Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Global Times nói các nước nên "kiềm chế" như Duterte về vấn đề Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách "bắt nạt" các nước láng giềng.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters.
"Tại sao Rodrigo Duterte vẫn duy trì hành động một cách hòa bình, hợp tác và kiềm chế ở Biển Đông bất chấp một số chỉ trích trong nước và sự xúi giục của Mỹ?", tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đặt ra câu hỏi trong bài xã luận đăng hôm 23/7, đề cập tới Tổng thống Philippines.
"Đó là bởi Duterte nhận ra rằng việc đặt tranh chấp sang một bên và tìm cách hợp tác với Trung Quốc mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước của ông ấy. Thông qua hợp tác phát triển, Trung Quốc và Philippines đang nỗ lực giảm bớt căng thẳng và khám phá một lộ trình hợp tác mới trong khu vực", Global Times cho biết.
Sau khi ca ngợi mô hình hợp tác mà Trung Quốc gọi là "cùng khai thác" trên Biển Đông với Philippines, Global Times còn nhắc lại việc hai nước ra tuyên bố chung năm 2018, trong đó hai bên "nhất trí cùng kiềm chế các hành vi có thể làm phức tạp hóa hoặc leo thang tranh chấp, có thể ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định ở Biển Đông".
Tuy nhiên, giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế đại học LIU Post, Mỹ, chỉ ra rằng bài xã luận của Global Times hoàn toàn chỉ đề cập tới khái niệm "hòa bình" và "hợp tác" theo cách hiểu của Bắc Kinh mà không quan tâm đến các quy định, quy tắc, thông lệ quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi.
Theo giáo sư Mourdoukoutas, Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng nghĩa với việc bất cứ dự án "cùng khai thác" nào trên vùng biển tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila về bản chất là đang khai thác quyền lợi lẽ ra thuộc về Philippines.
Từ "kiềm chế" mà Global Times sử dụng dường như cũng chỉ áp dụng đối với phía Philippines, khi Tổng thống Duterte nhiều lần thể hiện sự mềm mỏng trước các hành vi đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tổng thống Philippines hồi tháng 4/2018 tuyên bố sẽ cắm quốc kỳ trên tất cả đảo mà nước này kiểm soát ở Biển Đông, nhưng rồi sau đó đột ngột tuyên bố hủy quyết định này vì nhận được "lời khuyên hữu nghị" từ phía Trung Quốc.
Trong thông điệp quốc gia hôm 22/7, Duterte nói rằng không thể đưa lực lượng cảnh sát biển xua đuổi tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế nước này ở Biển Đông vì "Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và đang sở hữu vùng biển đó".
Phát biểu của Duterte lập tức vấp phải phản ứng của nhiều quan chức cấp cao Philippines như Phó chánh án tòa án tối cao Antonio Carpio, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr., Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, những người khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ "sở hữu" Biển Đông như lời của Tổng thống.
Phản ứng này khiến Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, hôm qua phải tìm cách giải thích rằng Duterte chỉ muốn ám chỉ các tiền đồn quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh họ "không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc".
Trong khi đó, Trung Quốc không có bất cứ hành động nào thể hiện sự "kiềm chế" như nước này tuyên bố. Trung Quốc trong những năm qua bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, sau đó tiến hành các hoạt động quân sự hóa bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế.
Gần đây nhất, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trong những ngày qua có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được quy định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Trong 10 ngày qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc và yêu cầu nước này rút ngay các tàu khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.
Theo Gregory Poling, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách "bắt nạt" các nước láng giềng có tiềm lực kinh tế, quân sự nhỏ hơn mình để phục vụ tham vọng "độc chiếm" Biển Đông.
"Bắc Kinh từ lâu tìm cách thuyết phục dư luận quốc tế rằng mọi thứ ở Biển Đông vẫn ổn và các bên liên quan đều có thể quản lý tranh chấp của mình", Collin Koh, chuyên gia của Singapore, giải thích. "Đó là lý do Trung Quốc thúc đẩy các cuộc đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, nhằm chứng minh cho lập luận này".
Prashanth Parameswaran, biên tập viên tại Diplomat, cho rằng căng thẳng trên Biển Đông hiện nay sẽ khó leo thang thành xung đột. Tuy nhiên, việc Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi "bắt nạt láng giềng" để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế là thách thức mà các quốc gia trong khu vực cần đối phó.
Nguồn VNE (Theo Global Times)