, Chi cục phối hợp với các lực lượng có liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý 11 trường hợp có hành vi vi phạm hành chính về ĐVHD, phạt tiền 33.250.000 đồng; tịch thu và thả về môi trường tự nhiên 783 cá thể chim hoang dã, 10 cá thể động vật khác. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã cứu hộ thả về môi trường tự nhiên 1.254 cá thể ĐVHD do người dân tự nguyện giao nộp, gồm các loài khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, rùa đất lớn, rùa núi vàng, kỳ đà vân, kỳ đà hoa, trăn đất, trăn gấm, mèo rừng, tê tê, các loài chim.

Về xử lý hình sự, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ, khởi tố 2 trường hợp tàng trữ buôn bán trái phép ĐVHD nguy cấp, quý hiếm (1 cá thể rắn hổ chúa, 1 cá thể tê tê Java).

Thỏ được cứu hộ tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Tăng cường công tác bảo vệ, cứu hộ

Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, hiện nay, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị còn chưa đủ, chưa bảo đảm cho công tác cứu hộ, phục hồi và tái thả ĐVHD về tự nhiên. Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm không có lực lượng chuyên trách được đào tạo về chuyên môn cứu hộ, chăm sóc ĐVHD; không có chuồng trại, khu nuôi nhốt, chăm sóc bảo đảm môi trường sống tự nhiên cho ĐVHD; kinh phí phục vụ cho công tác bảo tồn, chăm sóc còn hạn hẹp.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, cứu hộ ĐVHD, trong thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan tuần tra, kiểm tra hoạt động các cơ sở gây nuôi ĐVHD, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép ĐVHD, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm.

Các sở, ngành, chính quyền các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân không săn bắt, bẫy bắt, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD; phóng sinh các loài ĐVHD, ngoại lai xâm hại.

Ths. Hồ Đắc Long- Phó trưởng Phòng Khoa học, Bảo tồn và Hợp tác quốc tế thuộc Ban Quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát cho biết, hiện đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Quản lý Vườn quốc gia đã được phê duyệt. Trong đó, khu chăm sóc, cứu hộ ĐVHD được giao Phòng Khoa học, Bảo tồn và Hợp tác quốc tế quản lý. Ngoài việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, từ năm 2018 đến nay, khu chăm sóc cứu hộ ĐVHD đã tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hơn 1.000 cá thể để chăm sóc, cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên.

Hiện tại, khu chăm sóc, cứu hộ ĐVHD đang chăm sóc, cứu hộ nhiều loài động vật. Trong đó, có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới IUCN như: vượn đen má vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, rái cá vuốt bé, cá sấu Xiêm, rùa hộp núi vàng, trăn gấm, trăn đất, diều lửa, gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, gà rừng, mèo rừng… Các cá thể này được chăm sóc, cứu hộ chủ yếu từ các vụ bẫy bắt động vật rừng, các vụ buôn bán trái phép và một số cá thể được người dân tự nguyện giao nộp sau thời gian Vườn quốc gia tuyên truyền vận động về việc nuôi nhốt ĐVHD trái quy định.

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát triển sinh vật tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã được tuyên truyền và triển khai sâu rộng. Khu chăm sóc, cứu hộ ĐVHD ngày càng được quan tâm đầu tư và việc kiểm tra, giám sát tình trạng sức khoẻ của các loài được cứu hộ được thực hiện đúng quy trình chăm sóc; tái thả về môi trường tự nhiên nhiều loài động vật được tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân sau một thời gian cứu hộ khoẻ mạnh.

Phó trưởng Phòng Khoa học, Bảo tồn và Hợp tác quốc tế cho biết thêm, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã nhân nuôi thêm hươu sao, nai, heo rừng lai, chim công lam Ấn Độ, chim trĩ 7 màu đỏ, trĩ khoang cổ, đà điểu và một số loài chim có hình thái, màu sắc đẹp… Từ đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phát triển du lịch sinh thái.

Theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm như sau: Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm như: “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ…”. Nếu tính chất, mức độ vi phạm cao hơn sẽ bị xử lý nặng hơn theo quy định.

Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng khuyến cáo người dân không thực hiện các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD nói chung và các loài động vật thuộc Danh mục nguy cấp, quý, hiếm nói riêng; nếu vi phạm, tuỳ theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục