Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo tồn nghề làm bánh tráng phơi sương: Khi tình yêu thắp lửa
Thứ bảy: 00:12 ngày 23/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không đơn thuần vì miếng cơm, manh áo, những người giữ nghề truyền thống còn vì tình yêu, nhiệt huyết với nghề, tự hào với sản phẩm truyền thống do ông bà mình tạo ra. Họ- những người làm nghề tráng bánh tráng ở xứ Trảng- đang ngày ngày gìn giữ một di sản văn hoá được lưu truyền cả trăm năm.

Nghệ nhân Phạm Thị Ðương khéo léo biểu diễn tráng bánh tráng phơi sương tại Lễ hội văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ II. Ảnh: Ð.H.T

Từ “Truyền nhân của má”...

Những chiếc bánh tráng phơi sương ra đời vốn phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ với đôi bàn tay cực kỳ khéo léo nên phần lớn do phụ nữ đảm đương. Tuy nhiên, trong giới làm nghề tại khu phố Lộc Du (thị xã Trảng Bàng), anh Lê Văn Hùng được biết đến là một trường hợp đặc biệt. Anh Hùng có thâm niên hơn 30 năm tráng bánh. Và đến giờ, làm bánh tráng vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình anh.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề bánh tráng phơi sương, từ nhỏ, anh Hùng đã quen với bếp lửa, chiếc vỉ nứa, những chiếc bánh mỏng dẻo của bà và má mình tỉ mỉ tráng nên. Không biết từ lúc nào đã thấm vào máu anh cái hồn của người thợ tráng bánh.

Anh Hùng là người duy nhất trong 7 người con của Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Phải (người vừa được công nhận danh hiệu vào năm 2019) chịu ngồi bên lò tráng bánh, việc vốn dĩ chỉ thuộc về phụ nữ, nhưng anh Hùng không ngần ngại: “Vì tôi thương má quá! Tôi thương má vất vả, tảo tần với nghề để nuôi gia đình. Tôi sợ má buồn vì không ai theo nghề”.

Và từ đó, anh Hùng gắn bó với nghề như một mối lương duyên. Là thanh niên, anh Hùng thiếu sự khéo léo như má nên những mẻ bánh đầu tiên của anh thất bại. Anh kể: “Lúc đó, tôi bị má rầy nhiều lắm bởi tráng bánh hư nhiều, bị lỗ vốn.

Hễ hôm nào bánh hư nhiều là không có gạo ăn”. Nhưng điều đó không làm anh nản chí: “Mỗi lần nhìn sự say mê cùng những giọt mồ hôi của má khi ngồi bên lò tráng bánh, tôi càng thấy giá trị của nghề làm bánh tráng truyền thống”.

Ðược sự truyền dạy của má, chăm chỉ học nghề, dần dần anh Hùng cũng học được kỹ thuật tráng bánh hai lớp, đặc trưng của bánh tráng phơi sương xứ Trảng. Những chiếc bánh được tráng ngày càng tròn trịa, đẹp mắt như là động lực để chàng trai này dành trọn đam mê, tình yêu với nghề.

18 tuổi, anh Hùng đã tráng bánh thành thạo, nhuần nhuyễn pha bột. Vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngày ấy, anh Hùng chia sẻ: “Lúc ấy má tôi vui lắm, đi khoe với hàng xóm rằng má có truyền nhân rồi”. Năm tháng trôi qua, cùng má làm và sống với nghề, gian bếp nhà anh Hùng luôn đỏ lửa, dù công việc vất vả, nhưng anh càng làm càng thích, càng ngày càng say mê.

Anh Hùng may mắn khi được nuôi dưỡng, truyền cho hồn cốt của nghề làm bánh tránh phơi sương từ người má nghệ nhân của mình. Hiểu được kỳ vọng của má, anh quyết tâm giữ nghề cho má vui.

Cứ thế, cái nghề này theo anh đến tận bây giờ. Kế thừa nghiệp làm bánh của má, anh Hùng luôn giữ lửa gian bếp nhà mình bất kể là mùa nào, như một cách báo hiếu của người con với má mình khi bà không còn nữa. Nhiều năm qua, anh vẫn giữ nguyên cách tráng bánh truyền thống của má truyền lại.

Những vật dụng làm nghề từ thời của má anh như cái gáo dừa tráng bột, cái trã nước cũ vẫn được anh giữ gìn cẩn thận, dùng nó làm nghề như những vật kỷ niệm đáng trân trọng. Anh cũng chú tâm sử dụng những vỉ nứa như thời của má mình để phơi bánh, vì theo anh, phơi bánh bằng vỉ nứa mới có vân đẹp.

Mỗi lần nhắc đến nghề, đến má, ánh mắt của anh Hùng không giấu được nỗi xúc động pha lẫn tự hào. Anh chia sẻ: “Tôi theo nghề vì muốn giữ lời hứa với má tôi. Má muốn tôi giữ gìn cái nghề truyền thống này. Mấy mươi năm qua, tình yêu đã thấm vào máu của tôi rồi, khó bỏ được, bây giờ nó không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là niềm đam mê”.

Cũng khéo léo như những người thợ nữ, mỗi ngày, anh Hùng tráng ra hàng trăm chiếc bánh. Một mình anh đảm đương tất cả công đoạn, từ pha bột, tráng, phơi đến nướng bánh. Anh đã quen với thức khuya dậy sớm, bỏ tâm sức vào từng chiếc bánh, để những mẻ bánh ra lò luôn bảo đảm chất lượng, vẹn nguyên hương vị truyền thống, với vị mặn và đặc trưng mùi thơm của gạo, hoà lẫn mùi hương của nắng, của sương trời.

Anh nói: “Công việc này tuy cực mà vui. Nhờ nghề này tôi có thu nhập ổn định. Nhiều người yêu thích hương vị truyền thống thường tìm đến lò bánh để tham quan, mua bánh về thưởng thức. Mỗi lần nghe một lời khen bánh ngon tôi lấy làm vui, hạnh phúc lắm, vì mình vẫn lưu giữ được vẹn nguyên hương vị bánh của má ngày xưa mà nhiều người ưa thích”.

Bà Ðương khéo léo biểu diễn tráng bánh tráng phơi sương tại Lễ hội văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ II.

Thương má, yêu nghề, anh Hùng miệt mài duy trì nghề truyền thống của gia đình. Theo anh, nghề này lắm công phu, vất vả, thu nhập lại không cao nên bây giờ nhiều người không còn mặn mà. Anh Hùng sợ nghề bị mai một nên thấy ai yêu thích nghề này anh mừng lắm.

Anh nói với giọng đầy tâm huyết: “Ở Tây Ninh có chỗ nào muốn nổi lửa tráng bánh tráng phơi sương, tôi sẽ sẵn sàng đem hết tâm sức, bí quyết nghề tráng bánh hướng dẫn lại cho mọi người, với mong muốn nghề này được lưu truyền cho thế hệ mai sau”.

Vài ngày tới đây, anh Hùng sẽ tham gia Lễ hội văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần III, với vai trò là người biểu diễn nghề làm bánh tráng phơi sương tại lễ hội cho du khách xem. Anh không ngại bỏ công, tất bật cùng địa phương chuẩn bị khu trình diễn tráng bánh tráng. Với anh, đó là niềm vui và tự hào, bởi anh có thể góp phần giới thiệu, quảng bá nghề làm bánh tráng phơi sương, để nhiều người biết đến hơn.

Ðến “Không còn là nghề mưu sinh...”

Bà Phạm Thị Ðương là nghệ nhân của làng nghề tráng bánh phơi sương tại khu phố Lộc Du. 62 tuổi đời và hơn 40 năm tuổi nghề, bà Ðương được xem là một trong những người thợ lành nghề nhất tại đây. Năm 2019, bà được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với bà, đây như một dấu son trong suốt hành trình giữ gìn cái nghề của tiền nhân, bà rất tự hào.

Sống với nghề hơn 40 năm, dẫu nhiều lúc thăng trầm nhưng bà Ðương- bằng tình yêu nghề của mình đã duy trì nghề qua ba đời. Ðến giờ bà đã hoàn thành việc truyền nghề cho hai người con gái. Bà chia sẻ niềm vui: “Các con tôi đã được học hết những gì tinh hoa nhất của nghề. Thật vui khi nghề này sẽ lại được duy trì thêm đời thứ tư trong gia đình tôi”.

Hơn 40 năm qua, bà Ðương đã quen với nỗi cơ cực của nghề, mỗi ngày không tráng bánh là bà thấy khó chịu. Nay tuổi đã cao, thỉnh thoảng bị bệnh, bà phải nghỉ ngơi vài ngày. Nhưng ngay khi bệnh vừa giảm, bà lại xông xáo đi chọn gạo, xay bột rồi tráng, phơi, nướng bánh với một niềm vui khó tả. Với bà Ðương, tráng bánh không còn đơn thuần là nghề để mưu sinh mà nó là tình yêu, niềm vui thích trong đời.

Với tình yêu nghề, sự quyết tâm duy trì nghề, bà Ðương được công nhận là nghệ nhân. Trong năm qua, bà Ðương được mời truyền nghề tráng bánh ngoài địa phương. Bà vui vẻ nói: “Việc truyền nghề này tôi đã thực hiện từ nhiều năm trước, có lúc tôi còn sang dạy ở Ðức Hoà, Long An. Ðến nay, tôi lại được đi truyền nghề cho địa phương khác trong tỉnh.

Ðây vừa là niềm vui, vừa là vinh dự cho bản thân tôi”. Và nghệ nhân này thấy vui mừng khi nghề bánh tráng phơi sương được truyền bá rộng hơn. “Tôi muốn sắp tới sẽ có thêm nhiều lớp truyền nghề và tôi sẵn sàng truyền lại những gì tinh tuý của nghề để có thêm nhiều người gìn giữ di sản văn hoá của quê hương, xứ sở”.

Qua ba lần tổ chức lễ hội về bánh tráng phơi sương tại Trảng Bàng, bà Ðương đều vinh dự được tham gia biểu diễn cũng như hướng dẫn tráng bánh cho du khách. Bà nói: “Tham gia lễ hội, tôi trở thành cầu nối cho du khách với nghề truyền thống của địa phương.

Nghĩ tới thôi là tôi thấy vui lắm”. Gần tới lễ hội lần thứ 3, bà Ðương lại tất bật chuẩn bị các phần việc của mình. Bà thấy vui và tự hào khi góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của nghề.

Anh Hùng với công đoạn gỡ bánh tráng sau khi bánh được phơi nắng.

Ðể duy trì sức sống của một làng nghề, chúng ta rất cần những người nhiệt huyết và có tình yêu nghề sâu sắc. Anh Hùng, bà Ðương tuy tuổi không còn trẻ nhưng bằng tình yêu của mình, họ cùng với nhiều người khác truyền giữ lửa nghề qua nhiều đời. Ðể đến bây giờ chúng ta vẫn còn đó một di sản văn hoá hơn trăm năm.

Châu Pha - Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục